Vụ rơi máy bay Su-22: Nhìn lại 15 ngày vật lộn với biển để đưa các anh 'về'
(Thethaovanhoa.vn) - Sau 15 ngày vật lộn giữa biển khơi, với một lực lượng cứu hộ hùng hậu nhất, huy động những thiết bị tối tân nhất, chúng ta đã đưa được các anh về với đất mẹ, với gia đình, đồng đội, nhân dân.
Hãy cùng nhìn lại 15 ngày đêm không ngủ này. Trong những ngày tiếp theo sẽ là lễ truy điệu, và việc giải mã 2 hộp đen máy bay.
* Ngày thứ nhất (16/4): Bộ Quốc phòng cho biết, lúc 11 giờ 45 phút ngày 16/4, hai máy bay Su-22 của Trung đoàn 937, thuộc Sư đoàn 370 (Quân chủng Phòng không - Không quân) bay huấn luyện, bài bay công kích, bổ nhào, cơ động phức tạp, đường bay Phan Rang - Mũi Rinh, Phú Quý, Bình Thuận đã bị mất liên lạc với Sở Chỉ huy.
Hai phi công gặp nạn gồm: Lê Văn Nghĩa (phi công cấp 1), lái máy bay Su-22, số hiệu 5857, cấp bậc Trung tá, chức vụ Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn 937, Sư đoàn 370 và Phi công Nguyễn Anh Tú (phi công cấp 3) điều khiển máy bay Su-22, số hiệu 5863, cấp bậc Đại úy, Phi đội phó Phi đội 1, Trung đoàn 937, Sư đoàn 370.
Sư đoàn Không quân 370 đã điều máy bay Mi-171 của Trung đoàn 917 tìm kiếm cứu nạn. Lúc 14 giờ 50 phút ngày 16/4/2015, máy bay tìm kiếm đã phát hiện tại vùng biển có tọa độ 10 độ, 36 phút, 36 giây vĩ Bắc; 108 độ, 51 phút, 30 giây kinh Đông có 4 bình dầu phụ trôi nổi và vết dầu loang trên biển.
* Ngày thứ 2 (17/4): Lực lượng tìm kiếm xác định vị trí 2 máy bay rơi sát nhau, phía nam Hòn Trứng, Phú Quý.
Sau khi định vị được vị trí, nơi này đã bị phong tỏa hoàn toàn, cấm các tàu qua lại để cơ quan chức năng tiến hành tìm kiếm, cứu hộ.
Lực lượng tìm kiếm đã phát hiện được một động cơ máy bay, một cánh máy bay và phần đuôi của một chiếc máy bay Su-22 nằm sâu dưới mặt biển khoảng 32m tại khu vực có tọa độ: 10 độ 36 phút 30 và 108 độ 51 phút 15, cách đảo Phú Quý (Bình Thuận) khoảng 15km.
Lực lượng hỗn hợp đã huy động 2 máy bay, 6 tàu, nhiều phương tiện máy móc cùng hằng trăm cán bộ, chiến sĩ tham gia công tác tìm kiếm. Riêng Lữ đoàn Đặc công 5 (Binh chủng Đặc công) đã cử 20 chiến đấu viên, chia làm 5 kíp liên tục thay nhau lặn xuống đấy biển dò tìm.
16 giờ, các chiến đấu viên đã phát hiện thêm và kéo lên mặt nước được 1 thùng dầu phụ, 1 khung nắp buồng lái của máy bay. Ngoài ra, cán bộ, chiến sĩ của đơn vị cũng đã bắt đầu tiếp cận được 1 vật dự đoán là một bộ phận của thân máy bay đang nằm sâu dưới đáy biển.
Để trục vớt vật thể được phát hiện nằm dưới đáy biển nghi là thân máy bay, Cảnh sát biển đã tăng cường thêm 1 tàu có thiết bị có khả năng cẩu trục và chứa vật thể có khối lượng lớn... Hỗ trợ các tàu tìm kiếm còn có 4 trực thăng bay trên bầu trời.
Ảnh: Tàu HQ 884 có thiết bị dò tìm kim loại dưới nước được tăng cường. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN
Đêm 20/4, lực lượng tìm kiếm đã được tăng cường, thay ca làm việc liên tục trong đêm.
* Ngày tìm kiếm thứ 13 (28/4). Lực lượng đặc công nước đã tìm được bộ phận dẫn đường của máy bay Su-22 và tiếp đến đã tìm thấy và trục vớt phần thân máy Su-22 mang số hiệu 5857 và thi thể phi công Lê Văn Nghĩa.
* Ngày tìm kiếm thứ 15 (30/4): Chiều 30/4, lực lượng đặc công nước đã tìm thấy thi thể phi công Nguyễn Anh Tú và sau đó đưa về quàn tại Bệnh viện Phú Quý, Bình Thuận.
* Tìm thấy hộp đen, kết thúc tìm kiếm
Cùng với việc tìm thấy thi thể phi công Nguyễn Anh Tú, lực lượng cứu hộ cũng đã tìm thấy cả 2 hộp đen của 2 chiếc Su-22 số hiệu 5857 và 5863 của Trung đoàn Không quân 937 thuộc Sư đoàn 370 (Quân chủng Phòng không - Không quân). Do đã tìm được hai hộp đen và thi thể hai phi công nên quá trình tìm kiếm hai máy bay Su-22 của lực lượng tìm kiếm hỗn hợp sẽ kết thúc.
Ngoài việc tiến hành các thủ tục công nhận Liệt sỹ cho 2 phi công gặp nạn, Quân đội cũng quyết định truy phong từ Trung tá lên Thượng tá đối với liệt sỹ phi công Lê Văn Nghĩa (nguyên Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân 937) và truy phong từ Đại úy lên Thiếu tá đối với liệt sỹ phi công Nguyễn Anh Tú (nguyên Phi đội phó Phi đội 1, Trung đoàn Không quân 937).
Ban Thanh niên Quân đội cũng đã làm thủ tục đề nghị Ban Bí thư Trung ương Đoàn truy tặng Huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm đối với liệt sỹ phi công Nguyễn Anh Tú.
Chiều 1-5, nghi thức viếng tang đại úy Nguyễn Anh Tú - phi công trung đoàn 937 sư đoàn 370 Quân chủng Phòng không - không quân, tử nạn trong sự cố hai máy bay Su-22 gặp nạn - được cử hành tại tư gia của anh ở tầng 4 chung cư C5, TP Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận). Đông đảo người dân, người thân, đồng nghiệp, thân hữu đã đến viếng, chia buồn cùng gia đình anh.
* Sáng mai, (3/5): Lễ truy điệu và lễ viếng hai phi công Lê Văn Nghĩa và Nguyễn Anh Tú sẽ diễn tại nhà tang lễ Bộ Quốc phòng tại TP.HCM. Sau đó, thi thể các chiến sĩ hi sinh được đưa đi hỏa táng và theo nguyện vọng của gia đình, tro cốt các phi công được đưa về mai táng tại quê nhà.
* Chờ giải mã hộp đen và phán đoán sơ bộ nguyên nhân
Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam cho biết, cho biết: “Sẽ phải có thời gian để giải mã hộp đen, tuy nhiên đến thời điểm này cơ bản có thể khẳng định hai máy bay Su-22 rơi trên biển Phú Quý (Bình Thuận) không xuất phát từ nguyên nhân kỹ thuật mà thuộc vấn đề thao tác, dẫn đến va chạm nhau trên không”.
Việc giải mã chi tiết 2 hộp đen sẽ có những khó khăn nhất định do hộp đen bị ngâm dưới nước biển lâu ngày.
Tuy nhiên, dựa vào kết quả tìm kiếm, trục vớt thi thể 2 phi công cũng như các bộ phận của máy bay, nguyên nhân vụ tai nạn đáng tiếc này sẽ sớm có kết quả chính xác nhất.
Nhóm PV
Tổng hợp