Vốn đầu tư phát triển Hà Nội tăng hơn 8%
(Thethaovanhoa.vn) - Thành phố Hà Nội đang tập trung cao độ và có nhiều giải pháp, biện pháp thông thoáng để thu hút vốn đầu tư trên địa bàn.
Chỉ tính riêng quý I/2021, vốn đầu tư phát triển trên địa bàn thành phố ước đạt 67.000 tỷ đồng, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, vốn nhà nước đạt 24.000 tỷ đồng,chiếm 35,6% tổng vốn đầu tư và tăng 17,2%; vốn ngoài nhà nước đạt 36.000 tỷ đồng, chiếm 53,6% và tăng 3,4%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 7.000 tỷ đồng, chiếm 10,8% và tăng 5,5%.
Tính theo khoản mục đầu tư thì vốn đầu tư xây dựng cơ bản đạt 41.000 tỷ đồng, chiếm 60,4% tổng vốn đầu tư; vốn mua sắm tài sản cố định dùng cho sản xuất đạt 18.000 tỷ đồng, chiếm 26,6%; vốn sửa chữa lớn, nâng cấp tài sản đạt 3.000 tỷ đồng, chiếm 5,4%; bổ sung vốn lưu động đạt 4.000 tỷ đồng, chiếm 6%...
Nhiều dự án lớn đã được khởi động và triển khai quyết liệt như Dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, có tổng mức đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng với tổng chiều dài 3,4 km. Đến nay, dự án đã hoàn thành thi công khoan một số cọc nhồi bê tông và tiếp tục triển khai hạng mục bệ mố trụ. Dự án sau khi hoàn thành sẽ tiếp tục hoàn thiện toàn bộ đường Vành đai 2, tăng cường khả năng lưu thông giữa hai bên bờ sông Hồng.
Dự án hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3 có tổng mức đầu tư hơn 700 tỷ đồng với tổng chiều dài 475m; trong đó, hầm kín là 95m, hầm hở và gờ chắn dài 380 (mỗi bên dài 190m). Đến nay, nhà thầu đang triển khai thi công những phần việc như lắp đặt hệ thống điện, nước đi ngầm,… dự kiến đến cuối tháng 6/2021 sẽ kết thúc giai đoạn I và tiến hành đào hầm thuộc giai đoạn II của dự án. Để đảm bảo tiến độ, nhà thầu đã chia công nhân thành 5 nhóm làm việc 24/24 giờ, dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 4/2022. Sau khi hoàn thành, dự án sẽ góp phần giảm tải nút tắc giữa đường Vành đai 3 với đường Lê Văn Lương.
Cùng với xúc tiến, thu hút đầu tư, thành phố đã chỉ đạo, đôn đốc các chủ đầu tư, các đơn vị thi công tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình nhất là các công trình trọng điểm. Những tháng đầu năm, tranh thủ thời tiết thuận lợi các hộ dân cư cũng tiến hành khởi công xây dựng nhà ở, nhà hàng, nhà nghỉ. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nên phần nào đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công một số công trình,dự án thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước và công trình xây dựng của các hộ dân cư.
- Hà Nội quyết liệt đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công
- Đầu tư cao tốc Bắc – Nam: Tính toán vốn đầu tư chặt chẽ, tránh kiểu 'đầu chuột, đuôi voi'
Giá trị sản xuất ngành xây dựng quý I/2021 ước tính tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, giá trị xây dựng công trình nhà ở tăng 6,7%; xây dựng nhà không để ở tăng 7,9%; xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng tăng 8,7%; xây dựng công trình chuyên dụng tăng 8,2%.
Ngoài ra, để tăng cường nguồn lực phát triển, riêng trong tháng 3, thành phố Hà Nội có 34 dự án FDI được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký đạt 30,5 triệu USD; trong đó có 29 dự án 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; 5 dự án liên doanh, liên kết.
Có 9 dự án được điều chỉnh tăng vốn đầu tư với số vốn bổ sung đạt 47,8 triệu USD; nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua phần vốn góp đạt 8,2 triệu USD. Lũy kế quý I/2021, tổng vốn đăng ký của các dự án FDI cấp phép mới và bổ sung vốn đạt 101,5 triệu USD; trong đó, 49,8 triệu USD của 69 dự án cấp phép mới và 51,7 triệu USD của 22 dự án bổ sung vốn đầu tư. Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua phần vốn góp quý I/2021 đạt 50,7 triệu USD...
Nguyễn Văn Cảnh/TTXVN