Vĩnh biệt nhà soạn nhạc Nguyễn Văn Nam: Người viết nhiều bản giao hưởng nhất Việt Nam
(Thethaovanhoa.vn) - Giới âm nhạc kinh viện TP.HCM và cả nước vô cùng thương tiếc nhà soạn nhạc giao hưởng - GS-TS-nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam, ông đã trút hơi thở cuối cùng lúc 5h50 ngày 17/5/2020 tại nhà riêng ở Q.7, TP.HCM.
1. GS-TS Nguyễn Văn Nam sinh năm 1932, quê quán tại xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang là bạn thân từ thuở thiếu thời với GS-TS Quang Hải - cũng là một nhà soạn nhạc giao hưởng và cùng quê Tiền Giang.
GS Nguyễn Văn Nam tham gia cách mạng từ khá sớm, lúc mới 15 tuổi (1947). Năm 1949, ông vào bộ đội và chính thức bắt đầu con đường âm nhạc của mình. Ban đầu ông công tác tại Tổ quân nhạc Quân khu 8, một thời gian sau ông chuyển sang Đoàn Văn công Mặt trận Đồng Tháp Mười.
Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, ông tốt nghiệp Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam). Năm 1966 ông được du học tại Nhạc viện Leningrad, tốt nghiệp Đại học sáng tác và trở về nước năm 1973. Năm 1974 ông quay lại Nhạc viện Leningrad để học nghiên cứu sinh, sau đó bảo vệ thành công luận án tiến sĩ 2 ngành sáng tác và lý luận. Sau đó ông có thời gian khá dài sống tại Liên Xô.
Đến năm 1991 ông trở về Việt Nam, giảng dạy tại Nhạc viện TP.HCM cho đến cuối đời. Tại Nhạc viện TP.HCM, ông là giảng viên bậc đại học và cao học chuyên ngành sáng tác, lý luận. Ông đã đào tạo nhiều thế hệ nhạc sĩ sáng tác giao hưởng, đã có những đóng góp thiết thực cho nền âm nhạc kinh viện Việt Nam và được Nhà nước phong hàm Giáo sư năm 2015.
2. Trong cuộc đời sáng tác của mình, ông sáng tác nhiều thể loại, cả thanh nhạc và khí nhạc. Về thanh nhạc ông có các romance lời tiếng Nga: Hát ru, Trái tim người nghèo (thơ: Khetagurov), Đối thoại đêm (thơ: Makitova), Tiếc gì? (thơ: Khetagurov)… Các romance lời tiếng Việt như: Dòng sông tuổi nhỏ (thơ: Lê Anh Xuân), Em là ai, Lời của lá (thơ: Cao Xuân Sơn), Tiền Giang ơi (thơ: Xuân Đam)… Các tác phẩm với hình thức hợp xướng như: Oratorio Hòa bình cho các dân tộc (10 chương, 1976), Oratorio Hát cho đồng bào tôi nghe (3 chương, 1995), Cantate Bức tranh phương Bắc (3 chương, 1982)…
Tuy nhiên, sở trường sáng tác của GS Nguyễn Văn Nam là lĩnh vực khí nhạc. Tiểu phẩm Biển đêm viết cho violoncelle và piano (1962) được xem là tác phẩm khí nhạc đầu tiên, nó cũng là tác phẩm bộc lộ năng khiếu sáng tác khí nhạc của ông. Sau đó có thể kể đến tiểu phẩm piano Rủ nhau đi gánh lúa vàng (1965) và đặc biệt là tổ khúc giao hưởng Bài ca chim Đrao (1971) thiên khiếu khí nhạc của ông bộc lộ khá rõ. Đây cũng là tác phẩm được sáng tác và công diễn tại Leningrad gây được tiếng vang thời ông là sinh viên ở Nhạc viện Leningrad.
Cũng tại Leningrad ông còn được công diễn lần đầu tiên 2 bản giao hưởng khác của mình, đó là Giao hưởng số 1 (sáng tác 1972, công diễn 1973) và Giao hưởng số 3 (sáng tác 1975, công diễn 1976). Ngoài ra bản Giao hưởng số 4 của ông cũng được công diễn tại Liên hoan nhạc giao hưởng miền Bắc Kavkaz (1987).
Trong suốt cuộc đời của mình, ông đã viết 10 bản Giao hưởng, bản cuối cùng (số 10) có tiêu đề Những ngôi mộ không tên, được ông hoàn thành vào cuối năm 2018. Ông được xem là cây đại thụ của làng giao hưởng Việt Nam, là nhà soạn nhạc Việt Nam viết nhiều bản giao hưởng nhất, tính đến hiện nay.
Ngoài các bản giao hưởng, ông còn có giao hưởng thơ Poeme Symphonique (1982), 2 Tổ khúc Tiếng sáo (1986, 2004), Fantaisie Tưởng nhớ (1994), Vũ kịch Việt Nam của tôi (1978), Huyền thoại mẹ (1995) và nhiều tác phẩm thính phòng khác.
Những tác phẩm khí nhạc của ông được cho là xứng đáng sánh vai với tác phẩm khí nhạc của những nhà soạn nhạc thế giới cùng thời với ông. Đặc biệt ông tạo được tiếng vang tại Liên Xô trước đây và là hội viên Hội Nhạc sĩ Liên Xô (nay là Cộng hòa Liên bang Nga). Ông cũng từng được mời dự biểu diễn tác phẩm của mình tại Mỹ (năm 2003).
Nhìn chung những tác phẩm khí nhạc của GS Nguyễn Văn Nam, ông đã kết hợp nhuần nhuyễn những kỹ thuật sáng tác hiện đại của phương Tây với âm điệu dân gian Việt Nam để tạo nên ngôn ngữ âm nhạc đặc biệt mang đậm cá tính.
Ví dụ: Bài ca chim Đrao là sự kết hợp khéo léo giữa nghệ thuật giao hưởng phương Tây với âm điệu dân gian Việt Nam. Chủ đề 2 Giao hưởng số 1 tuân thủ những quy tắc của hình thức sonate, nhưng phảng phất âm điệu của bài Ru con dân ca Nam bộ, tạo nên nét đặc trưng. Hoặc bắt đầu Chương I của Giao hưởng số 3 là nét nhạc hình thành trên ngữ điệu câu rao hàng trong đêm khuya thanh vắng “Đậu xanh nấu đường đây… ai đậu xanh nấu đường hôn…”… Những tác phẩm khí nhạc của ông rất “đương đại”, nhưng mang hồn cốt Việt Nam, điều đó làm nên giá trị cho tác phẩm và phong cách sáng tác của một nhà soạn nhạc.
GS-TS-Nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam đã qua đời tại nhà riêng lúc 5h50 ngày 17/5/2020. Linh cữu của ông quàn tại Nhà Tang lễ TP.HCM (25 Lê Quý Đôn, phường 7, quận 3). Lễ động quan lúc 9h ngày 19/5, sau đó an táng tại Nghĩa trang Hoa viên Bình Dương. |
Hữu Trịnh