Việt Nam đón siêu trăng vào đêm 9 và 10/3
(Thethaovanhoa.vn) - Trong hai ngày 9 và 10/3/2020, người yêu thiên văn Việt Nam sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng hiện tượng siêu trăng lần thứ 2 của năm nay. Đây là thời điểm mặt trăng gần với trái đất nhất nên trông sẽ to và sáng hơn bình thường.
Siêu trăng là gì?
Được coi là vệ tinh tự nhiên duy nhất của trái đất, mặt trăng di chuyển quanh trái đất theo một quỹ đạo hình elip. Khi mặt trăng di chuyển tới vị trí có khoảng cách gần với trái đất nhất (điểm cận địa), kích thước mặt trăng khi nhìn từ trái đất sẽ lớn hơn.
Đặc biệt, khi mặt trời, trái đất và mặt trăng xếp thẳng hàng đúng thời điểm mặt trăng ở điểm cận địa, mặt trăng sẽ sáng và có kích thước lớn hơn nhiều khi nhìn từ trái đất. Đây được gọi là hiện tượng siêu trăng hay siêu mặt trăng (Supermoon). Lúc này, mặt trăng sáng hơn 30% và có kích thước lớn hơn 14% so với lúc mặt trăng ở tại vị trí có khoảng cách xa nhất với trái đất trên quỹ đạo (điểm viễn địa).
- Siêu trăng xuất hiện vào rằm tháng Giêng
- Siêu trăng máu xuất hiện sau 150 năm rực đỏ bầu trời thế giới
- Trăng xanh, Siêu trăng và Nguyệt thực cùng hội tụ sau 150 năm
Thời điểm diễn ra siêu trăng
Trong một năm, siêu Trăng có thể xuất hiện vài lần. Trong năm 2020 sẽ có 4 lần siêu trăng xuất hiện. Lần đầu diễn ra vào ngày 9/2. Lần thứ hai sẽ xuất hiện vào đêm thứ hai, rạng sáng thứ ba tuần tới (ngày 9 và 10/3). Trong lần xuất hiện thứ hai, mặt trăng sẽ đạt kích thước lớn nhất vào lúc 0:48 phút ngày 10-3. Siêu trăng lần thứ ba sẽ xuất hiện vào ngày 8/4 và siêu trăng cuối cùng của năm 2020 xuất hiện vào ngày 7/5.
Trước đó, vào cuối năm 2016 chúng ta đã được chứng kiến ba siêu trăng liên tiếp vào tháng 10, tháng 11 và tháng 12. Trong đó, siêu trăng tháng 11 (ngày 14/11) nhận được nhiều sự chú ý nhất. Mặt trăng tại điểm cận địa khi đó cách trái đất khoảng 356.508 km, khiến nó trở thành trăng tròn gần với trái đất nhất trong gần 70 năm kể từ lần siêu trăng ngày 26/1/1948.
Trước đó nữa, siêu trăng xảy ra vào tháng 1/1912 thậm chí còn gần trái đất hơn siêu trăng tháng 11/2016 khoảng 100 km. Và tới đây, vào năm 2034, những người quan sát có thể được chứng kiến một điều đặc biệt thú vị, đó là mặt trăng sẽ gần trái đất hơn so với cả hai siêu trăng năm 1912 và 2016.
Các hiện tượng đặc biệt khác của mặt trăng
Bên cạnh hiện tượng siêu trăng, còn có những thời điểm đặc biệt khác mà kích thước, độ sáng hay màu sắc của mặt trăng khi nhìn từ trái đất có sự khác biệt so với những ngày bình thường.
- Trăng tròn (Full Moon): Là hiện tượng xảy ra khi trái đất nằm giữa mặt trăng và mặt trời. Tại thời điểm này, toàn bộ phần được chiếu sáng của mặt trăng có thể nhìn thấy rõ từ trái đất và cũng là lúc mặt trăng trông "tròn" nhất.
- Trăng non (New Moon): Là hiện tượng xảy ra khi mặt trăng nằm giữa trái đất và mặt trời. Tại thời điểm này, phần được chiếu sáng của mặt trăng không thể nhìn thấy từ trái đất.
- Nhật thực (Solar Eclipse): Là một trường hợp đặc biệt của trăng non. Việc mặt trăng nằm giữa trái đất và mặt trời trong ngày xảy ra hiện tượng trăng non không đồng nghĩa với việc cả trái đất, mặt trăng và mặt trời đều nằm trên cùng một đường thẳng. Trường hợp mặt trăng che lấp mặt trời khi cả ba cùng nằm trên đường thẳng tạo nên hiện tượng Nhật thực.
- Nguyệt thực (Lunar Eclipse): Là hiện tượng xảy ra khi trái đất, mặt trăng, mặt trời nằm thẳng hàng và mặt trăng nằm trong vùng tối của trái đất nên không nhận được ánh sáng từ mặt trời.
- Trăng đen (Black Moon): Là một trường hợp đặc biệt khác của trăng non. Phần lớn chuyên gia cho rằng lần xuất hiện trăng non thứ hai trong cùng một tháng tạo nên hiện tượng trăng đen. Khi hiện tượng này xảy ra, gần như ta không thể thể nhìn thấy mặt trăng được vì lúc này ánh sáng mặt trời chiếu vào phần mặt trăng mà chúng ta không quan sát được từ trái đất. Lần xuất hiện trăng đen gần nhất xảy ra vào ngày 31/7/2019 và lần trước đó là vào tháng 10/2016.
- Trăng xanh (Blue Moon): Là một trường hợp đặc biệt của trăng tròn. Phần lớn chuyên gia cho rằng lần xuất hiện trăng tròn thứ hai trong cùng một tháng tạo nên hiện tượng trăng xanh. Lần xuất hiện trăng xanh gần đây nhất là ngày 18/5/2019 và lần trước đó là ngày 21/5/2016.
- Trăng máu (Blood Moon): Là hiện tượng siêu mặt trăng xảy ra đúng thời điểm nguyệt thực. Tại thời điểm này, mặt trăng đi vào vùng tối của trái đất và bị che khuất. Tuy nhiên, ánh sáng phản xạ từ bề mặt của mặt trăng bị khúc xạ khi xuyên qua khí quyển trái đất trước thời điểm xảy ra nguyệt thực toàn phần, khiến mặt trăng có màu đỏ rực như máu.
Tùng Lâm/TTXVN