Vụ máy bay Nga rơi ở Ai Cập: Sinai, miền đất dữ
(Thethaovanhoa.vn) - Vụ chiếc máy bay Airbus A321 của Nga bị rơi ở bán đảo Sinai của Ai Cập đã khiến người ta chú ý hơn tới vùng đất vô luật pháp, rất dữ dằn này của Ai Cập, nơi những tên khủng bố từ hai lục địa tìm tới tụ họp ở đây và đủ loại vũ khí được mua bán như rau củ ngoài chợ.
- Sau tuyên bố bắn hạ máy bay Nga, IS ở Sinai tiếp tục đánh bom
- 'Phần đuôi máy bay Nga đã chịu lực tác động giống như do bom'
- Vụ rơi máy bay Nga ở Ai Cập: IS âm thầm đánh cướp sự chú ý của dư luận
- Vụ rơi máy bay Nga: Kiểm tra pháp y các nạn nhân tìm dấu hiệu của thuốc nổ
- Vụ máy bay Nga rơi ở Ai Cập: Chuyện gì đã xảy ra?
Một bán đảo “tràn ngập vũ khí”
Những vũ khí này được lấy từ các kho chứa bị cướp phá ở Libya, hoặc có thể chảy lậu từ Iran qua dường Dải Gaza. Chúng qua tay nhiều kẻ mua bán tại sa mạc của Sinai, nơi truyền thuyết nói rằng Moses đã bước đi cùng những đứa con của đất nước Israel trong suốt 40 năm trời.
“Khu vực đó (Sinai) đầy các loại vũ khí” - Scott Stewart, Phó Chủ tịch phụ trách phân tích chiến thuật tại công ty phân tích thông tin STRATFOR có trụ sở ở Texas, Mỹ, cho biết. Ông nói rằng nhiều loại vũ khí hạng nặng, gồm cả pháo phản lực, đã được buôn lậu qua khu vực này.
Phần lớn vũ khí có hỏa lực mạnh sau đó rơi vào tay Ansar Bayt al-Maqdis, nhóm khủng bố đã xuất hiện sau cuộc cách mạng hồi năm 2011. Chúng bị đẩy vào bán đảo Sinai khi Tổng thống Abdel Fattah el-Sisi lên nắm quyền vào năm 2013. Cách nay một năm, một đoàn “đại biểu” của Ansar Bayt al-Maqdis đã qua gặp lãnh đạo Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và thề trung thành với tổ chức này.
Thỏa thuận giữa hai bên đã dẫn tới tuyên bố thành lập chi nhánh IS ở tỉnh Sinai hay Wilayat. Ansar Bayt al-Maqdis nay đã có đối tác mới trong cuộc kháng cự Tổng thống El-Sisi và IS thì có chỗ đứng ở khu vực đóng vai trò quan trọng chủ chốt này, vốn nằm kẹp giữa châu Á và châu Phi.
Các vụ tấn công của IS hiện vẫn chỉ xoay quanh bán đảo Sinai. Nhưng năm ngoái, sau khi thực hiện một vụ tấn công nhằm vào doanh trại quân đội Ai Cập, lãnh đạo chi nhánh IS ở Sinai đã gửi một đoạn video tới cảnh cáo ông El-Sisi. "Chúng ta sẽ là những thanh kiếm cắt đứt cổ ông, những quả bom tiêu diệt vương quốc của ông và bẻ gãy sống lưng ông” – đoạn video có chứa thông điệp này.
Chính quyền không thể khống chế khủng bố
Việc Nga tham gia không kích ở Syria được xem là lý do để IS nhanh chóng lên tiếng khẳng định đã bắn hạ chiếc Airbus A321 của hãng Metrojet, khi nó đi ngang qua Sinai, làm 224 hành khách và thành viên phi hành đoàn thiệt mạng. Hiện giới chức Nga và Mỹ đều đã bác bỏ khả năng IS dùng tên lửa bắn trúng chiếc máy bay, lúc nó đang di chuyển ở độ cao 9km. Nhưng không thể loại trừ khả năng máy bay bị đánh bom hay hư hỏng ở đâu đó.
Phần lớn trong số 1,3 triệu dân Sinai đang sống ở các vùng đất ven biển. Trong khi đó những kẻ khủng bố, ngoài IS ở Sinai còn có các nhóm như Al Qaeda, lại hoạt động mạnh trong nội địa Sinai. Theo Tony Schiena, nhà nghiên cứu ở công ty quân sự tự nhân Mosaic, Cairo đã mất quyền kiểm soát trên phần lớn bán đảo Sinai sau khi cựu Tổng thống Hosni Mubarek bị lật đổ.
Ansar Bayt al-Maqdis hiện vẫn đang tiếp tục chống quân đội Ai Cập và với việc bắt tay cùng IS, sức mạnh của chúng đã tăng lên đáng kể. “Các vụ tấn công do chúng (Ansar Bayt al-Maqdis) thực hiện trở nên chính xác và được điều phối tốt. Chúng sử dụng chiến thuật chiến tranh du kích và các chiến thuật đặc biệt mang “phong cách” IS, như huy động nhiều kẻ đánh bom tự sát tấn công cùng một mục tiêu” - Schiena nói - “Với việc tuyên thệ trung thành với IS, giờ chúng rất nhiều tiền và còn được tiếp cận với vũ khí phức tạp.”
Và bất chấp nỗ lực của Ai Cập, phần lớn bán đảo Sinai vẫn ở trong tình trạng vô chính phủ, theo nhận xét của James Philips, nhà nghiên cứu cao cấp tại bộ phận phân tích các vấn đề Trung Đông của Quỹ Di sản.
"Sinai trở thành điểm hoạt động chủ chốt của khủng bố vì tình trạng vô luật pháp, vô chính phủ. Đây là nơi quyền lực của chính quyền Ai Cập bị giảm sút, do hoạt động phiến loạn của các bộ tộc Bedouin, những kẻ kiểm soát nhiều tuyến đường buôn lậu ra và vào Dải Gaza, Israel cùng Ai Cập”.
Còn theo Veryan Khan, giám đốc biên tập ở Liên minh phân tích và nghiên cứu về chủ nghĩa khủng bố, các vụ tấn công ở bán đảo Sinai xảy ra sau mỗi 5 ngày. Bà nói rằng IS đang ngày càng trở nên bạo dạn và đã tấn công các ngôi làng nằm gần nhiều thành phố lớn, bằng vũ khí hạng nặng.
Theo Khan, mối quan hệ giữa chính quyền Ai Cập với nhân dân Sinai đang xấu đi do thiếu hoạt động đầu tư của chính quyền trung ương vào nơi đây. Điều này đã mang tới cho IS cái cớ tốt để tuyển mộ thành viên mới và cực đoan hóa cư dân Sinai.
Ngoài ra, việc IS ở Sinai sát hại thành công 2 viên tướng quân đội Ai Cập, trong một chiến dịch chống khủng bố do nhà chức trách thực hiện, đã khiến hình ảnh chính quyền trở nên xấu đi. Khan nói rằng họ bị coi như những kẻ bất lực, đã không thể xử lý nổi vấn đề khủng bố ở Sinai.
Máy bay rơi ở Nam Sudan, có 3 người còn sống sót Ngày 4/11, giới chức Nam Sudan cho biết có 3 người, gồm một đứa trẻ, được xác nhận đã sống sót sau khi chiếc máy bay vận tải Antonov An-12 của hãng hàng không Allied Services Limited (Nam Sudan) gặp nạn tại nước này sáng 4/11. Trên máy bay có 18 người, gồm 6 thành viên phi hành đoàn (một người Nga và 5 người Armenia) và 12 hành khách là người Nam Sudan. Chiếc máy bay đã gặp nạn ngay sau khi cất cánh từ sân bay ở thủ đô Juba. Vụ tai nạn đã làm tổng cộng 41 người thiệt mạng, gồm cả người trên máy bay và dưới mặt đất. Công tác cứu hộ và điều tra nguyên nhân đang được tiến hành khẩn trương. |
Tường Linh (Theo Fox News)
Thể thao & Văn hóa