Việt Nam đang dự trữ hơn 400.000 liều vaccine Covid-19
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, hiện nay kho của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đang bảo quản hơn 432.000 liều vaccine Covid-19 Pfizer có hạn dùng đến cuối tháng 9/2024.
Đây là thông tin tại hội thảo cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí về chính sách công tác bảo vệ, chăm sóc nâng cao sức khoẻ nhân dân do Bộ Y tế tổ chức chiều tối 19/12. Theo đó, số vaccine này đang được bảo quản chặt chẽ, đúng quy trình.
Đây là số vaccine Covid-19 dự trữ cho những vùng có ổ dịch, có nguy cơ cao. Hiện có khoảng gần 50.000 người đăng ký tiêm vaccine Covid-19, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thông tin.
Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng cho biết thêm, theo khuyến cáo chuyên môn, những người thuộc nhóm nguy cơ cao như cán bộ y tế, người có bệnh nền, người mắc bệnh mạn tính... thì nên tiêm mũi 4.
Tại Kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững dịch bệnh Covid-19, giai đoạn 2023-2025, Bộ Y tế nêu rõ, việc xây dựng và triển khai kế hoạch sử dụng vaccine phòng, chống Covid-19 phù hợp theo đối tượng, lịch tiêm chủng. Ưu tiên tiêm chủng nhóm nguy cơ cao. Lồng ghép tiêm vaccine Covid-19 vào buổi tiêm chủng thường xuyên tại các cơ sở y tế hoặc tổ chức tiêm chủng chiến dịch phù hợp với thực tế triển khai tại địa phương.
Hiện nước ta đã tiêm hơn 266,5 triệu liều vaccine Covid-19 và là một trong những quốc gia có tỷ lệ bao phủ vaccine Covid-19 cao nhất thế giới.
Tỷ lệ tiêm đủ mũi cơ bản cho người từ 12 tuổi trở lên đạt xấp xỉ 100%. Tỷ lệ tiêm mũi 3 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi đạt 69,4%. Tỷ lệ tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên đạt 82,1%. Tỷ lệ tiêm mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên có nguy cơ cao đạt 89,6%. Tỷ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đạt 92,5% và 76,7%.
Tại Việt Nam, tình hình Covid-19 vẫn đang được kiểm soát. Số mắc ghi nhận thấp, rải rác tại một số địa phương và phần lớn có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng. Số nhập viện và số bệnh nhân nặng tại các cơ sở điều trị thấp. Kết quả giám sát tác nhân gây bệnh, hiện chưa ghi nhận biến thể mới, bất thường.
Để tiếp tục kiểm soát hiệu quả, bền vững với Covid-19 và chuẩn bị sẵn sàng, chủ động ứng phó trong trường hợp Covid-19 quay trở lại, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững dịch bệnh Covid-19, giai đoạn 2023-2025 theo Quyết định số 3984/QĐ-BYT ngày 29/10/2023, trong đó có phương án sẵn sàng đảm bảo công tác y tế trong tình huống dịch Covid-19 có biến chủng mới nguy hiểm hơn, bùng phát mạnh trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống.
Trước đó, ngày 13/11/2023, Trung Quốc đã thông báo về việc gia tăng số ca mắc các bệnh về đường hô hấp; đồng thời ghi nhận chùm ca bệnh viêm phổi chưa rõ nguyên nhân ở trẻ em xảy ra tại một số tỉnh miền Bắc Trung Quốc. Ngày 26/11/2023, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đã họp báo và nhận định nguyên nhân chính là do hiện đang vào mùa đông, thời tiết lạnh, thay đổi bất thường.
Tại Malaysia, Singapore số mắc Covid-19 theo tuần ghi nhân gia tăng từ 50-100%. Tại Singaore, số nhập viện do Covid-19 ghi nhận tăng khoảng 65% trong tuần từ 26/11-02/12/2023. Cơ quan Y tế các quốc gia này nhận định nguyên nhân gia tăng trở lại số mắc Covid-19 là do giảm khả năng miễn dịch của người dân và gia tăng giao thương trong mùa du lịch và lễ hội cuối năm.