Với VAR, V-League vừa tiến được 1 bước
Công nghệ VAR trên thế giới đã chuyển sang giai đoạn xử lý gần như tự động thì VAR tại V-League, qua các thử nghiệm vừa rồi, vẫn ở mức cơ bản. Thế nhưng, đó vẫn là một cột mốc quan trọng, một bước chân nhỏ để tiến lên phía trước của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Không chỉ là việc bắt kịp xu hướng của bóng đá thế giới, đưa VAR vào V-League là lời cam kết cho quyết tâm của các nhà quản lý và điều hành của bóng đá Việt Nam.
Bởi muốn có VAR thì phải có… tiền. Và bản quyền truyền hình 5 mùa được VPF ký với FPT Play là cột mốc quan trọng khác của mùa giải có tính bước ngoặt này. Hồi mới thành lập Công ty VPF để kinh doanh bóng đá chuyên nghiệp, các ông bầu dự báo sẽ kiếm hơn 100 tỷ đồng mỗi năm. Con số đó bây giờ phải là 2-300 tỷ đồng. Xét ở khía cạnh kinh doanh, bóng đá đang làm ra tiền để tự nuôi sống mình. Có tiền, sẽ có nhiều thứ tốt đẹp hơn.
Nhưng khi cái bước tiến của V-League hãy còn bé nhỏ so với thế giới bóng đá chuyên nghiệp, thì chúng ta lại nhìn thấy những điều có khả năng xảy ra chiều hướng ngược lại. Vụ tai nạn bi thảm của 3 thành viên HAGL là tai nạn không thể biết trước, nhưng nỗi đau và những ảnh hưởng thì có thể còn kéo dài và nhìn thấy được.
Hãy nhớ là hồi đầu giải, giữa HAGL và VPF đã có bất đồng về tài trợ quảng cáo. Khi đó, bầu Đức nói thẳng là không thể bỏ được hợp đồng vì nếu không có, HAGL buộc lòng bỏ giải vì không có tiền để tham gia. Bầu Đức nói rất thật.
Và vì thế, những mất mát to lớn về con người vừa qua có thể tác động rất mạnh đến trái tim của bầu Đức, người mà ngọn lửa bóng đá đã cạn dần từ lâu. Làm bóng đá rất tốn kém, điều đó có thể chịu đựng được vì ít nhiều nó cũng mang đến vài lợi ích phi vật chất. Hơn 2 thập niên đầu tư cho bóng đá còn được, cố thêm một thời gian để chờ bóng đá sinh lợi, chắc cũng có thể làm. Nhưng khi mất mát về con người ập đến, thì câu chuyện vả cảm quan về bóng đá sẽ khác rất nhiều. Sự mỏi mệt sẽ nhân đôi, nỗi chán ngán sẽ kéo mọi thứ sụp xuống.
Thực tế thì khó khăn kinh tế đang tấn công mạnh vào bóng đá. CLB TP.HCM, Khánh Hòa, Hải Phòng hiện không có nhà tài trợ chính nào cả. Việc Đà Nẵng xuống hạng chắc chắn cũng có phần nguyên nhân từ sự thờ ơ trong đầu tư của SHB. Tình hình của SLNA cũng rất tệ, Topenland Bình Định cũng chẳng khá hơn, trong khi B.Bình Dương một thời "không bao giờ lo thiếu tiền" thì nay cũng mất dần nội lực. Về cơ bản, trước sau gì thì khó khăn tài chính cũng sẽ quét qua V-League …
Dù đây không phải lần đầu bóng đá chuyên nghiệp đối diện với hoàn cảnh này, nhưng hoàn cảnh hiện tại rất khác. Việc mua sắm dồn dập của CAHN để hướng đến chức vô địch lịch sử khiến phần còn lại của V-League cảm thấy… khó thở. Mua sắm là quyền của đội bóng tân binh này, nhưng rõ ràng nó tạo ra một sự mất cân bằng hết sức vô lý, không phản ảnh đúng bản chất của một cuộc đấu thể thao.
Hãy hình dung thế này: Nếu bạn đang khốn khó mà nhìn quanh thấy ai cũng giống mình, thì cảm giác chia sẻ xuất hiện và nhờ thế bạn sẽ cố gắng duy trì công việc đang làm. Nhưng nếu bạn thấy một người khác có thật nhiều tiền để làm được điều mà bạn nỗ lực mấy chục năm vẫn chưa làm được, thì rõ ràng là sẽ nản lòng.
Đó là lý do mà ở châu Âu người ta phải áp dụng luật công bằng tài chính. Nó không phải thiết kế để ngăn cản các CLB giàu có trở nên mạnh hơn mà là để khoảng cách giữa các CLB không bị rộng ra quá mức. Nói cách khác, nó giữ lại hi vọng cho các đội bóng ít tài chính. Một sự công bằng dù chỉ tương đối, nhưng vẫn có cảm giác công bằng. Với V-League, người ta đầu tư cho bóng đá lâu dài cũng để hi vọng một ngày nào đó sẽ kiếm được tiền. Cái đích ấy thì vẫn còn xa, khó khăn trong việc duy trì thì ngày một lớn, vậy nhưng một đội tân binh chỉ cần đổ thật nhiều tiền để mua cầu thủ và vô địch thì hóa ra làm bóng đá đơn giản quá.
Bầu Đức đã từng nói về chuyện "không thể vô địch khi mà 5 ông ôm đánh 1 ông mập", ý chỉ về những yếu tố "ngầm" khiến chức vô địch V-League chỉ là cuộc chơi của một vài đội bóng nào đó. Và ở hoàn cảnh hiện tại, sự bất lực ấy ắt sẽ lớn hơn, đau hơn …