'Vợ chồng A Phủ' lên sân khấu: Phải bán được vé!
(Thethaovanhoa.vn) - 56 năm kể từ khi chuyển thể thành phim (1961), tác phẩm văn học nổi tiếng Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài một lần nữa lại được chuyển thể sang một lĩnh vực nghệ thuật khác để giới thiệu với công chúng. Đó là vở diễn nghệ thuật tổng hợp Mỵ của biên đạo múa Tuyết Minh cùng tập thể nghệ sĩ Nhà hát Ca múa nhạc Dân gian Việt Bắc.
1. Vừa qua, Mỵ giành giải Chương trình Ấn tượng và Biên đạo múa xuất sắc tại Liên hoan ca múa nhạc toàn quốc đợt 1 (tại Cao Bằng). Và ngay lập tức, vở diễn được một công ty truyền thông tại TP.HCM đầu tư công diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội 10 show liên tiếp trong năm 2018, bắt đầu từ 26/9 tới.
Chia sẻ về vở diễn này, nghệ sĩ Tuyết Minh cho biết: Vợ chồng A Phủ là tác phẩm văn học rất dài với nhiều chương, nhiều chi tiết, nhiều điểm nhấn và đã được dựng thành phim, được nhiều người biết tới. Nhưng để chuyển thể phù hợp với loại hình ca múa nhạc và mục tiêu bán vé phát triển du lịch, chị đã lựa chọn chương đầu tiên của tác phẩm, mô tả lại toàn bộ bản sắc văn hóa đặc sắc của người Mông với phiên chợ tình, các trò chơi dân gian, những điệu múa, tiếng khèn, tiếng sáo… cảnh sinh hoạt đời thường, thiên nhiên núi rừng Tây Bắc, và đặc biệt là tâm tư tình cảm của những chàng trai cô gái Mông - trong đó có hình tượng Mỵ và A Phủ.
“Chương tiếp theo với nút thắt chính là hủ tục cướp vợ, cuộc đời của Mỵ trong nhà thống lý Pá Tra, cảnh A Sử và A Phủ gặp nhau trong cuộc đối đầu. Cuối cùng là cảnh Mỵ và A Phủ chạy đến một vùng đất mới trên nền ca khúc Chạy đi do nhạc sĩ Lê Minh Sơn sáng tác" - Tuyết Minh nhấn mạnh – "Trong văn học, A Phủ và Mỵ còn tham gia cách mạng, nhưng vở diễn này không để cập đến”.
Như vậy, Mỵ sẽ gồm 3 phần: Lời yêu trên đỉnh núi, Con ma nhà Thống Lý và Chạy đi được thể hiện thông qua ngôn ngữ của âm nhạc, nghệ thuật múa, kỹ thuật, kỹ xảo của nghệ thuật xiếc, nghệ thuật sắp đặt với sự thể hiện của các nghệ sĩ tài năng của Nhà hát Ca Múa Nhạc dân gian Việt Bắc. Mỵ vẽ lên bức tranh với những gam màu đầy xúc cảm, ca ngợi phẩm chất cao đẹp, sức sống mãnh liệt và khát vọng tự do cháy bỏng của những người con nơi núi rừng Tây Bắc.
“Vở diễn vẫn đậm nét văn hoá của người Mông nhưng lại mang hơi thở của đời sống hiện tại. Tôi và ê kíp múa đã sáng tạo trong một vài trường đoạn đưa nghệ thuật múa đương đại vào tác phẩm”, nghệ sĩ Tuyết Minh nói thêm.
2. Từng dàn dựng rất nhiều vở diễn để tham gia các kì liên hoan nghệ thuật, nhưng đây là lần đầu tiên, nghệ sĩ Tuyết Minh hướng một vở diễn gắn với thu hút khách du lịch. Và mục tiêu của chương trình khá rõ ràng: phải bán được vé cho du khách quốc tế.
Do vậy, ngay từ khi bắt tay dựng vở, phần phục trang, thiết kế mỹ thuật sân khấu đều được “đặt hàng” các chuyên gia từ TP.HCM. Phần âm nhạc với các ca khúc được viết mới mới bởi nhạc sĩ Minh Đạo dựa trên chất liệu dân gian bản địa.
Sau buổi công diễn đầu tiên ngày 26/9, Mỵ sẽ tiếp tục được công diễn 10 buổi tại Nhà hát Lớn với thời lượng 75 phút. Ngoài ra, vở diễn còn được cắt gọt xuống còn 30 phút để phục vụ bán vé theo tour cho du khách quốc tế thăm quan Nhà hát Lớn.
Nghệ sĩ Tuyết Minh cho hay, với khách quốc tế, cách thức để dễ tiếp nhận nhất là bằng ngôn ngữ múa và âm nhạc. Do vậy, các bài hát độc lập sẽ được lồng vào nội dung vở diễn.
Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt – Giám đốc Nhà hát Lớn chia sẻ thêm: “Mỵ là lựa chọn đầu tiên của Nhà hát Lớn Hà Nội gắn với tour du lịch dành cho khách quốc tế nhằm giới thiệu bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam. Bởi lẽ, đây là vở diễn tâm huyết, đạt nhiều thành tích cao trong nghệ thuật".
Những cột mốc lớn của "Vợ chồng A Phủ" Vợ chồng A Phủ là tác phẩm nổi tiếng nhất trong tập Truyện Tây Bắc, được Tô Hoài viết năm 1952. Truyện vừa này xoay quanh cuộc đời của A Phủ và Mỵ - hai thanh niên nghèo người Mông. Bị chúa đất bóc lột, áp bức đến cùng cực, họ đã bỏ trốn, nên vợ nên chồng rồi cùng tham gia Cách mạng để xây dựng một cuộc đời hạnh phúc. Sáng tác này từng giúp giúp Tô Hoài nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 năm 1996, đồng thời được đưa vào giảng dạy ở sách giáo khoa phổ thông. Đặc biệt, năm 1961, Vợ chồng A Phủ đã được xưởng phim truyện Việt Nam dựng thành phim, và trở thành một trong những phim kinh điển của Điện ảnh Cách mạng Việt Nam. Ngoài ra, ca khúc Bài ca trên núi trong phim cũng trở thành bài hát được nhiều thế hệ khán giả yêu thích. |
Hoài Thương