Vụ giải cứu đội bóng Thái Lan: Bài học cho du lịch khám phá hang động ở Việt Nam
(Thethaovanhoa.vn) - Xung quanh việc giải cứu đội bóng thiếu niên Thái Lan mắc kẹt trong hang động, GS.TS Tạ Hòa Phương, Chủ nhiệm Bộ môn Quản lý và phát triển tài nguyên (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội), Chủ tịch Hội Cổ sinh – Địa tầng Việt Nam, đã có những chia sẻ về những lưu ý và thách thức khi khám phá du lịch hang động, đặc biệt là các hang nước.
- TRỰC TIẾP Giải cứu đội bóng Thái Lan: Các ngôi sao World Cup, Ronaldo 'béo', HLV Jurgen Klop, Chủ tịch FIFA... lên tiếng
- Giải cứu đội bóng thiếu niên Thái Lan: Thời tiết nguy hiểm, trời khá u ám và dự báo nguy cơ mưa lớn
- Đội bóng thiếu niên Thái Lan bị kẹt trong hang xứng đáng 'vô địch World Cup'
GS.TS Tạ Hòa Phương nhận định, hiện nay ở Thái Lan đang là mùa mưa, trong khi hang Tham Luang ở giữa vùng mưa, là hang có thể ngập nước. Do vậy việc đội bóng thiếu niên tự động vào hang hay Cơ quan khai thác du lịch cho phép vào cũng đều là mạo hiểm, không thận trọng.
Theo GS.TS Tạ Hòa Phương, những hang có nguy cơ tương tự như vậy ở Việt Nam chủ yếu có ở vùng Phong Nha - Kẻ Bàng thuộc Quảng Bình. Tuy nhiên, ở Việt Nam việc khai thách du lịch đang được làm khá tốt. Đến đúng mùa mưa, từ tháng 9 đến hết tháng 3 năm sau, các công ty ngừng khai thác du lịch ở những hang có nguy cơ bị ngập, đặc biệt những hang có nguy cơ cao thuộc hệ thống khai thác du lịch mạo hiểm hay du lịch khám phá mà công ty Oxalis và một số công ty trong Quảng Bình được phép khai thác.
Trước đây, từng có đoàn du khách Nhật Bản vào hang Én, bị nước dâng đột ngột giữa đêm đến 15m, rất nguy hiểm. Khi đó chính Hồ Khanh - người phát hiện ra động lớn nhất thế giới Sơn Đoòng đã cùng đội giúp việc và khuân vác trợ giúp đưa du khách ra khỏi hang an toàn. Đoàn du khách Nhật Bản rất cảm động vì được cứu thoát trong một tình huống rất nguy hiểm, ngay sau thảm họa song thần vừa tàn phá đất nước của họ.
Hiện nay, trong khai thác hang động ở Quảng Bình, kể cả trong thời gian cho phép, vẫn có phương án dự phòng cho những trường hợp bất trắc có thể xảy ra. Nếu gặp sự cố nước dâng đột ngột, công ty Oxalis đã khảo sát trước tuyến thoát hiểm ở trên cao, đảm bảo an toàn cho du khách.
Như với hang Sơn Đoòng, vì kích thước hang rất lớn, nên phương án dự phòng cũng thuận lợi hơn. Bình thường du khách vào hang phải 2 lần lội qua sông ngầm, tay bám vào dây bảo hiểm căng sẵn. Nhưng khi mực nước dâng cao tới mức nguy hiểm, du khách sẽ được dẫn qua đường cầu treo bắc trên cao. Từ năm 2018, Sơn Đoòng đã bắt đầu cho du khách đi lên một chiếc thang kim loại để vượt "Bức tường lớn Việt Nam", rồi đi tiếp ra cửa sau. Việc làm này vừa tạo sự hấp dẫn cho du khách không phải lặp lại con đường đã qua để quay trở về, vừa là một đường thoát hiểm rất tốt cho những trường hợp khẩn cấp, như ốm đau, tai nạn…
Hoài Thương