Việt Nam học gì từ thành công kì diệu của điện ảnh Iran?
(Thethaovanhoa.vn) - Không cảnh nóng, không bạo lực, không bia rượu, lại có vốn đầu tư không quá cao nhưng điện ảnh Iran vẫn vươn mình ra thế giới, đến các liên hoan phim danh tiếng. Chúng ta có học được gì từ họ?
- Phim có kinh phí lớn nhất trong lịch sử điện ảnh Iran tham gia cuộc đua Oscar
- Vì sao điện ảnh Iran liên tục tỏa sáng tại các liên hoan phim?
Đó là một phần nội dung trong hội thảo Kinh nghiệm thành công quốc tế của điện ảnh Iran diễn ra tại Hà Nội vào sáng qua 29/10.
5 năm Iran nỗ lực đưa điện ảnh ra thế giới
Iran được biết đến như một nền điện ảnh hội tụ nhiều tinh hoa, có nhiều phim kinh phí rất thấp nhưng lại thành công vang dội. Có thể kể đến, bộ phim The Salesman - Người bán hàng của đạo diễn Iran Asghar Farhadi, đã được xướng tên hạng mục Phim nước ngoài xuất sắc nhất tại Oscar 2016. Trước đó, vào năm 2012, Farhadi với A Separation - Ly thân cũng từng giành chiến thắng tại giải Oscar và giải Quả Cầu Vàng. Năm 1998, Children of Heaven - Những đứa trẻ đến từ thiên đường cũng đã từng lọt vào đề cử Oscar cho Phim nước ngoài xuất sắc nhất.
Không cảnh nóng, không bạo lực, không bia rượu, đặt trong tầm kiểm soát gắt gao nhưng điện ảnh Iran vẫn vươn mình ra thế giới, đến các liên hoan phim danh tiếng. Điều gì đã tạo nên sự kỳ diệu đó? Vì sao điện ảnh Iran lại nhận được nhiều sự trọng vọng đến thế? Đó là câu hỏi những người làm phim Iran nhận được trong cuộc hội thảo sáng 29/10, tại Hà Nội.
Nhà phê bình phim Mohammad Attebbai cho biết, họ đã từng mất khoảng 5 năm kiên nhẫn đưa điện ảnh Iran đến với quốc tế. Mohammad bảo mình may mắn vì đã được tham gia vào quá trình vận động và rà soát phim Iran trong thời điểm đó
"Chính phủ Iran luôn hỗ trợ điện ảnh và thành lập Quỹ điện ảnh từ năm 1984. Ban đầu là phát hành, sau là sản xuất phim. Chúng tôi từng gửi phim Iran bằng điện tín đến 300 liên hoan phim trên thế giới nhưng chỉ nhận được 2 thư phản hồi. Có lẽ khi đó, họ cho rằng, điện ảnh Iran không tồn tại" – Mohammad nói.
Theo nhà phê bình phim Mohammad, điều may mắn với họ là tất cả các phim Iran sản xuất đều có một đầu mối duy nhất - thông qua Quỹ điện ảnh để gửi đến các LHP quốc tế. "Chúng tôi đã học từng chút một, cố gắng, kiên trì từng chút một, và sau 5 năm bị từ chối thì phim của chúng tôi được lựa chọn.
Tôi hiểu nỗi khát khao của những nhà làm phim trẻ nhưng cũng khuyên các bạn nên thận trọng. Hiện tại có rất nhiều LHP quốc tế giả mạo, không giúp ích gì cho các bộ phim của các bạn" – Mohammad nói.
Rouhollah Hejazi, đạo diễn phim The dark room - Buồng tối, chia sẻ: “Với những cảnh quay “nhạy cảm”, chúng tôi đã có cách khắc phục. Nó đòi hỏi chúng tôi sáng tạo hơn. Chẳng hạn như vấn đề tình dục và bạo lực trong phim, chúng tôi xử lý bằng ánh sáng, âm thanh, góc máy, hay cảm xúc... Chúng tôi luôn cố gắng chuyển tải, lột tả các vấn đề bạo lực, tình dục thông qua ngôn ngữ của nghệ thuật”.
Hai vị đạo diễn và nhà phê bình phim của Iran chia sẻ, họ rất vui khi bộ phim The dark room - Buồng tối được tham dự LHP Quốc tế Hà Nội lần này và "chúng tôi sẽ nghĩ đến việc thực hiện phim mà khán giả Iran và Việt Nam cùng yêu mến".
Kinh nghiệm nào cho Việt Nam?
Tới dự hội thảo, đạo diễn Đặng Nhật Minh chia sẻ cảm nhận riêng của mình về điện ảnh Iran: “Lần đầu tiên biết tới những bộ phim của Iran, tôi thấy bất ngờ đến kinh ngạc. Tôi đã viết nhiều bài báo nói về việc chúng ta phải học hỏi kinh nghiệm từ điện ảnh Iran.
Qua việc tiếp xúc với các đạo diễn, nhà làm phim Iran ở các kỳ liên hoan phim, tôi hiểu, điều đầu tiên và rất quan trọng khiến điện ảnh Iran thành công xuất phát từ nhân cách của các nghệ sĩ, của những người làm phim. Họ hoàn toàn đứng về phía nhân dân, yêu và gắn bó với những con người bình thường trong xã hội".
"Trong phim ảnh của tôi có một phần tinh thần điện ảnh Iran, thành công của tôi cũng nhờ tiếp thu kinh nghiệm làm phim của Iran, và tôi biết ơn họ. Với tôi, Iran mới là cường quốc điện ảnh chứ không phải Hollywood" - đạo diễn của Bao giờ cho đến tháng Mười khẳng định.
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp thì chia sẻ: "Khi còn là sinh viên, mới làm quen với điện ảnh tôi đã luôn được nghe sự so sánh giữa điện ảnh Việt Nam và Iran. Tôi cũng nghe những câu hỏi tại sao Iran có thể thành công với những bộ phim kinh phí sản xuất thấp? Tôi rất ngưỡng mộ điện ảnh Iran, nhưng hồi đó tôi vẫn có sự băn khoăn nhất định".
"Các bộ phim của Việt Nam hiện tại nghiêng quá nhiều về yếu tố hài hước, hành động, nên mỗi khi thực hiện dự án phim mới, tôi luôn nhận được câu hỏi từ các nhà phát hành như: Bộ phim có ăn khách không? Có hướng tới đối tượng khán giả trẻ? Có ngôi sao nào được theo dõi nhiều trên mạng xã hội không?... Họ luôn bàn bạc dự án phim dưới góc nhìn kinh doanh chứ không phải một tác phẩm nghệ thuật.
Ban đầu, tôi cho điều đó bình thường với suy nghĩ, một nền điện ảnh muốn phát triển thì phải đa dạng và việc lôi kéo công chúng đến rạp rất quan trọng. Tuy nhiên, khi nhận thấy những đòi hỏi quá nhiều về tính thương mại, làm sao để công chúng trẻ tuổi mua vé thật nhiều, cười hoặc sợ thật nhiều... tôi cũng bị ảnh hưởng", Nguyễn Hoàng Điệp nói.
"Sau khi đã có nhiều trải nghiệm trong nghề, tôi mới hiểu những câu hỏi trước đây về điện ảnh Iran. Tôi học được từ họ cách kể câu chuyện gần gũi với đời sống chứ không để tâm quá nhiều đến kỹ thuật, sự cầu kỳ về kỹ xảo hay ngân sách nhà nước” - Nguyễn Hoàng Điệp nhận xét.
Đừng chỉ quan tâm tới gọi vốn và bán vé "Khi làm phim, tôi trăn trở với câu hỏi làm thế nào để đem nghệ thuật đến với những người cần nhưng không có cơ hội tiếp cận? Làm thế nào để thông qua điện ảnh chúng ta có thể chia sẻ với nhau những suy tư, những trải nghiệm để điện ảnh giúp cuộc sống của chúng ta công bằng hơn, hòa hợp hơn, sáng tạo hơn, cởi mở và mạnh mẽ hơn... Tôi không muốn chỉ quan tâm đến việc dễ gọi vốn, bán được nhiều vé, hay chiều theo thị hiếu khán giả - thứ đang hàng ngày thay đổi". (Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp) |
Tiểu Phong