Việt Nam đã tiến bộ, nhưng Asian Cup 2019 vẫn là cuộc chiến Đông - Tây
(Thethaovanhoa.vn) – Bất chấp sự tiến bộ của Uzbekistan và Việt Nam thời gian vừa qua, cuộc chiến tới ngôi vô địch Asian Cup 2019 gần như sẽ chỉ là cuộc đua của hai khu vực Tây Á và Đông Á.
Tất nhiên, chúng ta đừng quên rằng đương kim vô địch Australia cũng là một ứng viên nặng ký, và xét về mặt địa lý, thì họ có thể được tính là Đông Nam Á. Nhưng thật ra, AFF chưa bao giờ thực sự thừa nhận “vị khách” này.
Bản đồ bóng đá châu lục tại Asian Cup
Sau 16 kỳ tổ chức, Tây Á đang là khu vực vô địch nhiều nhất với tổng cộng 9 lần. Trong số đó, Iran và Saudi Arabia 3 lần lên ngôi, còn lại là Israel (sau này gia nhập UEFA), Kuwait, và Iraq. Trong khi đó, Đông Á đứng thứ hai với 6 lần (Nhật Bản 4, Hàn Quốc 2). Chức vô địch còn lại thuộc về “lính mới” Australia khi họ đăng cai Asian Cup 2015. Thành tích tốt nhất của Nam Á và Đông Nam Á là vị trí á quân của Ấn Độ 1964, và Miến Điện (nay là Myanmar) 1968. Trong khi đó, thành tích tốt nhất của Trung Á chỉ là vị trí thứ 4 của Uzbekistan ở Asian Cup 2011
Nếu xét về số lần dự VCK thì Iran và Hàn Quốc đang là số một với 14 lần, nhưng xét số chức vô địch thì Nhật Bản đang là kỷ lục gia với 4 chức vô địch. Điều đáng nói là 3/4 chức vô địch ấy diễn ra từ năm 2000 đến nay, và đặc biệt, cứ lọt vào chung kết, là người Nhật chiến thắng. Trong 5 VCK gần nhất, Tây Á chỉ đăng quang đúng 1 lần (Iraq 2007). Tây Á là lịch sử, nhưng Đông Á, hay chính xác hơn là Nhật Bản, mới là hiện tại.
Hàn Quốc từng vô địch hai VCK đầu tiên, nhưng gần 6 thập kỷ kể từ đó, họ không đăng quang thêm một lần nào nữa. Dù vậy, tấm HCV ở ASIAD vừa rồi chứng tỏ rằng một khi có tham vọng nghiêm túc, Hàn Quốc hoàn toàn có thể giải tỏa cơn khát ở đấu trường châu lục. Còn về phía Tây Á, Iran đang được xem là ứng viên số một. Họ đang là đội bóng số một châu Á, và có màn trình diễn khá ấn tượng ở World Cup 2018 vừa qua khi quật ngã Morocco 1-0, cầm hòa Bồ Đào Nha 1-1, và chỉ thua sát nút Tây Ban Nha 0-1.
Có thể chào đón Nhà vua mới?
Một câu hỏi được đặt ra trước thềm giải đấu: Ngoài những nhà cựu vô địch, liệu Asian Cup 2019 có thể chào đón một tân vương?
Trong số các đội chưa từng vô địch, Trung Quốc vào chung kết nhiều nhất. Họ thua Saudi Arabia 0-2 ở Singapore 1984, và thua Nhật Bản 1-3 trên sân nhà năm 2004. Nhưng giờ thì ít người dám đặt cửa thầy trò Marcello Lippi đăng quang, bởi phong độ của họ quá tệ. Năm 2015, họ dừng chân ở tứ kết, còn hai giải trước đó bị loại ở vòng bảng. Để chuẩn bị cho Asian Cup 2019, Trung Quốc chỉ thắng 1/6 trận gần nhất. Hai đội còn lại từng lọt vào chung kết, nhưng chưa vô địch là Ấn Độ và Myanmar thì giờ đã xuống hàng chiếu dưới.
CHDCND Triều Tiên từng là một đối thủ đáng gờm ở Đông Á, cũng như châu Á, nhưng qua trận giao hữu với tuyển Việt Nam mới đây (hòa 1-1) thì có thể thấy đội bóng này khó có thể tiến xa ở VCK Asian Cup 2019. Trong khi đó, các đội Tây Á như Saudi Arabia, Qatar, Syria, hay chủ nhà UAE thì đều không trội hẳn và mục tiêu tứ kết với họ là khả thi hơn cả, chứ vô địch thì hơi xa vời. Uzbekistan, với thế hệ vô địch U23 châu Á được kỳ vọng rất cao, nhưng ĐTQG của họ thì vẫn khá thất thường.
Phải chăng, giải đấu năm nay sẽ chỉ lại tôn vinh một gương mặt cũ?
Tuấn Cương