Viết tiếp về bức ảnh em bé Syria: Sức mạnh nằm sau những tấm hình ám ảnh
(Thethaovanhoa.vn) - Bức ảnh chụp một bé trai 3 tuổi nằm chết trên một bãi biển ở Thổ Nhĩ Kỳ vô cùng ám ảnh. Nó có mọi yếu tố mà chúng ta không muốn thấy khi mở điện thoại hay giở báo mỗi ngày: một cuộc xung đột tàn khốc, một làn sóng tị nạn dâng cao và cái chết của một người vô tội.
Bộ ảnh chụp thi thể của Aylan Kurdi bé nhỏ, nghiệt ngã thay, lại khiến thế giới nhận thức rõ hơn về cuộc khủng hoảng người di cư Syria.
Bức ảnh khiến người ta bật khóc khi xem
Aylan thiệt mạng cùng anh trai mới 5 tuổi và mẹ đẻ của bé, khi chiếc thuyền cao su nhỏ chở họ bị lật trong lúc đang đi từ Thổ Nhĩ Kỳ tới Hy Lạp. Ảnh thuộc về hãng thông tấn DHA của Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng đã nhanh chóng được lan truyền nhờ mạng xã hội.
"Đây là bức ảnh gây đau lòng khi xem" - ông Peter Bouckaert, Giám đốc phụ trách các hoạt động khẩn cấp tại Tổ chức giám sát nhân quyền, chia sẻ với AP - "Nó khiến tôi bật khóc khi xuất hiện lần đầu trên điện thoại di động của mình. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về việc có nên chia sẻ bức ảnh hay không".
Cuối cùng Bouckaert quyết định chia sẻ. Ông tin rằng người ta cần phải xem những hình ảnh như thế, để thấu hiểu tấn bi kịch mà người tị nạn đang phải trải qua. "Điều thu hút nhiều nhất sự chú ý của tôi là đôi giày của đứa trẻ, chắc chắn đã được cha mẹ yêu thương xỏ vào chân con, trong buổi sáng trước khi thực hiện hành trình đầy hiểm nguy. Lúc dán mắt vào bức ảnh, tôi đã không thể ngăn nổi mình tưởng tượng rằng đây là một trong các con trai tôi, đang nằm đó, chết trên bãi biển lạnh giá" - Bouckaert nói.
Đó chính là sức mạnh của bức ảnh. Dù chỉ là một nạn nhân xa lạ, em bé trong ảnh lại trở nên rất đỗi gần gũi với những người xem. Người ta thi nhau chia sẻ bức ảnh, chế ảnh và gắn kèm với nó các thông điệp nêu rõ thảm cảnh của người di cư.
Thậm chí đã có những người cho rằng bức ảnh có thể tạo ra tác động ngang với bức Em bé napalm của nhiếp ảnh gia Nick Út, chụp một bé gái 9 tuổi khỏa thân, đang vừa khóc vừa chạy, đau đớn vì những vết bỏng do bom napalm gây ra trên cơ thể. Bức ảnh được cho là một trong những yếu tố góp phần đẩy mạnh phong trào chống chiến tranh Việt Nam, qua đó thúc đẩy cuộc chiến đi tới hồi kết.
Thay đổi nhận thức nhưng khó thay đổi hành động?
Nhưng liệu bức ảnh chụp Aylan có khiến người ta phải hành động? Liệu nó có giống các bức ảnh khác đã ám ảnh trong tâm trí chúng ta, như bức một con diều hâu đang ngồi chờ cơ hội bên cạnh một em bé Sudan chỉ còn da bọc xương, đang lả đi vì đói? Liệu nó có giống bức chụp một đứa trẻ nằm trên tay lính cứu hỏa, trong vụ đánh bom thành phố Oklahoma ở Mỹ?
Hay nó sẽ chỉ là một trong nhiều bức ảnh khác trên mạng xã hội, rồi sẽ bị lãng quên dù từng gây chú ý. Với Al Tompkins, giảng viên tại Viện nghiên cứu Poynter, sẽ rất khó để quên đi một bức ảnh mang tính biểu tượng, như tấm hình chụp bé Aylan. "Không cần biết công nghệ sẽ phát triển ra sao, một bức hình đặc biệt mang tính biểu tượng vẫn có thể chạm tới chúng ta theo nhiều cách thức khác nhau" - Tompkins nói.
Kathleen Fetters-Iossi, một nhà văn 47 tuổi tới từ Wisconsin, bày tỏ hy vọng rằng người ta sẽ chia sẻ các bức ảnh để tăng cường nhận thức của dư luận và sau đó là hành động để thay đổi tình hình. Nhưng cô vẫn nghi ngờ sẽ có hành động mang tính quyết định diễn ra.
Cô cho biết mạng xã hội chắc chắn sẽ giúp nâng cao nhận thức của dư luận. Nhưng chỉ việc nhấp chuột là không đủ để giúp những người tị nạn tới từ Syria.
Và không phải ai cũng cảm thấy xúc động khi xem bức ảnh. Nhiều tờ báo Mỹ đã quyết định làm mờ bức ảnh Aylan trước khi đăng tải. Mike Wilson, Tổng biên tập tờ Dallas Morning News, cũng làm điều tương tự, để rồi phải nhận thư điện tử từ một nữ độc giả, nói rằng ảnh quá "kinh khủng".
"Tôi đã viết thư trả lời, nói với nữ độc giả rằng mình thấu hiểu sự nhạy cảm của cô ấy" - ông nói - "Nhưng chúng tôi vẫn chọn bức ảnh vì nó không hề kinh khủng. Đây chỉ là một bức ảnh vô cùng đau lòng, cho chúng ta biết về thực tế đang diễn ra với người tị nạn".
Tác động mạnh mẽ của những bức ảnh khó quên Bức ảnh chụp thi thể lạnh giá của bé Aylan đã được ký giả Rick Feneley của tờ Sydney Morning Herald đánh giá là sẽ có tác động giống bức Em bé napalm của Nick Út. Rick Feneley nói rằng bức ảnh đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc chiến tranh Việt Nam, tương tự bức ảnh Tướng Nguyễn Ngọc Loan hành quyết một người lính biệt động do nhiếp ảnh gia Eddie Adams chụp. Bức ảnh Tướng Nguyễn Ngọc Loan hành quyết một người lính biệt động của Eddie Adams Các bức ảnh khác gồm tác phẩm của Mathew Brady chụp cảnh xác người nằm la liệt trong cuộc Nội chiến Mỹ, ảnh Robert Cappa chụp khoảnh khắc một người lính Tây Ban Nha bị bắn chết vào năm 1936... |
Tường Linh (Theo AP)
Thể thao & Văn hóa