Vỡ mộng ô tô giá rẻ năm 2018?
(Thethaovanhoa.vn) - Càng gần đến thời điểm thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc giảm còn 0%, “giấc mơ” mua được xe ô tô giá rẻ của đại đa số người tiêu dùng đã gần như khép lại.
- Bộ trưởng Bộ Tài chính trả lời Quốc hội: Nhiều người có tâm lý chờ giảm thuế để mua ô tô
- Mải buôn điện thoại, tài xế phi thẳng ô tô xuống hồ tắm mát
- Nóng chuyện thu phí ô tô vào trung tâm, viết facebook bôi nhọ Bộ trưởng Y tế
Đa số người tiêu dùng Việt đều có “giấc mơ” mua ô tô giá rẻ khi thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc giảm còn 0% vào đầu năm tới. Tuy nhiên, “giấc mơ” này có trở thành hiện thực hay không khi có những chính sách mới thay đổi trên thị trường ô tô?
Diễn biến thị trường ô tô từ đầu năm đến nay cho thấy, doanh nghiệp liên tiếp tung chiêu kích cầu bằng việc khuyến mãi, ưu đãi, giảm giá trực tiếp vào giá bán xe để đón đầu thị trường song lượng xe tiêu thụ đang giậm chân tại chỗ.
Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), sau nhiều tháng liên tiếp doanh số bán hàng của toàn thị trường trồi sụt, doanh số hàng hàng tháng có xu hướng giảm nhiều hơn là tăng.
Trong tháng 10 vừa qua doanh số bán hàng của toàn thị trường ô tô đạt 21.868 xe các loại, tăng 3% so với tháng 9, nhưng lại giảm tới 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 10 tháng năm 2017, tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường ô tô đạt gần 205.000 xe, giảm 9% so với cùng kỳ năm trước.
Diễn biến từ đầu năm đến nay cho thấy, gần như 100% các thương hiệu xe ô tô dù là sản xuất lắp ráp trong nước hay nhập khẩu chính hãng tại Việt Nam đã thực hiện chương trình giảm giá từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng, thậm chí với cả dòng xe đang bán tốt để thúc đẩy doanh số bán hàng cuối năm.
Theo giới chuyên doanh, mặc dù doanh nghiệp giảm giá bán xe là vậy, nhưng người tiêu dùng vẫn có tâm lý chờ giá giảm nữa mới quyết định mua xe hoặc chờ đợi đến đầu năm 2018 để mua xe giá rẻ khi thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc giảm về 0%.
Tuy nhiên, càng gần đến thời điểm thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc giảm còn 0%, “giấc mơ” mua được xe ô tô giá rẻ của đại đa số người tiêu dùng đã gần như khép lại.
Cùng với việc bổ sung danh mục bảng giá tính lệ phí trước bạ ô tô, xe máy của Bộ Tài chính đang áp dụng, một số dòng xe ô tô lăn bánh giá cũng tăng lên đáng kể thì Nghị định 116/2017/NĐ-CP về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô vừa ban hành cũng đã quy định nhiều điều kiện khắt khe hơn.
Cụ thể, về điều kiện kinh doanh nhập khẩu ô tô, Nghị định 116/2017/NĐ-CP nêu rõ: Ô tô chưa qua sử dụng nhập khẩu phải được cơ quan quản lý chất lượng kiểm tra theo quy định đối với từng lô xe nhập khẩu. Mẫu ô tô đại diện cho từng kiểu loại ô tô trong lô xe nhập khẩu phải được kiểm tra, thử nghiệm về khí thải và chất lượng an toàn kỹ thuật theo quy định.
Bên cạnh đó, về trách nhiệm bảo hành, bảo dưỡng, doanh nghiệp phải có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô thuộc sở hữu của doanh nghiệp, hoặc do doanh nghiệp ký hợp đồng thuê, hoặc thuộc hệ thống đại lý ủy quyền của doanh nghiệp đáp ứng quy định tại Nghị định này.
Cùng với đó, doanh nghiệp có trách nhiệm phải công bố thông tin về thời hạn bảo hành, nội dung và điều kiện bảo hành, địa chỉ cơ sở bảo dưỡng, bảo hành đủ năng lực theo quy định.
Đặc biệt, doanh nghiệp phải có văn bản xác nhận hoặc tài liệu chứng minh doanh nghiệp được quyền thay mặt doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nước ngoài thực hiện lệnh triệu hồi ô tô nhập khẩu tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Tuấn, Giám đốc Công ty Thiên Phúc An – doanh nghiệp có nhiều năm nhập khẩu ô tô cho rằng, trước khi xuất xưởng các nhà sản xuất ô tô trên thế giới đều đã thực hiện các khâu kiểm tra chặt chẽ về kỹ thuật, động cơ, khí thải… theo quy chuẩn quốc tế nhưng khi về Việt Nam xe vẫn phải thử nghiệm là không cần thiết.
Thời gian để có được giấy chứng nhận này có thể kéo dài khoảng hai tháng do phải chạy thử 3.000 km kiểm tra, thử nghiệm về khí thải và chất lượng an toàn kỹ thuật với chi phí khoảng 100 triệu cho mỗi xe, những xe còn lại phải nằm chờ tại kho hoặc ngoài cảng chờ đợi.
Tính từ khi đặt xe đến khi xe về cảng mất từ hai đến ba tháng cộng thêm hai tháng thử nghiệm xe không chỉ làm chậm tiến độ giao xe cho khách hàng mà giá xe mỗi xe còn tăng đến cả trăm triệu đồng, đặc biệt nếu mỗi lô nhập có nhiều chủng loại xe khác nhau. Như vậy, giá xe chỉ có tăng chứ không có giảm.
Liên quan đến yêu cầu các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô phải cung cấp giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô được nhập khẩu về Việt Nam của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam cho rằng, không phải nước nào cũng có giấy đăng kiểm cho xe xuất khẩu mà họ chỉ cấp chứng nhận theo tiêu chuẩn cho các xe tiêu thụ trong nước. Một số nước có thể cấp giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại nhưng lại có sự khác biệt về vị trí tay lái, tiêu chuẩn khí thải hay thông số kỹ thuật.
Về các kiện kinh doanh nhập khẩu ô tô, bảo hành, bảo dưỡng nêu trong Nghị định, ông Nguyễn Giỏi, Giám đốc Công ty TNHH Huệ Đăng – đơn vị kinh doanh xe cho hay, đây là bài toán khó với nhiều doanh nghiệp nhập khẩu.
Đây cũng nội dung từng gây nhiều tranh cãi giữa doanh nghiệp sản xuất lắp ráp trong nước, doanh nghiệp nhập khẩu và cơ quan chức năng ở Thông tư 20 do Bộ Công Thương ban hành đã "khai tử".
Bên cạnh đó, để kinh doanh xe ô tô nhập khẩu cả mới lẫn xe cũ doanh nghiệp phải có “văn bản xác nhận hoặc tài liệu chứng minh doanh nghiệp được quyền thay mặt doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nước ngoài thực hiện lệnh triệu hồi ô tô nhập khẩu tại Việt Nam” thực sự còn khó hơn hơn giấy ủy quyền là nhà nhập khẩu, phân xe được quy định trong Thông tư 20 trước đây.
Các doanh nghiệp cho rằng, các quy định đưa ra đều phải có cam kết với nhà sản xuất xe là điều kiện bất khả thi đối với doanh nghiệp nhập khẩu phân phối nhỏ lẻ và điều này chỉ có liên doanh đại diện ở Việt Nam mới có thể thực hiện được.
Như vậy, cánh cửa nhập khẩu ô tô đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa hoàn toàn khép lại, doanh nghiệp nhỏ lẻ phải đứng ngoài cuộc chơi và chỉ còn các liên doanh là “một mình một chợ” tại thị trường Việt.
Về cơ hội giảm giá xe theo thuế suất thuế nhập khẩu từ năm 2018, giới chuyên doanh cho rằng, không phải tất cả các loại xe đều được hưởng mức thuế ưu đãi này. Bởi khu vực ASEAN có khoảng 20 chủng loại xe, nhưng những mẫu xe đạt được tỷ lệ nội địa hóa nội khối từ 40% được hưởng thuế suất ưu đãi không phải là nhiều.
Ngoài ra, bên cạnh thuế nhập khẩu và các loại thuế phí khác như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, phí trước bạ, phí cấp biển số, phí đường bộ, bảo hiểm hiện nay và trước áp lực của cơ sở hạ tầng giao thông... để chiếc xe lưu hành được, xét về tổng thể giá của xe sẽ tăng hơn chứ không giảm như người tiêu dùng kỳ vọng.
Có thể dịp này là dịp tốt để người tiêu dùng mua xe bởi những mẫu xe phổ biến trên thị trường các doanh nghiệp đã và đang giảm giá đáng kể, gần bằng so với mức trung bình trong khu vực. Tuy nhiên, cũng không loại trừ, một số mẫu xe “ăn” khách giá có thể bị đẩy lên cao vào mùa mua sắm cuối năm.
TTXVN/Văn Xuyên