Vĩnh biệt NSND Tuyết Mai: Mãi ngân vang lời xướng 'Đây là Tiếng nói Việt Nam…'
(Thethaovanhoa.vn) - Nghe tin NSND Tuyết Mai đã ra đi vào lúc 22h12 ngày 5/3, gửi lại cõi tạm tuổi 98 (1925-2022) khiến bao thính giả, bạn bè đồng nghiệp tiếc thương một giọng đọc vàng hiếm hoi trên sóng phát thanh.
Tôi mê giọng đọc của nữ phát thanh viên Tuyết Mai từ nhỏ. Tuổi thơ của chúng tôi trong chiến tranh đi sơ tán không gì hạnh phúc hơn được bầu bạn, nghe lời thì thầm của nghệ sĩ Tuyết Mai trên Đài Tiếng nói Việt Nam.
1. Bên tai tôi lúc này văng vẳng lời xướng đầu các chương trình thời sự, hay đầu mỗi buổi phát sóng của bà trên nền nhạc hiệu từ bài hát Diệt phát xít của nhạc sĩ - nhà thơ Nguyễn Đình Thi trên sóng phát thanh Đài Tiếng nói Việt Nam gắn với 2 thời kỳ của đất nước: “Đây là Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, Thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” (từ 1945-1976, đọc cùng NSƯT Việt Khoa) và “Đây là Tiếng nói Việt Nam phát thanh từ Hà Nội, Thủ đô nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” (từ 1976 đến nay).
NSND Tuyết Mai tên thật là Bùi Thị Thái. Tuyết Mai là nghệ danh lấy tên con gái út Đinh Tuyết Mai của bà với người chồng đầu tiên - nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên - Trưởng ban Âm nhạc quân giải phóng. Bà sinh năm 1925 tại đảo Cát Hải (TP Hải Phòng) - miền Đông Bắc của Tổ quốc. Cũng thật lạ, ở vùng biển mặn mòi miền Đông Bắc có nhiều chất giọng đẹp thành danh trên con đường âm nhạc đến thế, như: cố NSND Lê Dung, NSND Quang Thọ, NSND Mạnh Hà, NSƯT Đức Long, Hoàng Tùng, Tuấn Anh, Ngọc Anh…
Năm 12 tuổi theo gia đình lên Hà Nội và từ đó gắn bó trọn đời với Thủ đô, trưởng thành trong Cách mạng tháng Tám, với tuổi 20 tràn đầy hoài bão, lý tưởng, Bùi Thị Thái đã tham gia nhiều hoạt động cách mạng, như: Hội Phụ nữ cứu quốc,hát trong các phòng trà, hát trên đường phố, biểu diễn trong Tuần lễ Vàng... Đặc biệt, cô ca sĩ Bùi Thị Thái đã có mặt ghi âm trực tiếp những bài hát cách mạng phát sóng trên Đài ngay sau khi Đài Tiếng nói Việt Nam thành lập ngày 7/9/1945. Sau khi thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta lần thứ 2, kháng chiến bùng nổ, bà lên chiến khu Việt Bắc.
Hòa bình lập lại, cùng gia đình trở về Hà Nội, bà Bùi Thị Thái chuyển sang làm phát thanh viên và từ Xuân 1958 gắn với 2 dấu mốc quan trọng trong cuộc đời bà. Đó là giọng đọc truyền cảm, ấn tượng của bà trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam được thính giả mến mộ và cuộc gặp gỡ với NSƯT Phan Phúc - nguyên là Trưởng đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam, người nghệ sĩ kéo vĩ cầm trong bức ảnh Bác Hồ bắt nhịp bài ca Kết đoàn của nhà nhiếp ảnh Lâm Hồng Long. Ông đã vượt qua dư luận, chia sẻ, xây dựng hạnh phúc cùng người phụ nữ đã qua một lần đò, có 3 con và hơn ông tròn 10 tuổi.
Gặp nhau mùa Xuân và mùa Thu năm đó, ông bà vui mừng đón cô con gái chào đời. Chị là nhạc sĩ Phan Tuyết Minh, thừa hưởng tố chất nghệ thuật trong gia đình có truyền thống âm nhạc. Tôi có nhiều dịp gặp chị lúc đó giữ cương vị Giám đốc Hệ âm nhạc - Thông tin - Giải trí VOV3 Đài Tiếng nói Việt Nam và thường hỏi thăm bà qua nhạc sĩ Phan Tuyết Minh.
Tang lễ NSND Tuyết Mai được tổ chức từ 7h ngày 10/3/2022 tại nhà riêng số 5 Trần Phú (Hà Nội) và hỏa táng cùng ngày tại Đài hóa thân Hoàn vũ (Văn Điển, Hà Nội). Lễ an táng diễn ra vào 11h ngày 18/3/2022 tại Nghĩa trang xã Sài Sơn (huyện Quốc Oai, TP Hà Nội). |
2. Bà Tuyết Mai từng làm Trưởng phòng Phát thanh viên, là phát thanh viên đầu tiên của Đài Tiếng nói Việt Nam được Nhà nước phong danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú (đợt I, năm 1984) và Nghệ sĩ Nhân dân năm 1993.Sinh thời, bà sống ở ngôi nhà số 5 Trần Phú (Hà Nội) cùng chồng NSƯT Phan Phúc và con gái Phan Tuyết Minh. Gia đình các con luôn quây quần ấm áp bên mẹ hiền.
Với bất cừ nghề nào cũng đòi hỏi sự khổ luyện. Trời phú cho bà chất giọng nữ trung mượt mà, êm ái. Nhưng để làm nên “thương hiệu” giọng đọc vàng đó, người phát thanh viên - nghệ sĩ đã phải nỗ lực rèn luyện rất nhiều. Ngoài giọng đọc tròn vành, rõ nét, chất giọng miền Bắc trầm ấm là cách biến hóa linh hoạt phù hợp với từng loại văn bản.
Tôi thiết nghĩ trong giọng đọc của bà là sự cộng hưởng, kết hợp nhuần nhuyễn giữa giọng đọc của một phát thanh viên và chất nghệ sĩ đam mê nghề. Nhờ đó, bà đã có kỹ năng xử lý một cách linh hoạt các loại văn bản chính luận hay trữ tình qua giọng đọc của mình một cách chuẩn xác, thông minh nhất. Sức biến hóa linh hoạt thể hiện trong một giọng đọc vàng hiếm thấy trong 2 thể loại chính luận -văn chương tưởng chừng đối lập khó gặp nhau đã được người nghệ sĩ tài hóa xử lý hài hòa, nhuần nhuyễn. Như một diễn viên, cùng lúc bà thăng hoa qua chất giọng, hóa thân vào nhiều vai diễn khác nhau để tạo nên hiệu quả thẩm mỹ, chạm đến trái tim thính giả.
Với chính luận, thời sự, bà đọc chuẩn tiếng Việt, khúc chiết, nhấn nhá từng chữ, âm vực rõ nét, sắc. Trong ký ức của tôi thời chiến tranh chống Mỹ không thể quên chương trình thời sự, chính luận có giọng đọc của bà và các phát thanh viên nam, như: Việt Khoa, Kiên Cường, Nguyễn Thơ, Trần Phương... Tin chiến thắng, xã luận qua giọng đọc của bà và các phát thanh viên đã trở thành nguồn sức mạnh động viên cho đồng bào và chiến sĩ cả nước trong cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại.
Ngày 3/9/1969, tôi và các bạn ở thành phố Hạ Long của tôi đứng dưới loa phóng thanh khóc nức nở khi nghe tin Bác Hồ mất qua giọng đọc truyền cảm, ngân ngấn xúc động của bà. Được biết, trước khi giao đọc tin quan trọng này, Đài yêu cầu phát thanh viên cố gắng nén cảm xúc. Nhận nhiệm vụ, cố gắng phải nén để đọc rõ ràng từng câu, từng chữ, nhưng khi bản tin vừa kết thúc, bà đã oà khóc nức nở…
Cho đến bây giờ tôi vẫn không thể quên phát thanh viên Tuyết Mai đọc Lời kêu gọi của Ban chấp hành Trung ương Đảng gửi đồng bào và chiến sĩ cả nước trong chương trình thời sự đặc biệt của Đài Tiếng nói Việt Nam ngày 5/3/1979. Giọng đọc trầm ấm, khúc chiết, vang vọng đầy âm sắc như kết tụ tinh thần yêu nước của cả dân tộc “Nòng súng thép dán câu thơ”. Lời hiệu triệu đanh thép như có lửa của Tuyết Mai lan tỏa tới toàn dân, toàn quân:“Hỡi đồng bào và chiến sĩ yêu quý! Quân thù đang giày xéo non sông, đất nước ta. Độc lập, tự do, chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta đang bị xâm phạm. Hòa bình và ổn định ở Đông Nam châu Á đang bị đe dọa. Dân tộc Việt Nam ta phải ra sức chiến đấu để tự vệ... Toàn thể đồng bào các dân tộc anh em trong cả nước, các tôn giáo, các đảng phái, già, trẻ, gái, trai hãy phát huy truyền thống Diên Hồng, triệu người như một, nhất tề đứng lên bảo vệ Tổ quốc”...
Đến bây giờ, tôi vẫn không quên lời xướng của bà trên nền nhạc hiệu cùng giọng đọc các chương trình: Tổ quốc ta tươi đẹp, Trên tuyến đầu Tổ quốc, Tiếng thơ, Đọc truyện đêm khuya, Sân khấu truyền thanh…Bà cùng những giọng đọc nổi tiếng thời ấy như Việt Hà, Việt Khoa, Lan Hương, Minh Đạo, Trần Phương… đã làm nên sự độc đáo, hấp dẫn cho chương trình Đọc truyện đêm khuya. Có nhà văn nói rằng, qua giọng đọc của bà, tác phẩm văn chương vốn nằm yên trong câu chữ như có hồn, rung lên bao cảm xúc và là con đường nhanh nhất đến với đông đảo bạn đọc. Đúng là một giọng đọc văn nghệ hiếm thấynhư “rót mật” vào tai của bà đã làm nên sự hấp dẫn cho chương trình Đọc truyện đêm khuya”.
Tôi luôn nâng niu, lưu lại một vài truyện ngắn của tôi qua giọng đọc Hồng Huệ và không thôi xúc động nghe lời xướng của bà trên nền nhạc hiệu “Mời các bạn nghe buổi Đọc truyện đêm khuya của Đài Tiếng nói Việt Nam”.
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Đài Tiếng nói Việt Nam
- Đài Tiếng nói Việt Nam sẽ trả tác quyền trực tiếp cho các nhạc sỹ
3. Ở con người của bà luôn toát lên sự vui vẻ, lịch thiệp, nho nhã, chỉn chu, hòa đồng với gia đình và đồng nghiệp. Vui vẻ, đùa rất hóm hỉnh, nhưng khi vào phòng thu thì bà trở thành một người lính, phát thanh viên chiến sĩ nghiêm túc, trách nhiệm, một nghệ sĩ phiêu cùng con chữ để chạm đến những thanh âm đẹp nhất, lay động nhất.
Bà luôn có ý thức rèn luyện sức khỏe, giữ chất giọng. Người bạn đời của bà NSƯT Phan Phúc nói về người vợ với bao nể trọng “Tuyết Mai rất yêu nghề mà mình đã lựa chọn. Vợ tôi tập thể dục rất đều đặn, tập theo phương pháp thở của các ca sĩ và rất chú trọng nghe lại các băng thu thanh của mình để rút kinh nghiệm. Trước giờ thu thanh, bà ấy cẩn thận đánh dấu từng chỗ ngắt hơi, lấy hơi”.
Từ khi NSND Tuyết Mai nghỉ hưu, nhiều nhạc hiệu trong các chương trình của Đài vẫn sử dụng lời xướng của bà. Cuộc phiêu du của bà về miền mây trắng với những tiết mục, như: Tiếng thơ, Sân khấu truyền thanh, Đọc truyện đêm khuya… đang sống một cuộc đời khác, bất tử trong lòng những người đang sống từ gia đình, người thân, đồng nghiệp, đến thính giả nghe đài trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài.
Thương tiếc NSND Tuyết Mai Nhạc sĩ Phan Tuyết Minh cho biết, ngày 04/3, gia đình phát hiện NSND Tuyết Mai có biểu hiện sốt. Gia đình đã đưa bà vào viện Xanh Pôn điều trị, nhưng do tuổi cao sức yếu nên NSND Tuyết Mai đã không qua khỏi. Những ngày cuối đời, mẹ tôi ra đi thanh thản… Gia đình chúng tôi sẽ đưa NSND Tuyết Mai về nơi an nghỉ cuối cùng ở chùa Thầy”. Nhà thơ, nhà báo Lệ Thu – đồng nghiệp của bà từ những năm kháng chiến chống Mỹ nghe hung tin đau buồn nói lời tiễn biệt “Thế là chị Tuyết Mai yêu mến đã về miền thanh thản. Người chị ấy từng yêu thương dặn tôi: Em có bài nào đưa chị đọc cho. Lệ Thu luôn muốn được chị đọc bài của mình trên sóng phát thanh từ những ngày cả Hà Nội và chúng tôi còn gian lao. Mãi yêu thương và nhớ chị”. TS Lê Doãn Hợp - nguyên Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông chia sẻ “Tôi mê giọng đọc Tuyết Mai, nhất là mục Đọc chuyện đêm khuya mang sức mạnh tinh thần rất lớn cho người lính ở chiến trường chúng tôi. Mong NSND an giấc ngàn thu”… |
Nhà văn Lê Thị Bích Hồng