Việc Fitch hạ xếp hạng tín nhiệm của Mỹ làm 'dậy sóng' Washington
Theo tờ The Hill, việc cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings tối 1/8 bất ngờ hạ xếp hạng tín nhiệm của Mỹ từ AAA xuống AA+ đã gây ra làn sóng chấn động khắp thủ đô Washington D.C, khiến các nhà lập pháp và hoạch định chính sách ngỡ ngàng vì các chỉ số lạm phát, thất nghiệp của nền kinh tế số 1 thế giới thời gian gần đây đều tích cực.
Với quyết định bất ngờ, Fitch Ratings viện dẫn những lý do như “sự xói mòn của chính quyền” cùng viễn cảnh “suy thoái tài chính trong ba năm tới” sẽ càng trở nên trầm trọng hơn do bất ổn chính trị bộc lộ trong vụ nổi loạn ngày 6/1/2021.
Ông Richard Francis, Giám đốc cấp cao của Fitch Ratings, giải thích rằng các yếu tố như vấn đề trần nợ và sự phân cực ngày càng tăng giữa hai đảng chính trị đã góp phần vào quyết định này. Sự khác biệt giữa đảng Dân chủ và Cộng hòa đã dẫn đến sự chia rẽ chính trị ngày càng lớn, khiến khối “trung dung” sụp đổ.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ, bà Janet Yellen, đã nhanh chóng lên án quyết định của Fitch Ratings, gọi đây là sự “thiếu sót” và “hoàn toàn không có cơ sở.” Trong một bài phát biểu, bà Yellen nhấn mạnh sức mạnh của nền kinh tế Mỹ, nền kinh tế lớn nhất, năng động nhất và sáng tạo nhất thế giới với một hệ thống tài chính mạnh mẽ.
Phát ngôn viên Nhà Trắng Karine Jean-Pierre đã ra tuyên bố bày tỏ sự bất đồng mạnh mẽ với quyết định này. Bà đổ lỗi cho thái độ cực đoan của đảng Cộng hòa đã phá hoại nền dân chủ và việc quản trị chính quyền, đồng thời đẩy nền kinh tế Mỹ vào tình trạng rủi ro.
Phía Cộng hòa bảo thủ cũng lên tiếng bày tỏ phẫn nộ. Hạ nghị sĩ Blaine Luetkemeyer, đại diện của bang Missouri, chỉ trích các xếp hạng chủ quan của Fitch và chỉ trích phe Dân chủ vì chi tiêu phóng tay, điều mà ông tin rằng đã gây ra các vấn đề lạm phát. Ông Larry Summers, cựu Bộ trưởng Tài chính, đăng trên nền tảng truyền thông xã hội X (trước gọi là Twitter) rằng quyết định này là “kỳ lạ và kém cỏi”.
Trong bối cảnh hiện nay, Bộ trưởng Yellen vẫn đặt niềm tin vững chắc vào sức mạnh của nền kinh tế Mỹ, độ tin cậy của trái phiếu chính phủ như một tài sản an toàn và chi trả dễ dàng.
Nhà Trắng được cho là đang nghiên cứu một đề nghị nhằm giải quyết tình trạng “bên bờ vực vỡ trần nợ” sau khi Tổng thống Joe Biden thành lập một nhóm làm việc vào tháng Bảy vừa qua. Các nhóm lợi ích ở Washington đã hoan nghênh những nỗ lực này, kêu gọi cải cách để tránh tái diễn các kịch bản "bên miệng hố chiến tranh" trong tương lai và bảo đảm ổn định kinh tế.