Vĩnh biệt nhà thơ, NGƯT Đặng Hiển: Từ 'Mẹ vắng nhà ngày bão' đến 'Đất thiêng'
(Thethaovanhoa.vn) - Nhiều người trong thế hệ từ 7x trở lại đây, dù không phải là học trò của thầy Đặng Hiển, nhưng đều có cảm giác rất thân thương khi nghĩ về ông, bởi tất cả đều đã biết đến Mẹ vắng nhà ngày bão trong sách giáo khoa, đều thấm thía cái tình cảm nồng hậu của gia đình thầy trong đó, mà đó cũng là cái nồng hậu trong ký ức tuổi thơ của chúng ta vào cuối thời bao cấp...
1. Sau này, thầy Đặng Hiển còn viết hơn 30 đầu sách. Có sách lý luận, nghiên cứu, bình giảng văn học, có truyện ký, còn thơ hay trường ca thì rất nhiều. Những tác phẩm của thầy đã tạo nên một bề dày mà ít có thầy giáo dạy văn phổ thông nào có thể bì kịp. Dù công việc chính của thầy là dạy học, nhưng “trường hoạt động” của thầy thì rộng khắp như một bậc “quốc sĩ” trong thiên hạ.
Từ khi nghỉ hưu, thầy vẫn ra sách, mà ra sách rất đều, rất dày. Nhưng, có lẽ cũng như không ít người hâm mộ, tôi luôn “đóng đinh” thầy vào bài thơ Mẹ vắng nhà ngày bão.
- Nhà thơ - NGƯT Đặng Hiển: 'Mẹ vắng nhà ngày bão' - 38 năm và mãi mãi
- Nhà thơ Đặng Hiển: Nâng niu hạt cát
Còn nhớ mới gần 1 năm trước, vào ngày 12/4/2019, tôi đến thăm thầy ở chung cư Vimeco, Hà Nội. Thầy mở ra một tờ giấy kiểm tra của học sinh, trên đó có chép bài thơ nổi tiếng của thầy bằng những nét chữ rất đẹp. Chắc chắn là 1 cậu học sinh tiểu học nào đó ở trong khu chung cư này đã sửng sốt khi biết cái ông già nhỏ thó vẫn đi lại chậm rãi dưới sảnh kia chính là tác giả Mẹ vắng nhà ngày bão trong sách giáo khoa mà nó đã học thuộc lòng. Nó đã trân trọng chép lại bài thơ bằng nét chữ đẹp nhất để tặng ông. Thầy chưa kể tôi cũng hình dung ra câu chuyện sẽ luôn là như thế.
Cũng chính trong buổi tối hôm đó, khi cầm trên tay tập trường ca Đất thiêng, đọc nhanh 2 chương, tôi còn sửng sốt hơn đứa trẻ kia khi nhận ra người thầy quen thuộc của tôi - Đặng Hiển - không chỉ có Mẹ vắng nhà ngày bão là "vốn liếng" để đời. Đất thiêng cho tôi thấy rằng thầy đã không dừng lại ở đỉnh cao Mẹ vắng nhà ngày bão mấy chục năm trước mà sừng sững hiện ra như núi đồi Vị Xuyên.
Tôi nhìn thầy, tuổi 80, mặc bộ đồ ở nhà nhăn nheo mà kinh ngạc. Kinh ngạc không phải vì tài năng mà vì khí lực tràn trề trong tinh thần. Thầy đã viết trường ca này trong hơn 4 tháng (22/12/2016 - 30/4/2017) và giành giải Ba, cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thương binh, liệt sĩ và người có công nhân do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức năm 2017, nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh Liệt sĩ.
2. Đất thiêng của thầy Đặng Hiển chân phương giản dị, đến nỗi đọc nhiều đoạn tôi hình dung rất rõ hình ảnh người thầy già, cả đời sống ở đồng bằng, quen đi lên bục giảng chứ không hề quen “phượt”, nay bước chậm rãi theo đoàn thực tế lên Hà Giang, ngạc nhiên trước cảnh núi sông hùng vĩ, đăm chiêu ghi chép những câu chuyện về trận mạc, mà thầy thì vốn chưa từng đi bộ đội. Nhưng thật ngạc nhiên, nguồn lực nào đã thúc đẩy cảm hứng anh hùng ca trỗi dậy mạnh mẽ trong tâm hồn của thầy? Những trận chiến khốc liệt mấy chục năm trước đã được tái dựng trong trường ca như những thước phim lịch sử bi tráng, oai hùng. Hình ảnh dữ dội, gân guốc, bỗng trầm xuống lạnh buốt cả người:
“Đồng đội tôi khi chết rồi, tiếng gọi Mẹ ơi, vách núi vẫn còn vang
Mẹ là mẹ sinh, cũng là mẹ Đất”
Thầy đã vượt qua những câu thơ mang tính biểu tượng về đất, về đá, về cát... trong sách giáo khoa mà thầy vẫn giảng dậy, để truyền khí lực mới cho những hình tượng quen thuộc đó. Có rất nhiều người viết về đá ở Hà Giang, trong thời chiến cũng như trong thời bình. Thầy đã vượt qua tất cả trong hai câu này:
“Đất của ta thì khi chết ta nằm
Đá của ta đắp người, đá không còn lạnh nữa”
Trong trường ca, thầy đã kết hợp giữa giọng trần thuật như đã từng thấy trong Mẹ vắng nhà ngày bão: “Có một chiếc ô tô của khách đến chung cư/ Cựu chiến binh Vị Xuyên phải đi ra xếp chỗ/ Mắt trinh sát dọc hàng ô tô đỗ/ Hướng dẫn khách vào thang máy số 1, 2/ Việc của anh chỉ có vậy thôi/ Nhưng được tuyển vào đây không phải là dễ...”. Rồi câu thơ chảy vào miền triết lý một cách tự nhiên theo cách rất Becton Brecht: “Chỉ có điều khi vào, anh không phải kể/ Những điều tôi vừa trần thuật trên đây. Vì: - Vị Xuyên ư? Ai chẳng biết nơi này”.
Phần vĩ thanh Đất thiêng là một bài thơ giản dị về hoa tam giác mạch Hà Giang, một chủ đề rất “hot trend” hôm nay. Nhà thơ đã là "ông lão” 80 rồi mà cảm xúc với hoa vẫn tràn trề như của tuổi U20, vui với hoa nở đấy nhưng sức nghĩ của “ông lão” thật thấm thía trong đoạn kết:
“Anh chị ơi, cứ vui đi, đừng nghĩ nhiều về dưới hoa từng có máu em rơi
Máu không nói bằng lời
Mà bằng sắc màu của đất
Niềm vui của mọi người là cứu cánh của những người không bao giờ mất
Vẫn đang bay trong sắc hồng tam giác mạch hôm nay”!
***
Hôm đó, chia tay, tôi thấy thầy Đặng Hiển ở tuổi 80 còn rất trẻ. Tôi nghĩ ai từng học Mẹ vắng nhà ngày bão thì cũng phải đọc tiếp Đất thiêng để thấy thầy đã không dừng lại ở những đỉnh cao đã đạt được và còn tràn trề sức sáng tạo.
Thầy bảo, thầy còn nhiều câu chuyện cũ chưa viết về những ngày dạy học. Nhưng thầy chưa muốn ngồi viết lại. Vì thấy thích viết những cái mới, thầy thích nhìn về phía trước...
Phải, cái mới ấy, cái phía trước ấy sẽ thổi tràn sinh khí cho tâm hồn thầy như cái nắng mới sau những ngày bão:
“Mẹ về như nắng mới
Sáng ấm cả gian nhà”
Vậy mà thầy đã ra đi thật nhanh…
Vài nét về nhà thơ Đặng Hiển Nhà thơ - NGƯT Đặng Hiển, tên thật là Đặng Đức Hiển, sinh ngày 9/5/1939, quê quán Hành Thiện, Xuân Trường, Nam Định vừa qua đời tối ngày 14/3/2020 tại Hà Nội do bệnh trọng, hưởng thọ 82 tuổi. Lễ viếng diễn ra từ 7h ngày 17/3 tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam. Các tác phẩm để lại gồm 17 tập thơ, 4 tập truyện ký, 6 tập kịch và 11 tập lí luận phê bình văn học. Ông từng đoạt: Giải Nhì thơ Hà Nội (1957); Giải C của UBTQ Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam về văn học - kịch năm 1995 và về thơ năm 1998; Giải B và Giải C, Giải VHNT Nguyễn Trãi - Hà Tây năm 1995 và 1998... |
Nguyễn Mỹ