Vở cải lương 'Mai Hắc Đế': Đầu tư lớn và diễn miễn phí
Đây là vở diễn do NSƯT Triệu Trung Kiên dàn dựng tại Nhà hát Cải lương Việt Nam và thu hút những gương mặt xuất sắc nhất tại đây như Minh Lý, Quang Khải, Vương Hà... Tác giả PGS Nguyễn Thế Kỷ, từng được nhắc tới qua vở cải lương Chuyện tình Khâu Vai khá thành công vào năm 2013. Còn trong kịch bản Mai Hắc Đế lần này, có một sự trùng hợp khá thú vị: đất Nam Đàn, từng sinh ra ông "vua đen" họ Mai cũng là nơi ông Kỷ làm bí thư huyện ủy trong một thời gian trước.
"Có lẽ, đó là một cơ duyên. Tôi cũng may mắn có một thời gian đọc và tìm hiểu các nghiên cứu cũng như các truyền thuyết dân gian về Mai Hắc Đế" – PGS Kỷ nói. Được biết, kịch bản Mai Hắc Đế bám khá sát các nghiên cứu khoa học về người anh hùng dân tộc này, thay vì chạy theo các truyền dân gian về một cuộc khởi nghĩa tự phát của những người phu gánh vải.
Tại thế kỷ VIII, cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan được cho là đã thu hút tới 30-40 vạn nông dân, thậm chí còn vượt biên giới để liên minh với các nước láng giềng để lật đổ ách thống trị nhà Đường. Bởi vậy, không có gì khó hiểu khi đạo diễn - NSƯT Triệu Trung Kiên đã huy động tới hơn 100 diễn viên để dàn dựng những đại cảnh chính trong vở diễn. Thậm chí, bốn màn hình LCD lớn cũng sẽ được đưa lên sân khấu để sử dụng làm phông nền trong những lớp diễn cần tạo ấn tượng với người xem.
"Tuy vậy, Mai Hắc Đế không chỉ có toàn những cảnh gươm đao hoành tráng. Khá nhiều lớp diễn vẫn mang đậm màu sắc trữ tình và lãng mạn, chẳng hạn như cảnh Mai Hắc Đế trò chuyện cùng hồn phách của nhà thơ Vương Bột đời Đường" – đạo diễn Trung Kiên nói. Theo lời anh, đây là sáng tạo độc đáo của tác giả, dựa trên việc một số truyền thuyết địa phương cho rằng Vương Bột bị đắm thuyền chết khi đi thăm bố làm thứ sử Giao Châu và được người dân bản địa lập đền thờ tại chính vùng đất Nghệ An trong lịch sử.
Với lượng diễn viên lớn, sử dụng thiết bị hiện đại và thu hút những cái tên có tiếng như họa sĩ Doãn Bằng, nhạc sĩ Trọng Đài, mức kinh phí đầu tư cho vở diễn dự kiến sẽ lên tới vài tỷ đồng (nếu tính cả những chuyến tổ chức lưu diễn trong thời gian tới đấy). Ngoài hạn mức 600 triệu đồng được Nhà hát đầu tư theo các quy định về kinh phí, toàn bộ số tiền còn lại được huy động từ nguồn vốn xã hội hóa, trong đó có tiền của bạn bè và cả... tiền túi của chính tác giả.
"Mai Hắc Đế sống cách chúng ta 13 thế kỷ và có quá ít những tác phẩm về ông. Bởi vậy, tôi muốn khán giả đương đại được dễ dàng tạo điều kiện để cùng biết thêm và chia sẻ những cảm xúc về người anh hùng này" – tác giả Nguyễn Thế Kỷ nói. Trước mắt, khán giả Hà Nội có thể liên hệ với Nhà hát Cải lương VN để lấy vé xem Mai Hắc Đế miễn phí trong ba tối kể từ 27/1.
Sơn Tùng
Thể thao & Văn hóa