Với người Việt, Ngoại hạng Anh chỉ để xem
(Thethaovanhoa.vn) - Bỏ ra khoảng gần 300 triệu bảng để sở hữu 13% cổ phần của Citi Football Group, tập đoàn sở hữu hàng loạt đội bóng trong đó có Man City, người Trung Quốc cho thấy sức mạnh và tầm vóc hoạt động của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
- K+ có bản quyền ATP, cố gắng mua tiếp bóng đá Anh
- 'Bản quyền giải Ngoại hạng Anh luôn làm 'bỏng tay' không chỉ riêng ở thị trường Việt Nam'
- Sắp thành lập Ban đàm phán mua bản quyền giải Anh
- Vnpay TV xin ý kiến Thủ tướng về việc mua bản quyền giải ngoại hạng Anh 2016-2019
Một thương vụ khác sẽ gần gụi hơn. Leicester, đội bóng đang dẫn đầu Ngoại hạng Anh sau 14 vòng đấu là của người Thái. Tỷ phú Vichai đã mua lại đội bóng này, đầu tư và biến nó thành nhân vật chính trong câu chuyện cổ tích Ngoại hạng Anh thời bóng đá là thương mại.
Vichai có thương hiệu King Power, tập đoàn bán hàng miễn thuế số 1 ở Thái Lan. Những ai đã qua Thái du lịch có thể biết hệ thống cửa hàng miễn thuế ở Thái là một sản phẩm du lịch thực sự. Nó có thể thu hút được ngoại tệ.
Câu chuyện của Vichai với Leicester liệu có gợi ra một ý tưởng nào đó trong chúng ta hay không? Nếu là một triệu phú tiền đô, có nên mua một đội bóng Anh? Tất nhiên là đầu tư sinh lời, nhưng cũng không loại trừ sẽ lỗ. Không đứng ở nửa trên bảng xếp hạng mà lại đổ tiền đầu tư đội hình là dễ thất bại. Các ông chủ ở Anh thi thoảng lại bán CLB của mình vì lẽ đó. Khi ấy, lỗ sẽ chỉ được bù đắp bằng khả năng quảng bá thương hiệu. Nếu Leicester sa sút, quảng cáo và tài trợ, bán vé và bản quyền suy giảm, liệu việc người Anh và thế giới biết tới King Power có thể cứu vãn, tiếp sức cho Chang, Singha beer đang tấn công vào thị trường Anh và cũng đang quảng bá ở Ngoại hạng Anh? Có thể lắm.
Leicester, đội bóng đang dẫn đầu Ngoại hạng Anh sau 14 vòng đấu là của người Thái
Chúng ta đang có một Tôn Đông Á quảng cáo trên bảng điện tử chạy quanh một số sân Ngoại hạng Anh. Và đó là thương hiệu Việt duy nhất ở thời điểm hiện tại.
Không biết nhiều người nghĩ gì nhưng người viết băn khoăn một điều: Tôn Đông Á đâu phải là thương hiệu lớn nhất, ông chủ nó đâu phải giàu nhất Việt Nam. Vậy thì những người khác ở đâu? Dĩ nhiên là họ có cách quảng bá khác theo chiến lược riêng. Bản chất thị phần của Tôn Đông Á chủ yếu nội địa, lại mới chỉ xuất khẩu qua một số nước còn lại của ASEAN, thì quảng cáo trên sân Ngoại hạng Anh là cách đơn giản để khoe và tạo cảm giác về đẳng cấp.
Cũng có nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã và đang làm điều đó, đi đường vòng quảng cáo cho sang (vì toàn chữ Trung Quốc). Nhưng liệu có phải những tập đoàn nổi nhất lúc này ở ta là về bất động sản? Họ không sản xuất, mà sản phẩm là các căn hộ, biệt thự, và khách hàng chủ yếu là người Việt, tiền Việt.
Bất động sản không xấu. Nó chỉ xấu khi người ta biến nó thành cơ hội để đầu cơ, lừa gạt và những người lao động chân chính vì thế trở thành nạn nhân. Nhưng nếu có những thương hiệu đa quốc gia, những tập đoàn sản xuất ra các sản phẩm bán ra thị trường nước ngoài một cách rộng rãi, chúng ta sẽ thấy những diễn biến khác. Chờ xe hơi Việt bán sang Anh và châu Âu? Hay B-phone mở các Store (cửa hàng chính hãng) nhiều nơi trên thế giới? Cà phê, hạt điều và gạo tám thơm chăng? Hay dệt may, thủy hải sản đang là những ngành mũi nhọn?
Hoàng Anh Gia Lai cũng từng xuất hiện ở giải Ngoại hạng Anh nhưng ở Anh chẳng có gỗ, cao su và không cần thủy điện, nên đã sang Lào. HAGL từng có một CLB ở Lào. Mà giải Lào thì người Việt không xem.
Nó không như ở Thái Lan. Leicester đang trở thành một trong những CLB được hâm mộ hàng đầu ở đó. Mỗi cuối tuần, họ thấy những doanh nhân Thái ngồi trên các khán đài, các thương hiệu của Thái xuất hiện trên sân để tấn công vào Anh – một thị trường chuẩn mực.
Còn chúng ta, có những doanh nhân làm bóng đá đang xoay vần nhau miếng bánh đội tuyển – một công cụ làm thương hiệu tốt nhất với chính (và chỉ là) người Việt.
Phạm Tấn
Thể thao & Văn hóa