Vở kịch 'Bông hồng cài áo': Một bản dựng can đảm
(Thethaovanhoa.vn) - Vở Bông hồng cài áo được chuyển thể từ kịch bản cải lương cách đây hơn 50 năm - một vở kinh điển mà bất kỳ biên kịch và đạo diễn nào muốn làm lại đều phải rất cẩn trọng. Có lẽ vì vậy mà với bản dựng vừa công diễn vào tối 3/8/2019, Ái Như đã có những áp lực nhất định, nhưng kết quả lại là một phiên bản đầy bản lĩnh.
Nguyên tác cải lương của soạn giả Hoàng Khâm, chuyển thể thoại kịch do NSND Kim Cương đảm trách. Vở có sự tham gia diễn xuất của Ái Như, NSƯT Thành Hội, Xuân Hương, Bích Ngọc, Hoàng Vân Anh, Thái Quốc, Võ Tấn Phát, Thế Hải, Tấn Đạt…
Dấu ấn riêng của Ái Như
Đây là bản dựng đáng xem, vì nó có màu sắc khác và cũng mang đến cho khán giả những cảm xúc khác so với các bản dựng trước đó. Khán giả đến với vở kịch lần này tất nhiên không chỉ muốn xem lại những gì đã dựng trước kia, mà còn muốn biết đạo diễn sẽ làm mới tác phẩm này như thế nào. Ái Như đã đáp ứng được những kỳ vọng của người xem.
Đầu tiên, Ái Như đặt bối cảnh kịch trong không gian của miền Nam những năm 1970, được thể hiện rõ qua âm nhạc và trang phục của các nhân vật. Thật thú vị khi chị sử dụng ca khúc Lời mẹ ru (Trịnh Công Sơn sáng tác năm 1972) thay cho ca khúc Bông hồng cài áo (Phạm Thế Mỹ sáng tác trong thập niên 1960) rất quen thuộc, vốn được viết riêng cho vở này.
Một ca khúc khác được sử dụng là bản Both Sides Now của Joni Mitchell (tựa tiếng Việt: Hai khía cạnh cuộc đời do Phạm Duy viết lời Việt năm 1970) mà giới trẻ thời đó rất ưa chuộng. Giới trẻ miền Nam thời cuối những năm 1960 và đầu những năm 1970 ảnh hưởng phong trào hippie từ Mỹ, nghe nhạc Mỹ… nên âm nhạc, áo màu sặc sỡ, những chiếc quần ống loe… là một chọn lựa hợp lý.
Ở phiên bản cũ, bối cảnh nhà thương điên, mẹ cô giáo Nga loạn trí vì mất con qua diễn xuất của NSND Bảy Nam đã lấy không biết bao nhiêu nước mắt của khán giả. Nó đã trở thành một lớp diễn in đậm trong trí nhớ của khán giả đã từng xem, tưởng khó thay đổi. Thế nhưng, Ái Như đã mạnh dạn dịch chuyển không gian nhà thương điên về nhà cô giáo Nga, cũng rất hợp lý.
Vở kịch chỉ sử dụng 2 bối cảnh chính là căn nhà trọ đơn sơ của ba mẹ con bà Tư bán tàu hũ (cũng chính là nhà cô Nga) và biệt thự của cô Út. Hai không gian đối lập nhau, đối lập luôn về quan điểm sống, về ánh nhìn dành cho những người xung quanh. Đó có lẽ là lý do mà Ái Như đã bàn bạc với NSND Kim cương - người đang giữ bản quyền vở kịch này - không dựng theo cảnh ở nhà thương điên.
Dành cho những đứa con nhớ mẹ
Có một người mẹ nghèo bán tàu hũ như bà Tư luôn làm cho Hiếu và Thảo - hai cô cậu tuổi choai choai - thấy mắc cỡ. Ánh sáng vinh hoa đã thu hút hai đứa con thoát khỏi người mẹ nghèo. Khi biết mình có bà nội giàu có từ Pháp về, Hiếu và Thảo dọn sang sống chung, chờ ngày chia gia tài. Thế nhưng, sau một biến cố từ âm mưu của cô Út đã dẫn đến cái chết của người mẹ bao năm tảo tần nuôi con, Hiếu và Thảo từ đó sống trong niềm ân hận khôn nguôi.
Nghệ sĩ Ái Như chia sẻ, chị dựng tác phẩm Bông hồng cài áo để tưởng nhớ người mẹ đã khuất của mình. Tuy nhiên, vở kịch đã trở thành tác phẩm dành cho những đứa con nhớ mẹ. Bởi vì tình yêu dành cho mẹ là điều luôn nằm sẵn trong trái tim mỗi người con. Và trớ trêu thay, những lỗi lầm dường như cũng luôn nằm sẵn đâu đó để bất cứ đứa con nào cũng có “nguy cơ” đắc tội với đấng sinh thành. Chính vì vậy, một vở kịch tưởng “xưa cũ”, nói về một tình cảm xưa cũ, nhưng vẫn đủ sức lay động tâm can của người xem hôm nay.
Tràn ngập cảm xúc trong vở diễn là sự sẻ chia với những sai lầm và mất mát của những đứa con. Người mẹ nào cũng sẵn sàng tha thứ cho lỗi lầm của con cái, thậm chí càng yêu thương con hơn sau những sai phạm, vì mẹ tin con mình cũng sẽ biết ăn năn. Vì vậy, ở đó không có sự lên án mà chỉ có niềm cảm thông. Các chi tiết hai nhân vật Hiếu, Thảo hỗn hào với người cha dượng trong bản gốc gần như đã được lược bỏ.
Ngoài vai trò đạo diễn, Ái Như thủ hai vai là bà Tư bán tàu hũ và bà mẹ tâm thần khá trọn vẹn, chị cho thấy sự dày dạn sân khấu của mình. Cảnh bà Tư tát đứa con rồi ôm con khóc được nghệ sĩ diễn rất đạt. Tiếng khóc như nấc nghẹn, không chỉ đau vì đã lỡ tay tát con, việc mà trước đó bà chưa từng làm, mà còn khóc vì linh cảm con cái sẽ rời xa mình, tiền tài bên kia thu hút chúng rồi.
Cũng như NSND Kim Cương, Ái Như bằng một cách khác, qua nhả thoại, qua những giọt nước mắt, những cái ôm và xoa đầu… vẫn cho thấy lòng bao dung của một người mẹ cả đời sống vì con vì cái.
Diễn viên trẻ Võ Tấn Phát lần đầu tham gia vào một vở chính kịch, nhưng đã diễn khá đạt ngay suất đầu tiên, từ lời thoại đến biểu cảm và hình thể.
Lâm Hạnh