Vỡ đập thủy điện tại Lào: Tình người Sa Nạm Xay
(Thethaovanhoa.vn) - Theo phóng viên TTXVN có mặt tại Sa Nạm Xay - vùng tâm lũ bởi sự cố vỡ đập thủy điện Sepien Senamnoi đang gồng mình khắc phục hậu quả. Giữa ngổn ngang những khó khăn đó, tình người nơi đây là một phần sức mạnh giúp người dân vượt qua bao khó khăn, gian khổ đang ở trước mắt.
- Chuyên gia thủy điện Việt Nam nói về ảnh hưởng của sự cố vỡ đập tại Lào
- Vỡ đập thủy điện tại Lào: Ảnh hưởng không đáng kể đến lũ ĐBSCL, Quân khu 5 Việt Nam tham gia cứu hộ
- Vỡ đập thủy điện ở Lào: Dốc sức chạy đua với thủy thần đẩy nhanh tiến độ cứu hộ
Trên con đường độc đạo nối trung tâm tỉnh Attapeu với huyện Sa Nạm Xay, chúng tôi được chứng kiến nhiều sự việc làm lay động lòng người. Tại khu vực cầu bản Hôm, điểm kết nối tuyến huyết mạch bị cắt đứt khi cây cầu gỗ bị dòng nước lũ cuốn phăng. Trong 2 ngày sau khi xảy ra sự cố vỡ đập, toàn bộ hàng cứu trợ, con người… ra vào huyện Sa Nạm Xay đều bị tê liệt hoàn toàn. Con đường tiếp tế duy nhất chỉ thực hiện được bằng đường hàng không. Tuy nhiên, lượng hàng hóa đưa vào rất khiêm tốn.
Xác định là tuyến huyết mạch quan trọng, trong 2 ngày qua, hàng chục người dân, thanh niên tại bản Hôm đã tự nguyện trầm mình dưới dòng nước lũ để hỗ trợ người và phương tiện qua dòng suối. Để vận chuyển những chiếc xe ô tô (tải trọng khoảng 2 tấn) chở hàng cứu trợ qua dòng suối vào vùng lũ, người dân sử dụng một xà lan vừa đủ chở một chiếc xe ô tô rồi dùng sức người kéo qua. Nhờ đó, hàng chục chiếc xe với hàng trăm tấn hàng hóa, lương thực, thực phẩm đã vào được với vùng lũ. Ông Som Xay Keomanyvanh - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Attapeu cho biết: "Trong 2 ngày qua, nhờ những người dân, thanh niên tại đây giúp sức mới đưa được những đoàn xe cứu trợ vào với vùng lũ. Họ giúp không lấy gì cả, chỉ mong góp một phần sức vào công tác cứu hộ, cứu nạn người dân bị ảnh hưởng do vỡ đập thủy điện.
Dù đã lớn tuổi nhưng ông Phết Sỏm Phon vẫn hăng hái tham gia giúp sức đưa phương tiện qua suối. Cứ mỗi lần xe qua, cả người ông phải dầm mình dưới dòng nước lũ để bắc ván cho xe xuống. Dù vất vả, lạnh tím người nhưng vì nguồn lương thực tiếp tế cho người dân vùng lũ, ông không quản ngại. “Mình chỉ mong nguồn tiếp tế lương thực đến nhanh với người dân vùng lũ. Trong đó họ mất hết nhà cửa, của cải rồi. Cái ăn, cái mặc cũng khó nên mình giúp thôi”- ông Phết Sỏm Phon chia sẻ.
Đứng cạnh ông Phết Sỏm Phon, chàng thanh niên tên Ken trong bộ đồ ướt sũng cũng cười tươi: Thấy người ta đi qua không được nên mình giúp một tay thôi. Mình giúp từ sáng đến 6 giờ chiều là mình nghỉ, giờ cũng thấm mệt rồi.
Bên cạnh việc hỗ trợ các đoàn xe cứu hộ vào trung tâm huyện Sa Nạm Xay, những người dân nơi đây còn sử dụng thuyền nhỏ kết thành bè lớn để vận chuyển xe máy, người dân qua khu vực suối tại bản Hôm. Những chuyến bè cứ miệt mài cả ngày trời giữa thời tiết mưa nắng thất thường để đưa người và phương tiện qua suối. Ông Lắt Tạ Na Phone - người được người dân giúp đỡ cho biết: "Nếu không có những người dân và phương tiện này thì chắc chắn đến bây giờ người và phương tiện, hàng hóa từ phía tỉnh Attapeu sẽ không vào được huyện Sa Nạm Xay, bởi ngoài tuyến đường này, muốn vào đó chỉ có phương tiện xuồng máy chuyên dụng, máy bay.
Chính nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình này, hàng trăm tấn hàng hóa, lương thực, nước uống, chăn màn đã đến được với người dân vùng lũ, qua đó góp phần rất lớn vào công tác khắc phục hậu quả sau sự cố vỡ đập. Ông Som Xay Keomanyvanh cho biết: "Sự giúp đỡ của người dân ở đây sẽ được thực hiện đến khi nước rút, phương tiện có thể di chuyển qua được. Với tình hình thời tiết như hôm nay (25/7), trong ngày mai (26/7) nước sẽ rút và phương tiện sẽ có thể di chuyển qua lại khu vực này.
Trước đó, sự cố vỡ đập thủy điện Sapien Senamnoi đã làm 13 bản của huyện Sa Nạm Xay bị ảnh hưởng, hàng ngàn hộ dân rơi vào cảnh “màn trời chiếu đất”. Hiện nay, chính quyền tỉnh Attapeu đang nỗ lực khắc phục những hậu quả của sự cố trên. Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN về công tác khắc phục hậu quả sự cố vỡ đập thủy điện, Chủ tịch huyện Sa Nạm Xay - ông Bun Hom Phommasán cho biết: "Hiện gần 6.000 người dân trong vùng bị ảnh hưởng đã được huyện bố trí sinh sống tại các trường, trụ sở hành chính khu trung tâm huyện. Các nhu yếu phẩm, nước uống đã được các đơn vị cứu trợ, doanh nghiệp vận chuyển vào tận trung tâm huyện, đảm bảo đủ cho toàn bộ nhân dân đang sơ tán tại đây sử dụng. Đặc biệt, huyện cũng đã bố trí cán bộ y tế túc trực tại các điểm bố trí người dân sinh sống để thăm, khám cho nhân dân".
TTXVN