Vĩnh biệt nhạc sĩ Phó Đức Phương: Gác 'Mái chèo thiên thu' (*)
(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 19/9, ngày bão rớt mưa rả rích, tôi về quê Phan Lạc Hoa, thắp hương lần thứ 38 ngày từ trần của bạn. Quá trưa, chắc giữa giờ Mùi thì biết tin một người bạn nữa thuộc thế hệ 4X cũng vừa tạ thế ở tuổi 77 - nhạc sĩ Phó Đức Phương. Tin buồn khiến những giọt mưa đã nặng lại càng nặng hơn. Một ký ức từ quá vãng băng ngược thời gian ập vào tâm trí tôi.
1. Đó là một đêm cuối Xuân năm 1979, tôi đến thăm nhạc sĩ Nguyễn Mạnh Thường tại một căn buồng khu tập thể Trung Tự, thấy ngồi trước bàn một chàng trai trẻ trung, tóc bồng bềnh như tóc thi sĩ Xuân Diệu, ông Thường chìa tay giới thiệu: “Đây là Phó Đức Phương, các bạn quen nhau chưa?”. Tôi thấy gai người. Trời ơi! Thì ra đây là tác giả của Những cô gái quan họ và Hồ trên núi cùng Tình ca những công trình nổi tiếng mà mình hằng mến mộ. Chúng tôi đã bắt tay nhau. Bàn tay Phương ấm áp và tin cậy.
Những tiếp xúc ban đầu thường để lại những ấn tượng sâu sắc. Có người nghe tiếng tăm, ta rất thèm được tiếp xúc. Nhưng đến khi tiếp xúc, ta rơi vào thất vọng. Nhưng có trường hợp, càng tiếp xúc càng tăng thêm yêu mến và thân thiết.
Tôi với Phương may mắn đã gặp nhau như thế và trở thành bạn hữu mấy chục năm nay. Khi ấy, Phương mới từ biên giới phía Bắc về cũng như tôi, chỉ khác, anh về từ Lạng Sơn, còn tôi về từ Cao Bằng. Khuôn mặt trầm thoáng buồn của Phương đến bây giờ vẫn không thay đổi.
Khi biết tôi cũng từ biên giới trở về, Phương thủ thỉ chuyền trò đồng cảm hơn. Và chỉ sau ít phút, Phương đập tay lên bàn hát ngay một sáng tác mới của mình - bài hát Takano nhân chứng quả cảm. Bài hát ngợi ca Takano - một phóng viên báo chí người Nhật đã hy sinh trong những tháng ngày khốc liệt ở biên giới. Nét dân ca Nhật được ánh lên long lanh tựa những giọt nước mắt khi khúc xạ qua tâm hồn Phó Đức Phương. “Ơi Isayo Takano (ơ), chiều nay tôi đứng đây nghe lưng trời gió nổi...”.
Sau đêm sơ ngộ, qua thời gian, chúng tôi trở thành bạn đồng hành trong suốt những năm tháng dâng hiến cho âm nhạc.
- Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Người chân quê trong đời thường và âm nhạc
- Nghe lại những ca khúc gắn với tên tuổi nhạc sĩ Phó Đức Phương
- Nhạc sĩ Phó Đức Phương qua đời ở tuổi 76
2. Sinh năm Giáp Thân 1944, Phó Đức Phương đã có những năm đầu thanh xuân như mơ. Một thanh niên Hà Nội 18 tuổi đã thi đỗ vào Khoa Toán, Đại học Sư phạm thì đó là một sự trưởng thành cực kỳ suôn sẻ thời ấy. Nhưng tình yêu bỏng cháy với âm nhạc đã khiến Phương đi đến một quyết định táo bạo và độc đáo.
Năm 1966, khi gần tốt nghiệp, Phương xin thôi học với lý do hoàn cảnh gia đình và trở thành nông trường viên nông trường Cửu Long (Hòa Bình). Từ nơi ấy, Phương thi vào trường Âm nhạc Việt Nam và trúng tuyển hệ trung cấp sáng tác.
Lúc đó trường sơ tán lên Hà Bắc (thuộc Bắc Giang hôm nay). Và ở đây Những cô gái quan họ đã ra đời. Tôi nhớ khi đó chừng năm 1967, giữa kỳ chống Mỹ ác liệt, giữa nhưng giai điệu chói gắt chất anh hùng ca, Những cô gái quan họ xuất hiện trên làn sóng điện hệt như một dòng suối mát lành, chảy qua một khu đồi trơ sỏi đá. Ngay lập tức, cái tên Phó Đức Phương đã in vào tâm trí những người mến mộ âm nhạc.
Dù âm hưởng anh hùng ca vẫn là âm hưởng chủ đạo của thời ấy, nhưng Phó Đức Phương không có tạng của một nhạc sĩ cổ động. Những sáng tác như: Pleiku ơi- hãy nghe (thơ Thái Giang), Ác mộng Xê Pôn của Phương đã nhanh chóng chìm vào quên lãng thì đột nhiên vào khoảng năm 1974, cái tên Phó Đức Phương được nhắc đến bởi ca khúc Hồ trên núi - một ca khúc mà nhạc sĩ Nguyễn Cường thường gọi là “ca khúc ét-xăng” (ca khúc được tinh cất như xăng).
Không chỉ Nguyễn Cường mà bậc thầy Hoàng Vân cũng công nhận như thế. Ngay cả những người lính chiến trường như tôi cũng mê mẩn Hồ trên núi khi nghe Quang Phúc hát qua chiếc đài bán dẫn. Sau đó, vào mùa Xuân thống nhất 1976, lại nghe Tình ca trên những công trình vừa mang nhịp điệu nhạc điệu trẻ, vừa vang lên âm hưởng Thế giới mới của Dvorak, thì Phương bắt đầu trở thành huyền thoại trong giới trẻ thời hậu chiến.
"Hồ trên núi" qua giọng hát của Anh Thơ:
Tôi hay đùa gọi Phương là “nhạc sĩ của những cái hồ”. Quả thật, sau Hồ trên núi, thập niên 1980 lại cho Phương thăng hoa tiếp Huyền thoại Hồ Núi Cốc và Một thoáng Tây Hồ. Chữ Tây Hồ bây giờ đã trở thành một quận nội thành Thủ đô Hà Nội.
Giai điệu Phó Đức Phương vờn tỉa nhưng luyến láy dân ca chẳng khác gì nét vẽ Nguyễn Tư Nghiêm trong những bức tranh hồn cốt dân tộc. Tôi nhớ năm 1997, lần đầu tiên trong chương trình Một thập kỷ tình khúc trình diễn tại TP.HCM, Mỹ Linh đã hát to Trên đỉnh Phù Vân trước sự tán thưởng trầm trồ của công chúng. Đây là những năm tháng thăng hoa trong sự “chín” của sáng tạo với Chảy đi sông ơi, Bên dòng sông cái, Người đi Tam Đảo Ngũ Hồ, Không thể và có thể, Về quê, Khúc phiêu ly... Một sự nghiệp sáng tạo âm nhạc đồ sộ, đáng nể phục.
3. Giữa lúc đang “chín” như thế, Phó Đức Phương lại rẽ sang một lối đi khác khá bất ngờ. Nhìn cảnh nhạc sĩ bị xâm phạm bản quyền ngày càng nhiều, Phương đã cùng anh em cộng sự lập ra Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam từ năm 2002 (sau nhiều năm tích cực chuẩn bị). Bất ngờ hơn, từ một người không uống rượu, Phương trở thành một “tửu đồ” đáng nể đến mức viết ra được một Tửu ca đầy thần thái.
Cùng những năm tháng ấy, chúng tôi càng gắn bó bên nhau hơn. Tất cả cũng là vì sự phát triển chung của nền âm nhạc Việt Nam hiện nay. Phương đã tự gác lại đam mê sáng tác âm nhạc của mình để gây dựng nên một nơi đòi quyền lợi cho tác giả âm nhạc suốt gần 20 năm liên tục. Đến khi Trung tâm đã ổn định, Phương mới bàn giao lại cho thế hệ trẻ để quay về với niềm đam mê của mình. Lại vẫn dòng chảy cũ tuôn trào. Không ngờ trong niềm hứng khởi ấy, bạo bệnh đã ập đến với người nhạc sĩ giàu lòng lạc quan này. “Tuổi già đến, những bước chân xuống thang” - câu thơ Văn Cao đã thấm đến thế hệ chúng tôi. Suốt những tháng qua, Phương thì điều trị bạo bệnh, còn tôi thì cũng vật vả điều trị đôi chân của mình. Chúng tôi chỉ chia sẻ qua điện thoại di động mà thôi.
Mới ít ngày trước, chúng tôi đã đầy thương tiếc chia biệt với nhạc sĩ Phó Đức Vạn - anh ruột của Phương và cũng cùng chung một căn bệnh hiểm nghèo. Còn đến hôm nay, lại nghẹn ngào những dòng vĩnh biệt người bạn thân thiết Phó Đức Phương.
Mùa Thu lại đến, còn tác giả nhạc phim Trăng rằm thì đã vào giấc mộng thiên thu. Mùa này 38 năm trước chúng tôi đã mất Lạc Hoa. Còn bây giờ là sự ra đi vĩnh viễn của Phó Đức Phương. Tin buồn đến làm bật khóc tận đáy lòng.
(*) Tên một ca khúc của Phó Đức Phương
Nguyễn Thụy Kha