Việt Nam đăng cai FIFA World Cup, tại sao không?
(Thethaovanhoa.vn) - Cho dù liên tục làm nên những kỳ tích mới trên đấu trường quốc tế, chẳng ai có thể nói chắc - Bao giờ bóng đá Việt có mặt tại VCK FIFA World Cup. Nhưng vào lúc này, có một cánh cửa bất ngờ được mở ra với thời điểm rất cụ thể - Việt Nam sẽ tham gia FIFA World Cup 2034 với tư cách chủ nhà?
Không còn là ý tưởng
Bị coi là "vùng trũng" trên bản đồ thế giới, nhưng điều đó không ngăn cản các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á mơ giấc mơ làm chủ nhà ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh. Trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 34 vừa được diễn ra tại Bangkok, Thủ tướng Thái Lan, Prayut Chan-o-cha đã thông báo - Các nhà lãnh đạo trong khu vực Đông Nam Á cùng cam kết hỗ trợ để khởi động cuộc đua tranh quyền đăng cai FIFA World Cup 2034.
Thực ra, đây là ý tưởng có từ khá sớm khi từ đầu năm 2011, Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Singapore (FAS) khi đó là ông Zainudin Nordin cho biết đề xuất khối ASEAN xin đăng cai FIFA World Cup đã được đưa ra trong một phiên họp của các Ngoại trưởng Đông Nam Á. Gần nhất, nhân chuyến thăm của đương kim Chủ tịch FIFA, Gianni Infantino tới Myanmar, ý tưởng này lại được đại diện Liên đoàn bóng đá Indonesia và Thái Lan đề cập tới, sau đó là Malaysia cũng nhắc đến khả năng này.
Năm 2034 cũng được chọn là bởi Qatar đã là nước chủ nhà World Cup 2022 và nếu tính xoay vòng, sớm nhất là phải đến 2034, FIFA mới có thể xem xét tư cách đăng cai cho các quốc gia châu Á (Hiện World Cup 2026 được FIFA chọn tổ chức tại Canada - Mỹ - Mexico, trong khi World Cup 2030 là cuộc đua của các lục địa khác ngoài châu Á).
Và lúc này khi cuộc đua trở thành nước chủ nhà FIFA World Cup 2034 được lãnh đạo các nước ASEAN cam kết, ủng hộ, nó đã không dừng ở lại ở những ý tưởng đơn lẻ. Liên đoàn Đông Nam Á (AFF) cũng cam kết sẽ hỗ trợ mọi thủ tục, quy định để các quốc gia khu vực tham gia cuộc đua.
Người đúng đầu AFF, Chủ tịch Khiev Sameth trong bài trả lời phỏng vấn mới đây cũng khẳng định: “ASEAN là khối kinh tế lớn thứ ba ở châu Á và lớn thứ bảy trên thế giới, có khả năng tổ chức một kỳ World Cup thành công. Một World Cup do ASEAN tổ chức sẽ tạo ra lợi ích kinh tế và thể thao cho khu vực này, đồng thời cũng sẽ tăng cường đoàn kết giữa 640 triệu người dân”.
“AFF sẽ tham gia vào quá trình này và xem xét quyền đăng cai cũng như tính đến những yếu tố chính bao gồm các yêu cầu tối thiểu được xác định để tổ chức giải đấu, mốc thời gian và những cân nhắc khác,” ông Sameth tuyên bố.
Nhưng không dễ
Những bước phát triển mạnh mẽ về kinh tế cùng sự ổn định về chính trị là lợi thế lớn cho khu vực ASEAN trong cuộc đua giành quyền đăng cai FIFA World Cup 2034. Hơn thế, trong nhiều năm gần đây, khu vực Đông Nam Á còn là điểm đến của nhiều sự kiện thể thao quốc tế của châu lục và thế giới. Có những quốc gia trong khu vực như Thái Lan, cũng đã đặt ra mục tiêu xin đăng cai tổ chức Thế vận hội Oympic - Sân chơi thể thao lớn nhất hành tinh. Rõ ràng, việc ASEAN là chủ nhà một vòng chung kết World Cup sau 15 năm nữa không phải là thách thức quá lớn.
Ngoài ra, xu thế các quốc gia đồng tổ chức các sự kiện thể thao lớn cũng đang trở nên phổ biến trên toàn cầu và World Cup cũng không là ngoại lệ. Sau thành công của World Cup 2002 ở Nhật Bản và Hàn Quốc, thì World Cup 2026 tới đây lần đầu tiên sẽ diễn ra tại 3 quốc gia là Canada - Mỹ và Mexico mà lý do là nhằm giảm tải về chi phí đăng cai tổ chức ngày càng tăng cũng như tạo ra sức lan tỏa cho sự kiện. Xu thế này cũng đã từng có tại Đông Nam Á khi vào năm 2007, Việt Nam - Indonesia - Malaysia và Thái Lan từng cùng đăng cai tổ chức thành công ASIAN Cup.
Cả tiềm năng lẫn khả năng là có thật, nhưng việc các quốc gia ASEAN đồng đăng cai FIFA World Cup 2034 ngay khi được đưa ra đã bộc lộ tính thiếu khả thi. Cụ thể, đến World Cup 2034 khả năng sẽ có 48 đội tuyển được quyền tham dự vòng chung kết và châu Á chỉ có 8,5 suất, nhưng thế 10 suất cho 10 chủ nhà ASEAN thuộc châu Á là điều không thể, cũng như không nhận được sự ủng hộ của chính các quốc gia châu Á khác.
Phát biểu trên tờ Fox Sports hôm 3/7 vừa qua, Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Malaysia (FAM) Hamidin Mohd Amin phân tích: "Hãy nhớ rằng, khi cùng tổ chức một kỳ World Cup như Mỹ, Canada và Mexico vào năm 2026 – họ sẽ tự động đủ điều kiện tham dự với tư cách chủ nhà. Ở Đông Nam Á thì 10 quốc gia không thể cùng nhau đăng cai. Ngay cả khi chỉ có năm hoặc sáu quốc gia ASEAN xin đăng cai, Nhật Bản và Hàn Quốc cùng nhiều quốc gia châu Á cũng không đồng ý bởi suất tham dự của châu lục bị cắt giảm".
Đó là chưa kể đến những khó khăn khác nếu nhìn cả vào quá khứ lẫn hiện tại. FIFA chắc chắn sẽ phải... phân vân khi đưa giải đấu số 1 hành tinh về tổ chức tại 1 khu vực mà chưa có đội bóng nào từng giành quyền tham dự vòng chung kết (trong các quốc gia ASEAN mới chỉ có Indonesia dự vòng chung kết World Cup 1934 tại Italy, nhưng dưới cái tên Đông Ấn thuộc Hà Lan và nhờ đội tuyển Mỹ bỏ đá trận play-off vòng loại).
Còn hiện tại, cơ sở vật chất của khu vực ASEAN cũng không đáp ứng được yêu cầu của FIFA. Cụ thể, để tổ chức 1 vòng chung kết World Cup, phải cần tối thiểu 12 SVĐ có sức chứa trên 40.000 chỗ ngồi, nhưng cả Đông Nam Á mới chỉ có 6 sân đạt yêu cầu gồm Bukit Jalil; Shah Alam (Malaysia); Bung Karno (Indonesia); Sân quốc gia Singapore; Rajamangala (Thái Lan) và Mỹ Đình (Việt Nam).
Việt Nam - Tại sao không?
Tất nhiên, để trở thành nước chủ nhà FIFA World Cup không phải là câu chuyện dễ dàng và thiếu tính khả thi, quyết tâm của các quốc gia ASEAN cũng chẳng là ngoại lệ.
Việc cả 10 quốc gia cùng đăng cai là không thể, cũng giống như ý tưởng thành lập ra một đội tuyển ASEAN nếu khu vực giành được quyền đăng cai. Theo Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Thái Lan (FAT) Somyot Poompunmuang thì điều quan trọng lúc này là một kế hoạch rõ ràng từ các chính phủ Đông Nam Á và khả thi hơn là có từ 2 đến 3 quốc gia cùng xin đăng cai FIFA World Cup 2018.
Còn Fox Sports cho rằng Việt Nam nên trở thành quốc gia đại diện cho Đông Nam Á nếu khu vực này giành được quyền tổ chức World Cup với phân tích khá sắc bén: "Việt Nam và Thái Lan sẽ là 2 quốc gia cạnh tranh vinh dự này. Với Việt Nam, ĐTQG của họ đã lọt vào Top 15 châu Á, trong khi Thái Lan chỉ ở Top 20. Việt Nam cũng đang là ĐKVĐ của AFF Cup và họ còn lọt vào Top 8 đội mạnh nhất ở Asian Cup 2019. Việt Nam đã chứng minh được rằng họ hoàn toàn đủ khả năng đối đầu với các đội tuyển hàng đầu châu Á".
World Cup còn khá xa và cuộc đua chủ nhà còn rất dài, nhưng nếu bóng đá Việt Nam vẫn giữ được những bước tiến ấn tượng thì... tại sao không?
* ASIAN Cup 2007 được 4 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á là Việt Nam - Indonesia - Malaysia và Thái Lan đồng tổ chức. Khi đó, mỗi quốc gia đăng cai nằm ở 1 bảng đấu và đội tuyển Việt Nam do HLV Riedl dẫn dắt đã lọt vào đến tứ kết rồi để thua 0-2 trước Iraq, đội bóng sau đó đã giành chức vô địch. * Dù FIFA chưa tiếp nhận hồ sơ xin đăng cai vòng chung kết FIFA World Cup 2034, nhưng đã xuất hiện nhiều ứng cử viên như: Các liên minh Australia - New Zealand; Australia - Indonesia; Trung Quốc hay các quốc gia châu Phi như: Ai Cập, Zimbabwe, Nigeria. |
Vũ Minh