Vụ đưa hối lộ để đăng kiểm: Bỏ qua lỗi của trên 70.000 phương tiện, thu lợi bất chính hơn 10 tỷ đồng
Liên quan đến vụ án đưa hối lộ, môi giới hối lộ, nhận hối lộ và giả mạo trong công tác xảy ra tại các trung tâm đăng kiểm tại Thành phố Hồ Chí Minh mà TTXVN đã đưa tin, ngày 20/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố đã bắt giữ thêm 10 đối tượng tại 2 trung tâm đăng kiểm để điều tra làm rõ các hành vi sai phạm. Trước đó, Cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam 23 bị can.
Theo Cơ quan điều tra, đây là vụ án xảy ra tại 9 trung tâm đăng kiểm xe cơ giới, gồm 5 trung tâm do bị can Trần Lập Nghĩa làm Giám đốc. Để có tiền chia cho các nhân viên hàng tuần, làm quỹ hoạt động của trung tâm, Giám đốc các trung tâm đăng kiểm trên đã chỉ đạo nhân viên trung tâm trong quá trình kiểm định chất lượng và đo tiêu chuẩn khí thải bảo vệ môi trường đã cố ý bỏ qua lỗi vi phạm trong công đoạn kiểm tra thủ công, cho thuê các phụ tùng thay thế các phụ tùng không đảm bảo tiêu chuẩn, sử dụng phần mềm can thiệp vào hệ thống đăng kiểm để thay đổi thông số kiểm định khí thải... của hơn 70.000 phương tiện giao thông cơ giới đường bộ của các chủ phượng tiện và các đối tượng "cò mồi" đưa đến kiểm định nhằm thu lợi bất chính với số tiền ước tính gần 10 tỷ đồng.
Đáng chú ý, tại các trung tâm đăng kiểm do Trần Lập Nghĩa làm Giám đốc, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố phát hiện nhóm tội "giả mạo trong công tác” với thủ đoạn lập danh sách Đăng kiểm viên nhưng không làm việc tại trung tâm để hợp thức hóa quy định tai Khoản 1 Điều 7 Nghị định 139/2018/ND-CP ngày 08/10/2018 của Chính phủ về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới.
Cụ thể với quy định điều kiện về nhân lực phải đảm bảo có tối thiểu 3 đăng kiểm viên, thực chất Nghĩa chỉ đạo từ 2 đến 3 đối tượng không phải đăng kiểm viên mặc quần áo đăng kiểm vào vận hành dây chuyền kiểm định, đi lại trước camera giám sát của Cục Đăng kiểm Việt Nam. Đồng thời, Nghĩa chỉ đạo nhân viên cấp dưới giả mạo chữ ký của các đăng kiểm viên để ký vào các hồ sơ kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ, qua đó đã cấp khoảng 52.291 Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
Theo Thượng tá Trần Thị Kim Lý, Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố, các bị can bị khởi tố được tách làm ba vụ án khác nhau, giao cho ba Phòng nghiệp vụ là PC01, PC02, PC03 thụ lý điều tra. Ngoài ra, Cơ quan điều tra đang mở rộng vụ án, làm rõ dấu hiệu của hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ vì có dấu hiệu móc nối giữa các trung tâm đăng kiểm và các trung tâm đào tạo lái xe.
Thượng tá Nguyễn Ngọc Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thực hiện nghiêm mệnh lệnh chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đang tiếp tuc chỉ đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra phối hợp các Cục C03, C08 Bộ Công an và Công an các địa phương mở rộng điều tra, chứng minh hành vi phạm tội tại các trung tâm đăng kiểm để xử lý theo quy định của pháp luật. Đồng thời, lực lượng chức năng kiến nghị các cấp có thẩm quyền thu hồi Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đã cấp sai quy định.