Vĩnh biệt nhà văn Nguyễn Xuân Khánh: Một niềm tin, yêu thật lòng
(Thethaovanhoa.vn) - Xin thưa ngay rằng tôi không được coi là chỗ giao du gần gũi với nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, người mà trong các câu chuyện văn chương thường ngày chúng tôi hay gọi là cụ Khánh. Bởi, cụ thuộc bậc “trưởng thượng” trong làng văn, cỡ bằng tuổi phụ huynh tôi. Bởi cụ là nhà văn thuộc thế hệ trước chúng tôi nhiều lắm…
Khi cụ Khánh mới cầm bút viết văn, chúng tôi vẫn đang cởi truồng tắm sông và ngày ngày đội mũ rơm đi học ở một vùng quê xa xa Hà Nội… Tuy nhiên, sau này theo đòi chữ nghĩa, lại ở chỗ đào tạo nghề viết văn nên nhiều phen kỳ cuộc được gặp cụ (PGS-TS Văn Giá, tác giả bài viết, từng nhiều năm là Trưởng khoa Viết văn - Báo chí, Đại học Văn hóa Hà Nội - TT&VH).
Mỗi lần gặp cụ, tôi không dám gọi cụ bằng anh giống Phạm Xuân Nguyên (với lão họ Phạm này thì từ cụ Dương Tường, cụ Phạm Toàn… đều là anh hết; lão là chỗ thân tình nên được quyền gọi thế), mà cứ một mực bác/cháu lễ phép. Ừ, dẫu sao mình cũng làm nghề dạy học mà. Vả lại, trông cụ Khánh lúc nào cũng toát lên cái chất nho nhã, khoan hòa, lịch sự, điềm đạm, nghe nhiều hơn nói, chỉ nói và nói vừa đủ khi cần thiết; giống ông giáo hơn là một người nghệ sĩ.
Thành ra, mỗi lần gặp cụ Khánh, tôi ngắm nghía, lắng nghe cụ hơn là góp chuyện. Tôi vẫn cứ tâm niệm rằng mỗi lần gặp những con người như cụ Khánh được xem là một điều may mắn. Gọi theo nhà Phật, đó là những cuộc hạnh ngộ do tùy duyên/đủ duyên mới được gặp và gặp được…
***
Trong những giờ lên lớp cho sinh viên ngành viết văn, tôi hay nói về nhà văn Nguyễn Xuân Khánh. Đủ thứ chuyện. Chuyện về cuộc đời. Chuyện về tác phẩm. Chuyện về những chuyện mà tôi được nghe nhà văn nói đó đây… Bây giờ ngồi hình dung lại, tôi hay nói về mấy điều mà tôi thường nghĩ về cụ Khánh.
Điều đầu tiên tôi bảo dường như nhà văn là cứ phải có số phận thì viết mới hay được. Không phải ai cũng có số phận đâu. Anh nào sống “sướng” quá, đủ đầy quá là thường không viết được. Anh nào có cuộc đời bằng phẳng quá, suôn sẻ, trơn tru quá cũng không viết được. Anh nào luôn hài lòng về cuộc sống, lúc nào cũng cười hơn hớn theo kiểu tự mãn quá cũng không viết được… Cái anh nhà văn có một số phần bị bầm dập, quăng quật lên bờ xuống ruộng, thậm chí khốn khổ khốn nạn thì mới có đủ trải nghiệm, đủ cô đơn, đủ cay đắng mới viết được. Văn của anh lúc ấy mới có tận cùng đủ vị của cái cuộc đời thập loại chúng sinh này.
Dĩ nhiên, các nhà văn và cả bạn đọc không ai muốn nhà văn cứ phải khổ. Nhưng cái không muốn ấy lại có ưu thế làm nên văn chương hơn là những cái bình thường, tròn trịa. Văn chương không bao giờ được đẻ ra từ cái tẻ nhạt.
Cụ Khánh là một trong số không ít các nhà văn của thế hệ ông bị những cơn bão độc của cuộc đời vây khốn. Khi việc viết lách khó khăn, ông đã phải làm đủ thứ nghề để mưu sinh, từ việc làm thợ may, kiếm bèo, nuôi lợn đến việc dịch thuê… Ông cho biết, những ngày đi dịch thuê tài liệu cũng là dịp được tiếp xúc với đủ thứ của phương Tây, nên ông học được nhiều, cập nhật được nhiều những tri thức hiện đại của thế giới, nhờ thế không bị lạc hậu.
Điểm thứ hai mà tôi hay tâm sự với sinh viên là nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đạt được một tinh thần tự do nội tại; và nhờ vậy, ông vượt lên được những giáo điều, định kiến, khuôn thước để có một cái nhìn, cách sống, cách viết khai phóng, hướng tới những giá trị phổ quát, nhân bản. Để có được điều này không dễ chút nào. Người viết phải có một nền tảng triết - mỹ vững vàng, sự am hiểu văn hóa dân tộc và nhân loại sâu rộng, và sự thụ đắc thâm hậu gần như là sự giác ngộ mới có thể có được. Khi đã đạt tới tự do nội tại này thì người viết mới viết lên sự thật được. Nếu còn e dè, còn lấn cấn, còn sợ hãi vu vơ; hoặc rơi vào căn bệnh tự huyễn hoặc, thấy mình là nhất, là quan trọng… thì những trang viết sẽ không đạt tới sự thật, cái thường được gọi là sự chân thực nghệ thuật.
Đọc văn của cụ Khánh thấy hiện lên những phận người cụ thể, tiêu biểu cho những kiếp người đi qua những khung cảnh đời sống có khi nhếch nhác, đầy rẫy những nghi kỵ, những nỗi sợ, những hiểm nguy; hoặc những làng quê đặc biệt gần gũi, đầy phong vị về lịch sử và văn hóa cội nguồn. Nếu không đạt tới sự thật, các trang văn dễ rơi vào tình trạng nhạt và giả. Nguyễn Xuân Khánh luôn chống lại những điều này. Văn ông viết dung dị, co duỗi thoải mái, tự nhiên, thế mà lại sâu sắc, ý vị, gợi dẫn.
Cũng là từ hệ quả của điểm thứ hai, tôi muốn nói đến điểm thứ ba, nhà văn và tác phẩm phải có tư tưởng. Tư tưởng trong nghệ thuật trước hết được hiểu là điều mà nhà văn tha thiết nhất, dằn vặt nhất về con người, và thao thức muốn biểu đạt nó trong tác phẩm. Điều này tôi cũng được nghe cụ Khánh nói đôi lần. Nhà văn cho rằng trước khi viết tác phẩm, anh phải nghĩ đặt ra một vấn đề gì đó, nó là cái tư tưởng chung, khái quát ban đầu; sau đó mọi thứ chất liệu đang như thể hỗn mang mới “châu tuần” (chụm) lại; cộng với sự liên tưởng nữa, tha hồ liên tưởng, miễn là nó phục vụ cho cái tư tưởng trên kia; tuy nhiên không phải viết theo lối gò bó, mà khi anh đã nghĩ chín, thì mọi cái nó đến thật mềm mại, tự nhiên… Như vậy, vấn đề rốt cuộc là nhà văn có tư tưởng hay không, và khi có rồi thì lại phải biểu đạt nó bằng cái gì và cách gì - cả 2 đều quan trọng, phụ thuộc vào tài năng của mỗi người cầm bút.
Về điểm này, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh chủ động đầu tư ghê lắm. Chuyện ngõ nghèo (Trư cuồng) là câu chuyện con người bị tha hóa, “Trư hóa” trong một bối cảnh xã hội đói khổ, bệ rạc, đánh mất dần phẩm giá và tư thế làm người. Hồ Quý Ly là câu chuyện ứng xử vật vã của trí thức đối với vận nước trong những cơn tao loạn của lịch sử. Mẫu Thượng Ngàn, Đội gạo lên chùa là câu chuyện đan xen và chuyển hóa giữa văn hóa ngoại lai và văn hóa bản địa (trong các biểu hiện của tâm linh và lịch sử cộng đồng làng Việt, người Việt, người nữ Việt, sức sống Việt…)... Đấy, ông luôn suy tư và bị dày vò bởi những điều lớn lao và sâu xa như vậy. Có được điều này, những cái nhà văn viết ra sẽt ránh được sự sa đà vào những thứ lụn vụn, lặt vặt, “tấm mẳn” (chữ của Chế Lan Viên).
***
Nói với sinh viên thì nhiều điều ở nhiều chỗ, nhiều lần khác nhau. Nhưng ở trong bài viết nhỏ này, điều cuối cùng tôi muốn nhấn mạnh là ý thức và khả năng học/tự học của người làm nghề viết.
Cụ Khánh vốn tốt nghiệp trường thuốc (Trường Đại học Y), sau bỏ ngang đi bộ đội, rồi làm báo. Viết văn từ những năm 1960. Ông có tiếng Pháp, và được nâng cao trong công việc đọc và dịch thường xuyên. Ông lại đọc Đông, Tây kim cổ đủ thứ. Ông đọc và dịch cả các công trình nghiên cứu (Tâm lý học đám đông - một quyển sách rất có giá trị của Gustave Le Bon).
- Nguyễn Xuân Khánh với sự bất ngờ, mới mẻ trong văn chương
- Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh: Tự do trên “sân chơi” tiểu thuyết lịch sử
- Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh với “Đội gạo lên chùa”
Có lần ông chia sẻ về cách đọc của mình là nên đọc dần dần, có kế hoạch, từng mảng một, chứ không phải gặp đâu đọc đấy… Không có một trường đại học nào cung cấp đủ ngón nghề và năng lực cho sinh viên. Trong nghề học viết văn lại càng vậy. Nếu không chịu đọc, chỉ có tí năng khiếu ăn dần hết, cụt vốn, rồi sẽ chẳng có gì đáng kể để mà viết nữa. Như cái cây hết dưỡng chất, làm sao có khả năng vươn cao và tỏa bóng được.
Có lần, hình như trong cuộc ra mắt tác phẩm dịch nào đó của nhà thơ, dịch giả Dương Tường, tôi được gặp nhà văn Châu Diên (Phạm Toàn) và nhà văn Nguyễn Xuân Khánh. Các ông đều là bạn hữu của nhau trong 40 - 50 năm trời, đều là những tài năng có nhiều đóng góp cho nền văn học, văn hóa xứ này. Sau khi các cụ phát biểu, người MC mời tôi lên nói đôi lời về cụ Dương Tường.
Tôi nhớ, tôi chỉ nói cái ý thế này: Văn chương thời bây giờ cơ bản là nhốn nháo, nhốn nháo người viết, nhốn nháo tác phẩm, nhốn nháo giá trị (Nguyễn Huy Thiệp bảo là tình trạng “loạn cờ”), nhiều khi không còn biết tin vào ai/cái gì. Vì vậy, nhìn vào những cách mà 3 cụ (Dương Tường, Phạm Toàn, Nguyễn Xuân Khánh) sống, những lời các cụ nói, những việc các cụ làm được, thế hệ đàn em chúng tôi có chỗ để trông vào… Các ông đã mang lại cho tôi niềm tin đó.
Đến bây giờ tôi vẫn nghĩ như vậy. Một niềm tin và yêu thật lòng, cụ Khánh ạ.
Khi nói điều này, tôi không thấy mình bị rơi vào… “Miền hoang tưởng”.
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh qua đời ngày 12/6/2021, hưởng thọ 88 tuổi. Ông từng đoạt giải cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam 1998-2000 cho cuốn Hồ Quý Ly, giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội năm 2006 cho cuốn Mẫu Thượng Ngàn, giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2011 với tiểu thuyết Đội gạo lên chùa, giải Thành tựu văn học trọn đời năm 2018 của Hội Nhà văn Hà Nội. |
PGS- TS Văn Giá