Vĩnh biệt nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo: Vời vợi tuổi thơ…
(Thethaovanhoa.vn) - Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo vừa qua đời vào tối qua, 7/1. Để chia sẻ với độc giả một góc nhìn về ông, Thể thao & Văn hóa (TTXVN) xin trân trọng giới thiệu bài viết của nhà văn Đỗ Phấn, một trong những người bạn của Nguyễn Trọng Tạo lúc sinh thời.
1. Cũng giống như rất nhiều khán thính giả đương thời, tôi nghe nhạc của Nguyễn Trọng Tạo, thụ động cũng có mà chủ động cũng nhiều. Chủ động là khi xem những chương trình ca nhạc về quê hương đất nước bao giờ cũng có những ca khúc Làng quan họ quê tôi, Khúc hát sông quê. Thụ động là lúc trà dư tửu hậu nơi quán xá. Thể nào cũng có vài ca sĩ chuyên và không chuyên cất giọng hát những bài ca đó của ông.
Thực ra thì có đến 70% ca khúc Việt thành công là sáng tác của những nhạc sĩ không chuyên. Cái không chuyên ở đây xin hiểu là họ không được học hành chính qui bài bản chứ không phải là dựa vào tài năng bộc phát. Tài năng bộc phát thường chỉ có 1 bài hoặc hơn chút ít. Không chuyên nhiều khi sáng tác cả trăm bài. Không ai biết đến cũng là lẽ thường. Nhưng rất may mắn. Nền âm nhạc của chúng ta mới chỉ dừng lại ở thể loại ca khúc mà thôi. Ai cũng có cơ hội để trở thành một ai đó.
Nguyễn Trọng Tạo không nằm ngoài danh sách những nhạc sĩ không chuyên tự học. Thậm chí ông còn chưa được học ở những lớp nghệ thuật quần chúng về âm nhạc. Nhạc cụ duy nhất mà bạn bè thấy ông chơi chỉ là hai chiếc đũa gõ lên bất kì thứ gì trước mặt. Nhưng chẳng sao cả. Lướt trên phím đàn piano như gió thổi mây bay không bao giờ là một dấu hiệu cho thấy chúng ta sắp có một nhạc sĩ. Cùng lắm chỉ có một thợ đàn mà thôi.
Nguyễn Trọng Tạo có một nhạc cảm kì lạ. Ông thả hồn vào dân ca và chắt chiu từng giai điệu. Lạ kì ở chỗ không chỉ dân ca Nghệ Tĩnh là nơi ông sinh trưởng. Ca khúc nổi tiếng đầu tiên của ông “Làng quan họ quê tôi” phỏng theo dân ca quan họ Bắc Ninh, vùng đất cách quê ông vài trăm cây số. Không những khúc thức, làn điệu vô cùng lạ lẫm mà sinh hoạt “quan họ” cũng gần như chẳng có liên hệ gì với dân ca Nghệ Tĩnh. Vậy mà ca khúc thành công. Tất nhiên, không thể phủ nhận bài thơ của Nguyễn Phan Hách đã là một gợi ý trọn vẹn.
- Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo qua đời ở tuổi 72
- Hồi phục sau tai biến, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo tiếp tục làm đêm nhạc 'Khúc hát sông quê'
2. Một cuộc rượu cách đây hơn chục năm ở nhà hàng côn trùng khét tiếng dưới quận Đống Đa, nhiều người trong đó có tôi được tiếp xúc với một Nguyễn Trọng Tạo nhạc sĩ. Trước đó, trong mắt bạn bè ngoại đạo ông hoàn toàn chỉ là nhà thơ. Không đến mức bất đắc chí nhưng thơ ca của ông đã có phần nghẹn ngào thế sự. Không còn nhiều khám phá vẫy vùng như hơn hai chục năm trước nữa.
Giờ thì điều ông quan tâm hơn cả là ca khúc. Với Nguyễn Trọng Tạo thì âm nhạc cũng đồng nghĩa với ca khúc. Ông nói không giấu diếm trong bữa rượu hôm ấy như thế.
Chúng tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Tạo hát bài Khúc hát sông quê lúc ấy đang rất thịnh hành. Thậm chí đi qua nhiều phòng ăn cũng thấy vẳng lên câu hát “Quá nửa đời phiêu dạt…”. Cũng phải nói lúc ấy người ta vẫn còn đang vui với những sinh hoạt văn nghệ thuần phác như vậy mà chưa bị biến tướng sang các sinh hoạt “chân dài chân ngắn”.
Nghe Tạo hát đến câu “…Vời vợi tuổi thơ một xu bánh đa vừng…” tôi đã không thể kìm lòng mà khen một câu rất thật bụng “Bác đã trở về với thơ, riêng câu này…”. Nguyễn Trọng Tạo mắt sáng long lanh thì thầm: “Cả bài là phỏng thơ Lê Huy Mậu nhưng riêng câu này bản quyền là của tôi”.
Ngạc nhiên, tôi về mở bài thơ của Lê Huy Mậu ra. Lại càng ngạc nhiên gấp bội. Đó chỉ là một trích đoạn trong trường ca Thời gian khắc khoải của Lê Huy Mậu mà thôi. “…Người còn nhớ chốn ta ngồi ngóng mẹ/ Phiên chợ Lường vời vợi tuổi thơ ta/ Sao ngày ấy ta dễ ngoan đến thế/ Mẹ cho ta một xu bánh đa vừng…”. Nguyễn Trọng Tạo đã rút gọn câu thơ đúng như cách một nhà thơ lão luyện sẽ làm. Và hơn thế, nó chính là ca từ ngắn gọn súc tích mà ca khúc nào cũng cần có.
- Nguyễn Trọng Tạo vẫn nồng nàn "Làng quan họ quê tôi"
- Nguyễn Trọng Tạo: Một đời sóng gió và trải nghiệm
- Nguyễn Trọng Tạo và những cái mới không hề gây “sốc”
Nhiều năm sau có dịp gặp Lê Huy Mậu tôi thấy ông cũng hào phóng khen bạn đúng như những gì tôi cảm nhận. Nhưng sự thật là có hai con sông của hai người khác hẳn nhau. Nguyễn Trọng Tạo quê Diễn Châu và Lê Huy Mậu quê Thanh Chương. Những dòng sông Việt có thể đi vào thi ca với những cái tên khác nhau nhưng hình như cư dân trong lưu vực những dòng sông ấy đều có những tâm tình máu mủ Lạc Hồng như vậy.
Bữa ấy, lần đầu tiên tôi được chứng kiến Nguyễn Trọng Tạo say. Một cách say mà ông giữ mãi cho đến tận những ngày cuối đời. Không hò hét mắng mỏ cũng chẳng bè nhè đọc thơ. Chỉ ngả lưng xuống sàn gỗ ngủ một giấc ngon lành như người vừa trả xong món nợ. Tiếng đồng hồ sau lại ngồi dậy bắt đầu như mới.
Vài nét về tác giả Nguyễn Trọng Tạo Sinh năm 1947 tại Nghệ An, Nguyễn Trọng Tạo được biết đến trên nhiều lĩnh vực: nhà thơ, họa sĩ, nhà báo. Ông là nổi tiếng với loạt ca khúc: Làng quan họ quê tôi, Đôi mắt đò ngang, Tình ca bên một dòng sông, Non nước Cao Bằng... và đồng thời cũng viết nhiều tập thơ, trường ca như Đồng dao cho người lớn, Nương thân, Thế giới không còn trăng, Con đường của những vì sao (Trường ca Đồng Lộc). Tháng 9/2017, live show giới thiệu những ca khúc và bài thơ tiêu biểu của Nguyễn Trọng Tạo đã được tổ chức tại Hà Nội và thu hút một lượng lớn khán giả. |
Đỗ Phấn - 7/1/2019