Vĩnh biệt NSND Thái Thị Liên: 'Đời là một giấc mơ'
Ngày cuối cùng tháng 1/2023, (mồng 10 Tết Quý Mão), mới đầu tân Xuân, giới âm nhạc Việt Nam đã phải nhận tin buồn: Nghệ sĩ nhân dân – Nhà giáo nhân dân - Nghệ sĩ dương cầm Thái Thị Liên đã rời xa dương thế ở tuổi đại thọ (106 tuổi). Dù vẫn biết đấy là quy luật của đời người, dù vẫn biết như theo cổ nhân đấy là hồng tang, nhưng trong lòng tôi vẫn thánh thót những giọt thương tiếc.
1. Lịch sử âm nhạc Việt Nam hiện đại ở dòng chảy của những nghệ sĩ biểu diễn dương cầm (piano) là một lịch sử thật đặc biệt, mà từng chặng chuyển rời lại có sự đóng góp lớn của hai tên tuổi nữ nghệ sĩ - hai chị em ruột - trong một gia đình họ Thái ở Sài Gòn, một gia đình thượng lưu trí thức. Đấy là gia đình cụ Thái Văn Lân và hai chị em ruột là Thái Thị Lang và Thái Thị Liên.
Bà Thái Thị Lang là con thứ hai của gia đình. Do tiềm lực trí tuệ và kinh tế dồi dào, bà đã được đi du học âm nhạc tại Nhạc viện Cao đẳng Quốc gia Paris với chuyên ngành sáng tác và biểu diễn dương cầm. Tuy tu nghiệp ở châu Âu, nhưng bà luôn tâm niệm: "Là người An Nam, tôi ưa thích những xúc động cảm nhận khi nghe những giai điệu dân ca. Nguồn dân ca vô tận đó là một kho báu đối với người sáng tác". Và bà đã biến tâm niệm đó thành hiện thực bằng việc chuyển soạn các điệu Lưu thuỷ, Bình bán… thành những tiểu phẩm dương cầm do chính tay bà biểu diễn. Bà là nhạc sĩ Việt Nam đầu tiên viết nhạc không lời bằng âm hưởng dân ca Việt Nam.
Giữa chị ba Thái Thị Lang và em năm Thái Thị Liên còn có một anh tư Thái Văn Lung. Rất nhiều người Sài Gòn hôm nay cư trú dọc hai bên dường Thái Văn Lung, nhưng không phải ai cũng hiểu rõ Thái Văn Lung là một tên tuổi anh hùng như thế nào. Tuy mang quốc tịch Pháp, nhưng chỉ 3 tháng sau khi về Sài Gòn thời cao trào cách mạng 1945, Thái Văn Lung đã tham gia cùng bè bạn, anh em sáng lập tổ chức "Thanh niên tiền phong", tham gia giành chính quyền ở Sài Gòn. Nam Bộ kháng chiến, ông trở thành chỉ huy lực lượng vũ trang cách mạng ở Thủ Đức khiến quân Pháp phải khiếp sợ khi nghe danh "bộ đội Thái Văn Lung". Sau một trận giao chiến, không may, ông bị địch bắt và tra tấn dã man. Nhưng tàn bạo chẳng khuất phục nổi ông. Trước khi trút hơi thở cuối cùng trong tù, ông đã bày tỏ ước nguyện với bạn tù: "Tôi không có gì ân hận. Tôi sung sướng đã làm tròn nhiệm vụ. Nếu em còn sống và được thoát khỏi tù, hãy chuyển đến các chiến hữu ước nguyện của tôi là hãy cố gắn đạt tới mục đích chung sau ngày thắng lợi".
2. Có lẽ, tác động về nghệ thuật âm nhạc của chị ba và về khí phách của anh tư đã khiến cho bà Thái Thị Liên có một xác tín mạnh mẽ cho cuộc đời của mình.
Đang học dương cầm ở Paris, thiếu nữ Thái Thị Liên đã gặp gỡ, rồi yêu đương, kết hôn vợ chồng với ông Trần Ngọc Danh - em ruột Tổng Bí thư Trần Phú - ở thời điểm 1946 đang là trưởng phái đoàn đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Paris. Ba năm sau, bà Liên theo chồng sang công du Tiệp Khắc. Ở đấy, bà có cơ hội hoàn thành chương trình đại học môn biểu diễn dương cầm và là người Việt Nam đầu tiên có học vị đại học về bộ môn biểu diễn dương cầm.
Năm 1951, bà cùng chồng ôm con gái đầu lòng Trần Thu Hà (lúc ấy mới 22 tháng tuổi) trở về chiến khu Việt Bắc đón nhận một cuộc sống kháng chiến đầy gian nan. Sau khi sinh thành cậu con trai thứ hai Trần Bình, ông Danh mắc bệnh hiểm nghèo và tạ thế, để lại vợ dại cùng hai đứa con thơ. Bà vừa là biểu diễn dương cầm thuộc Đoàn Văn công Nhân dân Trung ương, vừa lo vật lộn trong thử thách nuôi hai con nhỏ. Sau Hiệp định Genève, bà đã cùng nhạc sĩ Lưu Hữu Phước và nhiều nghệ sĩ khác sang Trung Quốc làm bộ đĩa hát đầu tiên cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chính thời điểm ấy, tiếp theo con đường chị Ba, bà đã lấy dân ca Nam Bộ chuyển soạn thành tiểu phẩm dương cầm do chính bà biểu hiện với cái tên Ru con mà người đời hay gọi là Ru con Nam Bộ.
3. Nhưng tất cả những gì đã trải qua với bà Liên, chỉ là sự tích tụ cho một giấc mơ mà bà Liên bắt đầu mơ khi được giao trách nhiệm làm Chủ nhiệm khoa Dương cầm, Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) vào năm 1956. Lúc này, bà đã "đi bước nữa" với nhạc sĩ Đặng Đình Hưng kém bà 6 tuổi. Vợ chồng bà và hai con riêng của bà cùng tá túc trong căn nhà nhỏ phố Tống Duy Tân - Hà Nội. Giấc mơ của ông Hưng cùng một số bạn bè là cùng hợp lực nâng cao nền văn nghệ Việt Nam để sánh vai các nước trên thế giới. Còn bà Liên, bằng kinh nghiệm tu nghiệp ở châu Âu, bà có giấc mơ xây dựng để đưa nghệ thuật biểu diễn dương cầm Việt Nam sánh ngang tầm quốc tế.
Nhưng điều bất ngờ nhất trong giấc mơ - mà bà không hề dám mơ - đã đến khi chính cậu con trai Đặng Thái Sơn của bà với ông Hưng lại là người cán đích đầu tiên cho giấc mơ này vào mùa Thu 1980 với giải Nhất cuộc thi dương cầm quốc tế mang tên F.Chopin lần thứ 10.
Nhưng đấy chính là số phận giấc mơ của bà. Một sắp đặt tuyệt vời, hoàn mỹ của Đấng sáng thế. Một lập trình đầy chất tiểu thuyết, tuy từ tận đáy lòng, bà không hề thiên vị giữa Sơn với bất kỳ học trò nào. Tuy nhiên vì là con trong nhà, bà có điều kiện dạy dỗ hơn. Nhờ thế mà Trần Thu Hà (con riêng của bà) và Đặng Hồng Quang (con riêng của ông Hưng) cũng đã trở thành những danh cầm của đất nước. Bà Liên đã dạy bé Sơn chơi đàn từ nhỏ, rồi bao tháng năm sơ tán cùng Trường Âm nhạc Việt Nam ở Xuân Phú (Yên Dũng, Bắc Giang) trong chiến tranh phá hoại của Mỹ. Chính trong những đêm tối mờ đèn dầu bên căn hầm trú ẩn, tiếng đàn dương cầm của cậu bé Đặng Thái Sơn đã lóe lên tia sáng của tài năng.
Cũng nhờ năm 1970, bà cùng nhạc sĩ Huy Du được là khách mời dự cuộc thi F.Chopin lần thứ 8, bà có thêm nhận thức về cuộc thi đặt ra. Chính nhờ sự định hướng này nên khi sang học thầy Natanson ở Nhạc viện Tchaikovsky, tiếng đàn của Sơn đã khiến thầy đồng cảm và vượt qua mọi trở ngại để đưa Sơn tham dự cuộc thi lần thứ 10. Và Sơn đã biến điều "không thể" thành điều "có thể", đã đưa giấc mơ của bà bay lên. Cũng năm đó, một học trò nữa của bà là Tôn Nữ Nguyệt Minh đã đoạt giải Ba cuộc thi Sonetana ở Praha (Tiệp Khắc), nơi bà đã lấy bằng đại học về bộ môn này.
Lễ viếng NSND Thái Thị Liên sẽ được tổ chức từ 7h30 ngày 4/2 tại Nhà tang lễ Quốc gia (5 Trần Thánh Tông, Hà Nội). Lễ truy điệu và lễ đưa tang diễn ra vào 8h45 cùng ngày.
4. Trong quá trình giảng dạy, điều quan trọng nhất mà bà không quên là trong giáo trình dương cầm ở Việt Nam phải có những tác phẩm Việt Nam chuyển soạn cho dương cầm từ dễ cho trẻ nhỏ dễ học, cho đến những chuyển soạn công phu cho những nghệ sĩ biểu diễn thực thụ.
Vậy là bắt đầu từ những bài luyện tay bằng những giai điệu dân ca, bà đã đặt nền móng cho những viên gạch đầu tiên trong công cuộc "ngũ cung hóa" phương pháp học dương cầm - một nhạc khí vốn định hình để chơi hệ thống âm nhạc thất cung của phương Tây.
Hai tập sách giáo khoa đầu tiên về dương cầm do người Việt Nam xây dựng đã hình thành trộn lẫn giữa những bài nước ngoài chọn lọc với những tiểu phẩu chuyển soạn dân ca Việt Nam. Nhờ sự tận hiến suốt 20 năm cho Khoa Dương cầm, bà còn tạo nên một cái nền vững chãi cho việc đào tạo dương cầm ở Việt Nam. Sau khi bà nghỉ giảng dạy thì lại đến thế hệ học trò của bà kế tục. Cứ thế, ngành biểu diễn dương cầm phát triển không ngừng, đạt những thành tựu đáng trân trọng của nhiều thế hệ nghệ sĩ. Riêng Đặng Thái Sơn còn đào tạo nên những nghệ sĩ biểu diễn dương cầm nổi tiếng ở các nước khác.
Bà Liên cứ thế tận hiến lặng lẽ, không ồn ào với đam mê, với giấc mơ bỏng cháy của mình. Ở trong giới âm nhạc Việt Nam, bà luôn luôn được nể trọng và trân quý. Cứ thế, bà đã được hưởng những phút giây thăng hoa khi con trai Đặng Thái Sơn đoạt giải Nhất cuộc thi F.Chopin. Rồi đến cô học trò Tôn Nữ Nguyệt Minh. Và rồi đến, rồi đến, biết bao thành công của các thế hệ sau…
Bà cứ thế, cứ luôn tâm niệm "Đời là một giấc mơ" như một tác phẩm dương cầm mang tên ấy của F.Liszt - nhà soạn nhạc thiên tài người Hungary - mà lúc nào nghe bà tấu lên, tôi cũng thấy được sự đồng cảm sâu sắc, sự đốn ngộ của một thiền sư trong tiếng dương cầm như bà.
Cứ thế, bà đi qua sinh nhật lần thất thập, lần bát tuần, lần cửu tuần và hơn hết là lần "trăm tuổi". Bà là một trong không nhiều phụ nữ Việt Nam được trời ban cho tuổi thọ hiếm hoi đến thế. Trước Tết Quý Mão, Đặng Thái Sơn có về Hà Nội, thăm mẹ Liên và đưa mẹ Liên cùng đi xích lô vòng quanh Bờ Hồ. Có lẽ linh cảm đã cho Sơn hiểu, đấy là những kỷ niệm cuối cùng trên dương thế của người mẹ thân yêu. Và quả đúng vậy, bà đã có một mùa Xuân cuối cùng ở tuổi 106 vui vầy cùng con cháu và chọn ra đi trong ngày "Thần tài" như một khối vàng ròng gửi vào di sản nghệ thuật Việt Nam, nhất là nghệ thuật biểu diễn dương cầm.
Học trò bà mãi không quên bà. Người Việt Nam, nhất là người Hà Nội mãi không quên bà khi đã từng nghe bà biểu diễn dương cầm ở nhà hát thành phố, Câu lạc bộ quốc tế, Câu lạc bộ Đoàn Kết, trụ sở Hội Nhạc sĩ Việt Nam v.v…
Xin kính biệt bà trước một sự ra đi đầy viên mãn!
"Có thể đặt ra một câu hỏi: "Nếu không có bà Thái Thị Liên thì liệu ngành biểu diễn dương cầm Việt Nam có được thành tựu như ngày hôm nay không?". Người duy ý chí và thiếu hiểu biết sẽ nói rằng: "Không có người này sẽ có người khác. Nghệ thuật vẫn phát triển". Nhưng với riêng tôi thì câu trả lời là "Không". Nếu không có một giấc mơ như bà Liên thì không thể nào có được hiện thực đáng trân trọng hiện nay với ngành biểu diễn dương cầm ở Việt Nam" – nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha.