Vụ bê tông hóa đình Lương Xá 300 tuổi: Khó cho số phận di tích
(Thethaovanhoa.vn) - Sau những bức xúc khi đình Lương Xá ở xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) bị bêtông hóa, các nhà nghiên cứu và dư luận đang quan tâm đến cách cứu đình cũ.
- Vụ bê tông hóa di tích 300 tuổi ở Hà Nội: Tư duy ngược trong bảo tồn và huy động xã hội hóa
- 'Thảm họa' trùng tu di tích: Bệnh nặng cần thuốc đắng
Tuy vậy, khi đình cũ bị hạ giải theo kiểu phá bỏ, đình mới bằng bêtông đã sừng sững hiện lên, đây là một tình huống vô cùng khó cho việc khôi phục di sản.
Đi mắc núi, trở lại mắc sông
Đến đình Lương Xá mới thấy xót xa khi chứng kiến hàng trăm cấu kiện gỗ bỏ chỏng trơ ngoài đường và sân nhà văn hóa thôn, đống được phủ bạt che đậy, đống để mặc phơi nắng mưa; trong đó có rất nhiều các mảng chạm mang dấu ấn kiến trúc thời Lê Trung Hưng.
Nhiều cấu kiện gỗ bị gãy, vỡ trong quá trình hạ giải khiến các nhà nghiên cứu, những người quan tâm đến di sản không khỏi tiếc nuối. Duy chỉ có hoành phi, câu đối được Ban khánh tiết của đình bảo quản trong nhà văn hóa thôn.
Do chủ trương phá dỡ đình cũ để xây mới bằng bêtông nên ngay ban đầu những người hạ giải không có trách nhiệm phải gìn giữ, không cần kiểm kê, đánh dấu.
Trong khi đó, theo nguyên tắc hạ giải di tích phải thực hiện bài bản, có bản vẽ, ảnh chụp, đánh dấu các cấu kiện một cách lớp lang để khi phục dựng lại cứ theo dấu cũ để lắp ráp. Nhưng với các cấu kiện ở đình Lương Xá, sau khi hạ xuống đều đổ dồn thành những mớ hỗn độn, ngổn ngang trong sân, nhiều cấu kiện gãy, thậm chí có cấu kiện bị mất đi khi hạ giải. Bởi vậy, việc phục dựng nguyên trạng như đình cũ là điều không thể.
Nếu chấp thuận một đình bêtông tựa như một di tích “vô hồn” sẽ tạo tiền lệ không tốt trong việc giữ gìn, trùng tu di tích; nhiều nơi lại cố tình phá bỏ di tích để xây mới, đặt trong tình thế “sự đã rồi” buộc các cơ quan chức năng chấp thuận.
Phó giáo sư-tiến sỹ Đỗ Văn Trụ, Phó Chủ tịch thường trực, Tổng thư ký Hội Di sản văn hóa Việt Nam cũng cho rằng không nên phạt để cho tồn tại mà cần tính đến biện pháp khắc phục hậu quả. Bởi theo ông, di tích dù được xếp hạng hay chưa xếp hạng thì vẫn là tài sản quốc gia, di tích của lịch sử để lại nên trách nhiệm là phải giữ gìn. Một di tích mất đi thì không có gì bù đắp được, thiệt hại không phải của riêng ai, không phải của từng làng xã mà cho cả di sản văn hóa của đất nước.
Khó khăn giải pháp cứu vãn
Vừa dẫn khách đi thăm công trình đình xây mới bằng bêtông, ông Nguyễn Hạ Lẫm, một người dân trong làng, cho biết chủ trương của thôn là sau khi xây dựng đình mới, những cấu kiện gỗ vẫn sử dụng được sẽ sử dụng làm hậu cung sau đình, một số mảng gỗ được ốp vào các mảng bêtông.
Tuy vậy, một số nhà nghiên cứu cho rằng các cấu kiện gỗ đưa vào làm hậu cung có lẽ chưa phù hợp bởi đây là cấu kiện của tòa đại bái. Đặc trưng của đình làng thời Lê Trung Hưng chưa có hậu cung, về sau này một số nơi mới xây dựng thêm hậu cung. Còn việc ốp các mảng chạm vào bêtông sẽ tạo ra sự khập khiễng, thậm chí là phản cảm. Bởi giá trị của các bức chạm cũ thể hiện chiều sâu văn hóa, lịch sử, kiến trúc của một ngôi đình, trong khi đình bêtông xây mới hoàn toàn không thể hiện được các giá trị đó. Đó là chưa kể giữa hai chất liệu bêtông và gỗ phối lại gượng ép với nhau.
Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Văn Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị Di sản văn hóa chia sẻ, khi “sự đã rồi,” đình Lương Xá không thể khôi phục lại như cũ, các bức chạm, các cấu kiện gỗ nên chuyển cho Bảo tàng Hà Nội để phục dựng lại một đình Lương Xá tại bảo tàng. Đó là nơi có thể lưu giữ được các giá trị đã mất đi của di tích 300 tuổi, dù không trọn vẹn nhưng vẫn mang được dáng dấp của đình cũ.
Còn theo quan điểm của phó giáo sư-tiến sỹ Đỗ Văn Trụ, Phó Chủ tịch thường trực, Tổng Thư ký Hội Di sản văn hóa Việt Nam, khi không có biện pháp nào khắc phục như cũ, chỉ có thể khắc phục một cách tối đa nhất để giữ lại yếu tố gốc là phục dựng lại di tích đó trên nền cũ. Dù di tích đó không thể trở lại như trước nhưng sẽ tạo một hình dáng, bóng dáng tương tự với những yếu tố gốc, những hạng mục quan trọng nhất.
Ở góc độ của cơ quan quản lý văn hóa, ông Trương Minh Tiến - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội - cho biết Sở đã đề nghị Ủy ban Nhân dân huyện Ứng Hòa báo cáo cụ thể vụ việc, đề xuất phương án khắc phục hậu quả. Trên cơ sở đó, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội sẽ báo cáo thành phố, đề xuất các giải pháp tháo gỡ, xử lý vụ việc.
Tuy nhiên, báo cáo của Ủy ban Nhân dân huyện Ứng Hòa lại báo cáo rất sơ sài về việc tu bổ, tôn tạo di tích đình Lương Xá. Giải pháp được huyện đề cập chỉ là tiến hành kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý đối với các tập thể, cá nhân có liên quan để xảy ra sai phạm tại di tích; chỉ đạo xã Liên Bạt tuyên truyền, phổ biến đến nhân dân thôn Lương Xá các quy định pháp luật về di sản. Tuy vậy, Ủy ban Nhân dân huyện Ứng Hòa cũng không đưa ra phương án khắc phục hậu quả mà lại đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội giao Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với huyện quản lý những cấu kiện, hạng mục gỗ đã hạ giải tại đình Lương Xá. Đồng thời, đề nghị thành phố giao Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội hướng dẫn Ủy ban Nhân dân huyện các bước tiếp theo để tu bổ, tôn tạo di tích đáp ứng với tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và quản lý di tích theo quy định.
Như vậy, Ủy ban Nhân dân huyện Ứng Hòa né tránh trách nhiệm đưa ra các phương án khắc phục hậu quả tại di tích đình Lương Xá. Trước tình hình này, ông Trương Minh Tiến - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội - khẳng định sẽ tiếp tục yêu cầu huyện Ứng Hòa đề xuất phương án khắc phục hậu quả cụ thể tại đình Lương Xá.
TTXVN