Vĩnh biệt nhà thơ Y Phương: 'Tiếng hát tháng Giêng' đã cất vào 'ruột đá'
(Thethaovanhoa.vn) - Nhà thơ Y Phương, tác giả của bài thơ nổi tiếng Nói với con trong SGK Ngữ văn 9 đã qua đời ngày 9/2 vừa qua. Là tác giả của 9 tập thơ, trường ca, chưa kể các thể loại khác, nhưng bao trùm lên tất cả sáng tác cũng như phẩm cách con người ông là một niềm tự hào mãnh liệt về văn hóa của “Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương”.
1. Nhà thơ Y Phương tên thật là Hứa Vĩnh Sước sinh ngày 24/12/1948 trong một gia đình nông dân người dân tộc Tày ở xã Lăng Hiếu, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng.
Thân phụ anh là cụ Hứa Văn Cường được học chữ Nho, chữ Nôm Tày, có đôi lần làm thơ vịnh cảnh, nhưng chủ yếu làm thơ khóc ma vì ông làm thầy tào và chữa bệnh điên cứu người. Là nhà Nho, ông thường nói với con câu tục ngữ Tày “Ngần chèn táng tôm nhả, tha nả táng xiên kim” (Tiền bạc như đất cỏ, mặt mũi đáng nghìn vàng). Khi nào anh ngỏ ý muốn xin tiền, cụ nhắc đi nhắc lại “Tiền ở trong sách”. Có sách là có tất cả. Ông ví sách như những cánh đồng. Hãy đọc, hãy học theo sách. Sách là mục đích của cuộc đời mỗi con người. Trong tâm thức người con, cha anh hiện lên là một nhà Nho cực kỳ yêu thích sách:
- Người ta bắc cầu bằng tre, bằng nứa, bằng gỗ
Cha tôi
Bắc cầu qua sông bằng chữ”
(Bắc cầu)
- Đêm nối đêm chong đèn đọc sách
- Và cha tôi
Đêm đêm
Chong đèn
Ngồi nhiu nhiu đọc sách
(Chín tháng)
Ngày bé, cậu bé Sước hiếu động đã theo cha gõ trống, đánh não bạt trong các đám ma. Cậu cũng đã từng ước ao có được những phép thuật của thầy tào, học được những bài thuốc của cha, nhưng nhìn thấy số mạng Vĩnh Sước không hợp nghề đó, cha nói: “Thầy biết con là người nóng tính, ham hố nhiều như tóc. Riêng 2 điều đó không thể học được để làm thầy tào”. Cha tôn trọng thiên hướng bẩm sinh và bài học đầu tiên là dạy con là tiết tháo nhà Nho:
“Không bao giờ quỳ gối và nói lời cong”
“Con phải sống thẳng băng như đường mực”
Thân mẫu anh là bà Nông Thị Lộc sinh ra ở cùng huyện Trùng Khánh. Bà tuy không biết chữ, nhưng tính toán làm ăn rất giỏi và đặc biệt trong bà chứa một kho truyện cổ dân gian Tày.
Là một người bản lĩnh, quyết đoán, mẹ luôn khích lệ con trai lòng can đảm, ý chí phấn đấu vươn lên, quý trọng tinh thần tự chủ: "Tốc đin rà mạ tấc. Tốc đin than mạ mè" (Sống tại đất mình thành ngựa đực. Sống ở nơi người là ngựa cái). Mẹ luôn răn dạy cậu con trai: “Hãy giữ mình như giữ lửa/ Cứ ngồi ngay/ Đừng sợ bóng người cong” (Chín tháng); phải biết sống đẹp, tự tin, ngẩng cao đầu kiêu hãnh “Không bao giờ nhỏ bé được nghe con” (Nói với con).
Ghi nhớ lời mẹ, anh đã gửi thông điệp đó vào bài thơ Nói với con. Từ năm 2005, bài thơ được đưa vào chương trình văn học lớp 9 phổ thông và từ đó tên tuổi Y Phương đến gần hơn với công chúng, với giáo viên, với học sinh và những người yêu thơ.
Thời ấu thơ sống trên đá, thở trong đá, làm bạn với với đá"không chê đá gập ghềnh". Sau này cái tên Y Phương đã trở thành tên tuổi quen thuộc trong làng văn chương, tâm sự của anh vẫn là nỗi niềm thủy chung với đá: “Tôi nói với núi đá. Núi đá vọng lại. Tôi hát với núi đá. Núi đá vọng lại. Chúng tôi thân thiết nhau gần bảy chục năm trời. Nay tôi đang trở thành người già. Còn núi vẫn... non”.
Tình yêu quê hương Cao Bằng lúc nào cũng da diết khôn nguôi. Mới nhớ cái ngày bắt đầu rời làng Tày nhập ngũ, chàng trai làng Hiếu Lễ cứ xanh bềnnỗi nhớ quê hương, gia đình. Khi được cấp trên thưởng phép, chàng trai Tày đã quyết định đạp xe đạp gần 400 cây từ Hà Nội về Trùng Khánh. Anh đạp xe mải miết trong suốt 4 ngày (đêm nghỉ nhờ nhà dân, ngày băng băng vượt đèo, leo dốc). Ngày thứ tư, gần về đến nhà, anh đói lả, nằm ngất lịm bên tảng đá rìa đường. Đúng lúc đó có một đám rước dâu đi qua. Nhìn thấy anh bộ đội ngất nguột, mệt rũ, đói lả bên đường mới dừng lại. Không ngờ, đám rước dâu ấy lại là người nhà. Không sợ xui xẻo, đám rước dâu đã khẩn trương dừng lại “cấp cứu” kịp thời…Tình yêu và lòng tự hào về quê hương, dân tộc mình cứ đậm đà, đắm đuối, tha thiết là thế…
“Tôi đã phải bỏ đi cả trăm con chữ long lanh chỉ để có được một dấu phẩy sinh động tươi rói…” (nhà thơ Y Phương) |
2. Văn chương đã quyết định số phận của chàng trai Tày ở làng Hiếu Lễ xa xôi. Từ đó, Y Phương khẳng định một “thương hiệu” thi ca trên văn đàn và tên tuổi nhà thơ Tày “tự đục đá kê cao quê hương” đã góp sức làm phong phú sự nghiệp văn học dân tộc thiểu số và nguồn nước đó đổ ra hòa cùng dòng sông rộng lớn văn học nước nhà.
Ngày 16/4/1968, chàng trai làng Hiếu Lễ rời quê hương, trở thành anh bộ đội, được biên chế tiểu đoàn 4, sư đoàn 305 binh chủng Đặc công. Sau thời gian huấn luyện ở miền Bắc, anh vào chiến trường B2… Khi miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, việc đầu tiên anh nghĩ tới là tiếp tục con đường học vấn dang dở. Từ mặt trận Đông Nam Bộ trở về làng ngoài chiếc “ba lô con cóc to bè trên lưng”, Hứa Vĩnh Sướckhuân về một tải sách nặng. Anh gặp cha và đứa cháu ở chợ. Người cha đứng lặng, trân trân nhìn con ầng ậng nước mắt. Một nỗi xúc động dâng trào khi người con trai duy nhất của ông may mắn sống sót trở về, lại mang theo hành trang sách.
Bà con làng Hiếu Lễ đến chia vui với gia đình và rất lấy làm ngạc nhiên anh bộ đội hôm nay là cái thằng bé Sước “trán dô”, “mũi khoằm” hiếu động của làng ngày xưa từ miền Nam ra không mang khung xe, radio…như nhiều người thời đó, mà ngoài con búp bê “biết khóc, biết chớp chớp mi” cho đứa cháu thì… chỉ có sách.
Nguồn sách ấy theo Hứa Vĩnh Sước, chắp cánh tình yêu văn chương cho người trai Tàyhối thúc anh hiện thực hóa tình yêu và anh đã chờ vào học Trường Viết văn Nguyễn Du. Không để thời gian nghỉ, trong khoảng thời gian chờ đợi vào trường, năm 1976, anh thi vào Trường Điện ảnh Việt Nam (này là Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội)…
Với quan niệm, “Văn chương là một việc làm trả ơn những người sinh thành và nuôi dưỡng mình”, kể từ năm 1973, anh lặng lẽ sáng tác, lặng lẽ thử nghiệm và không ngừng lao động sáng tạo để có thể công bố khối lượng tác phẩm đáng tự hào. Tên tuổi anh gắn với Mùa hoa bội thu những giải thưởng: Giải A cuộc thi thơ Tạp chí Văn nghệ Quân đội 1984; Giải thưởng loại A của Hội Nhà văn Việt Nam (1987) với tập thơ Tiếng hát tháng Giêng; Giải A của Hội đồng Văn học dân tộc - Hội Nhà văn Việt Nam với tập thơ Lời chúc; Giải B của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Giải B của Bộ Quốc phòng với trường ca Chín tháng (2001); “cú đúp” giải thưởng năm 2016 cho 2 cuốn sách: Thơ song ngữ Vũ khúc Tày (Giải thưởng văn học Hội Nhà văn Việt Nam), Fừn Nèn - Củi Tết (giải B của Hội Văn học nghệ thuật Dân tộc thiểu số Việt Nam). Và năm 2007, “Người trai làng Tày” đã vinh dự nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (đợt 2, năm 2007).
Hứa Vĩnh Sước - Y Phương - đã trở thành nhà thơ có phong cách riêng bởi sự ý thức đi tìm cái mới, cái độc đáo. Với anh, sáng tác văn chương nghệ thuật không mới, không độc đáo thì khó lòng tạo được dấu ấn, thu hút được độc giả và không thể có chỗ đứng, có đời sống trong lòng công chúng. Văn chương với anh là “một thứ chơi. Chơi cho mình thích và cho người ta thích”. Lao động sáng tạo mang dấu ấn cá nhân đậm nét và không bao giờ là dễ dàng như kiểu vận hành sản xuất để ra sản phẩm hàng loạt. Anh tâm sự: “Khi con tim không rung, đôi tay không buồn, cầm cây bút sao nổi. Cầm bút không nổi lấy đâu ra thơ ca. Người ta phải yêu tiếng mẹ đẻ cái đã. Yêu hết mình mới có thơ ca. Yêu từ tim gan bên trong xương thịt mình. Cảm xúc sáng tạo không phải là thứ đặt hàng”.
- Nhà thơ Y Phương - người viết 'Tiếng hát tháng Giêng' - qua đời ở tuổi 74
- Nhà thơ Y Phương: Đội chiếu bóng số 1 ở chiến trường B2
- Nhà thơ Y Phương: “Nói với con” cũng chính là nói với lòng mình!
Trong cuộc sống, Y Phương là người thân thiện, dễ gần, nghiêm túc, trách nhiệm và cực khó tính với nghề: “Cuộc đời tôi sống và viết như tờ giấy này, có thể nhàu nát và rách nhưng không mất lề”. Anh thật thà bộc bạch: “Tôi viết như nã đạn súng kíp hàng trăm viên vào một con thú. Tôi yêu từng con chữ nhưng quyết khai tử những “xác chết của chữ nghĩa”, những non bấy nhạt nhòa không thương tiếc. Thậm chí tôi đã phải bỏ đi cả trăm con chữ long lanh chỉ để có được một dấu phẩy sinh động tươi rói…”.
Sự nghiêm túc với nghề khiến Y Phương đôi lúc hay làm khó cho mình. Trong quá trình tiếp biến văn hóa, anh luôn ý thức học hỏi và dĩ nhiên có thể chịu ảnh hưởng ít nhiềutừ một phong cách nào đó. Nhưng trách nhiệm với nghề khiến anh luôn tâm niệm “mình phải là mình”, phải có “chất bột”, phải biết thâu lượm kiến văn, phải biết nhuần nhuyễn hòa trộn máu thịt để tạo ra sản phẩm của mình.
Cùng đọc lại một số bài thơ của Y Phương (rút trong tập Vũ khúc Tày) TA VỀ NHÀ TA THÔI Mùa thu tới làng rồi Ta về nhà ta thôi Nhà ta ở chân đồi Có con suối nước gầy Chảy lè phè chân rạ Có con đường đất đỏ Xuyên qua như sợi chỉ Khâu tình yêu người đời Mùa thu tới làng rồi Ta về nhà ta thôi Lâu ta thèm hơi người Đói Ta ăn cơm muối Khát Ta uống sương đêm Thương Ta ôm con rơm Kìa mùa thu tới rồi Ta về nhà ta thôi Kẻo cốm trăng lỡ hẹn. LỬA CHỮ Cha ơi Con đón cha về đây Cha ngồi chiếc ghế êm này Để cho con được bón từng thìa cơm Múc từng thìa canh Món canh rau âu ngày xưa cha thích Ồ Nhưng mà Cơm đã nguội Canh đã lạnh Cả chục Cả trăm mùa âm dương cách biệt Cha gắng chờ để con hâm lại Ô hay Ngọn lửa sáng trên tay Bùng lên toàn chữ Chữ hiền như người đi cày Chữ lành như người đi bừa Chữ như bùa yêu con đeo trước ngực Cha ơi cha Có phải đây là thời khắc Cuộc đời con từ nay sang trang GỌI VÍA Ai có thấy vía tôi lang thang đâu không? Từ hôm lỡ đánh rơi bên vệ đường vía tôi quên đường về Thân xác này từng lên rừng xuống bể Gọi vía Ai có thấy vía tôi bám gió đu mây Một đời đói rách Một đời vá víu Một đời tả tơi túng thiếu Đừng trách Đừng Xin đừng... gì... hết... Giờ này Thân xác tôi mỏi mệt Vía ơi Ơi vía Về đi Về đi mà Về mau mà yêu nhau kẻo vía già. (Y Phương) |
(Còn nữa)
Nhà văn Lê Thị Bích Hồng