Vĩnh biệt 'quái kiệt về sách' của miền Nam
GS, học giả Hoàng Xuân Việt bắt đầu viết sách từ năm 18 tuổi. Đến nay ông có khoảng 180 tác phẩm đã xuất bản và khoảng 90 tác phẩm đã hoàn thành nhưng chưa in. Những tác phẩm của học giả Hoàng Xuân Việt đa phần là sách “học làm người”, trong đó có nhiều tác phẩm đến nay vẫn được tìm đọc, như: Văn hóa và văn minh hồn xiêu phách lạc, Bà là thiên đường hay khám lạnh của ông?, Vợ chồng khác miền khác chủng, Việc của ếch giao cho nhái, Ôi! Phù vân, tất cả... đều phù vân, Quân tử khác lòng người ta, Thăng hoa nhân phẩm, Trăm năm nào có gì đâu...
Học giả Hoàng Xuân Việt từng biên soạn nhiều đầu sách có giá trị học thuật cao, như Từ điển Việt - Bồ - La, Lịch sử chữ Quốc ngữ... Thời Thủ tướng Phạm Văn Đồng phát động phong trào “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”, GS Hoàng Xuân Việt được mời tham gia vào các hoạt động nghiên cứu của phong trào này.
Ngoài viết sách, học giả Hoàng Xuân Việt còn có hơn 10 ngàn học trò do ông từng làm hiệu trưởng hai trường Nhân Xã Học Làm Người (từ 1966 - 1975) và Hán Nôm Nguyễn Trãi (1993 - 2001) cũng như đi dạy học ở khắp nơi.
Học giả Đào Duy Anh đánh giá GS Hoàng Xuân Việt là một “quái kiệt” trong làng văn học miền Nam. Chuyện rằng, vào năm 1979, trong một lần vào Nam, học giả Đào Duy Anh có buổi nói chuyện với học giả Nguyễn Hiến Lê. Trong câu chuyện, cụ Đào Duy Anh đánh giá: “Ông Hoàng Xuân Việt này (GS Hoàng Xuân Việt nhỏ hơn cụ Đào Duy Anh, Nguyễn Hiến Lê khoảng 20 tuổi - PV) cũng là loại “quái kiệt” trong làng văn học miền Nam đây. Sao đất Sài Gòn nảy sinh nhiều quái kiệt và kỳ nữ quá nhỉ? Nào là quái kiệt Trần Văn Trạch, Ba Vân và kỳ nữ Kim Cương. Nay nghe số sách xuất bản đồ sộ của Hoàng Xuân Việt, thì tôi cho rằng đây cũng là một quái kiệt về sách đấy nhé!”.
Sau đó, cụ Đào Duy Anh nhờ người chở đi tìm nhà Hoàng Xuân Việt nhưng không được, cụ Đào nhại Kiều: “Người đâu nghe kể làm chi/ Vô duyên tìm mãi sáng chừ bặt tăm”.
Trạc Tuyền
Thể thao & Văn hóa