Vở diễn 'Mơ Rồng': Tìm con đường mới cho rối nước truyền thống
(Thethaovanhoa.vn) - Do đạo diễn Lê Quý Dương viết kịch bản và dàn dựng, Mơ rồng là một thử nghiệm đặc trong việc mở rộng không gian cũng như cách thể hiện của nghệ thuật múa rối nước truyền thống.
Mơ Rồng sẽ được Nhà hát múa rối nước Thăng Long đăng ký tham dự Liên hoan Sân khấu thử nghiệm quốc tế, diễn ra từ ngày 4 đến 13/10 tại Hà Nội.
Diễn viên cũng phải... diễn
Vở diễn kể lại giấc mơ của một nghệ sỹ tạo hình các nhân vật rối. Trong một đêm làm việc, anh mệt mỏi thiếp đi giữa các nhân vật rối đang dần hoàn thiện của mình. Trong giấc mơ ấy, anh thấy Tễu và Rồng Bay bắt đầu hành trình vòng quanh trái đất, lần lượt đồng cảm và tiếp cận với các vấn đề nóng bỏng của nhân loại hôm nay như biến đổi khí hậu, bắt cóc trẻ em; rác thải công nghệ; bệnh tật đói nghèo; xung đột quyền lực...
Đáng nói, những vấn đề thời sự ấy lại được chuyển tải bằng hệ thống câu chuyện rất lý thú. Khán giả sẽ theo chân Tễu và Rồng Bay cứu Rồng Đất từ châu Á sau trận động đất kinh hoàng, chống trả bầy quạ dữ rồi cả ba trở thành bạn đồng hành. Họ gặp gia đình Rồng Vàng ở châu Âu, giúp vợ chồng Rồng Vàng bảo vệ đứa con khỏi nanh vuốt Diều Hâu và Chó Sói.
Rồi, tại châu Phi, nhóm bạn ấy cảm hóa Rồng Lửa. Tại châu Mỹ, họ chứng kiến trận chiến kinh hoàng giữa Cá Sấu và Rồng Gió, rồi cảm hóa được Rồng Gió trở về với điều thiện. Tại châu Đại Dương, họ chứng kiến Rồng Nước chiến đấu với đàn cá mập hung tợn để bảo vệ tính mạng và vùng biển của Cá Ngựa và Rồng Hoa. Vở diễn kết thúc với lễ hội của thành phố Hòa Bình, nơi Tễu và Rồng Bay mời bè bạn từ khắp bốn biển, năm châu về quanh Hồ Hoàn Kiếm giữa lòng Hà Nội.
Như lời tác giả kịch bản kiêm Tổng đạo diễn Lê Quý Dương, việc dàn dựng vở diễn này là một thử nghiệm thú vị nhưng cũng đầy thách thức trong việc mở rộng không gian và khả năng thể hiện của nghệ thuật rối nước- vốn đã được hình thành và được gìn giữ suốt hơn mười thế kỷ tại Việt Nam.
Cụ thể, trong Mơ rồng, bể nước (nơi xuất hiện các tích trò rối nước cổ) và buồng trò (nơi giấu các diễn viên điều khiển các nhân vật rối) cùng nhà Thủy Đình đều được khai thác những tính năng mới để có thể cùng trở thành không gian của vở diễn.
Ở một góc độ khác, những diễn viên rối nước -những người vốn chỉ thầm lặng đứng sau tấm mành tre để điều khiển các nhân vật rối truyền thống – cũng trực tiếp xuất hiện trong vở diễn để trở thành những diễn viên tràn đầy năng lượng và cảm xúc, với kỹ thuật biểu diễn hình thể hiện đại.
“Trong vở diễn của tôi, các nghệ sĩ múa rối khi thì hóa thân thành thể xác, lúc nhập tâm thành linh hồn của các nhân vật rối tưởng vô tri vô giác nhưng thực chất có một đời sống nội tâm và hình thể vô cùng phong phú” - Lê Quý Dương nói.
Thách thức từ thử nghiệm
Ngoài phần biểu diễn, ở góc độ âm nhạc, Mơ Rồng cũng là cuộc thử nghiệm khi có sự kết hợp táo bạo giữa dòng âm nhạc và hiệu ứng âm thanh hiện đại của nhạc sĩ nổi tiếng người Úc, Darin Verhagen, với nghệ thuật biểu diễn múa rối nước truyền thống của Việt Nam.
Theo đó, tác phẩm dùng âm nhạc và hiệu ứng âm thanh hiện đại làm nền tảng cho tiết tấu, tạo dựng không gian và khơi dậy nguồn cảm hứng cho diễn viên biểu diễn với nhiều loại hình rối kết hợp như rối nước, rối dây, rối lốt và rối que.
Như chia sẻ của phó đạo diễn NSƯT Lê Trí Kiênviệc kết hợp rối nước truyền thống của Việt Nam với âm nhạc hiện đại của Úc được kì vọng tạo cho Mơ Rồng có một bản phối vừa cổ điển vừa hiện đại, kết hợp nhuần nhuyễn văn hóa Đông - Tây. Bởi, 60 phút của vở diễn không có thoại và chỉ dùng âm nhạc, hình thể để xóa đi những rào cản về ngôn ngữ và văn hóa với người xem.
Thế nhưng, cũng theo lời NSƯT Lê Trí Kiên, vở diễn thử nghiệm cũng đem đến không ít thử thách cho diễn viên múa rối. "Đây là lần đầu tiên diễn viên múa rối của Nhà hát học cách sử dụng ngôn ngữ hình thể để thể hiện vai diễn, thay vì chỉ điều khiển quân rối” - anh nói - “Yêu cầu chuyển tải được thông điệp của vở tới khán giả, đặc biệt với du khách nước ngoài, là không dễ chút nào. Tôi hi vọng theo thời gian, các nghệ sĩ sẽ từ từ làm quen và nhuần nhuyễn hơn trong việc tương tác trực tiếp với khán giả”.
Trong cuộc trò chuyện với TT&VH, các nghệ sĩ biểu diễn cũng rất thẳng thẳn kể về những vất vả của mình. “Mơ Rồng có không gian biểu diễn rất rộng, lại đòi hỏi diễn viên biết cách thể hiện về hình thể” - NSƯT Quốc Khanh nói - “Các em diễn viên trẻ chưa có cơ hội được làm việc với loại hình sân khấu mở như thế này. Do vậy, họ phải vất vả gấp đôi, gấp ba bình thường để có thể đảm bảo yêu cầu của đạo diễn”.
Còn nghệ sĩ Vũ Thị Phương Linh thì cho biết “Phải lộ mặt trên sân khấu, tiếp xúc với khán giả đã là một điều khó. Nhưng xa hơn thế, chúng tôi còn được yêu cầu phải như hòa làm một cùng con rối trong diễn xuất, để người xem có thể hiểu hết thông điệp và tình cảm của mình”. Dù vậy, theo lời Linh, phần nào, việc tạo cơ hội cho diễn viên sáng tạo cũng là một thử thách thú vị cả với người làm nghề và khán giả.
Mơ Rồng sẽ được biểu diễn phục vụ du khách tại Nhà hát Múa rối Thăng Long vào các buổi sáng thứ 7 và Chủ nhật hàng tuần, kể từ ngày 20/10.
Vừa có tính quốc tế, vừa có nét độc đáo của Việt Nam "Xem Mơ Rồng, công chúng được trải nghiệm và chia sẻ những vấn đề mọi người cùng gặp phải trên trái đất như: nghèo đói, xung đột giữa các quốc gia, biến đổi khí hậu...Thú vị hơn, vở diễn vừa có tính mẫu mực của ngôn ngữ múa rối quốc tế, vừa có những nét văn hóa rất độc đáo của Việt Nam, dưới một cách thể hiện hiện đại và sáng tạo” – ôngTobias Biancone,Chủ tịch Mạng lưới ITI của UNESCO về Giáo dục nghệ thuật sân khấu, chia sẻ với báo giới khi xem vở diễn. |
Tiểu Phong