Việc đề xuất tên đường Mạc Thái Tổ, Mạc Thái Tông đã qua hơn 10 phiên họp bàn
(Thethaovanhoa.vn) - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội vừa đề xuất lên UBND thành phố về việc đặt tên 19 tuyến đường, phố mới trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2015. Trong đó tên 2 tuyến phố mới: Mạc Thái Tổ, Mạc Thái Tông trên địa bàn quận Cầu Giấy đang có một số ý kiến trái chiều.
Trước thực tế đó, thành phố Hà Nội tiếp tục lấy ý kiến người dân trước khi đưa ra quyết định cuối cùng nên hay không trong việc đặt tên hai vị vua triều Mạc này.
Khoa học trong quy trình đặt tên đường phố
Phố Mạc Thái Tổ (vua Mạc Đăng Dung) dự kiến đặt cho đoạn đường từ ngã ba giao cắt đường Phạm Hùng đến ngã tư giao cắt phố Trung Kính, đối diện tòa nhà E1 Chelsea Park, dài 900 mét, rộng 60 mét. Phố Mạc Thái Tông (vua Mạc Đăng Doanh) dự kiến đặt cho đoạn đường từ ngã ba giao cắt với đường Phạm Hùng, đối diện cổng sau Trung tâm Hội nghị Quốc gia, đến ngã tư giao cắt với phố Trung Kính, cuối đường Vũ Phạm Hàm, dài 840 mét, rộng 17 mét.
Đáng nói, vài năm trước đó, UBND thành phố Hà Nội lần đầu trình HĐND xem xét việc đặt tên tuyến phố Mạc Thái Tổ, Mạc Thái Tông cho hai tuyến phố cũ trên địa bàn quận Cầu Giấy. Tuy nhiên, do tuyến phố giới thiệu gần phố Duy Tân là không hợp lý nên sau đó có tờ trình rút việc đặt tên hai vị vua Mạc cho hai tuyến phố.
Năm 2015, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội tiếp tục đề xuất đặt tên phố Mạc Thái Tổ, Mạc Thái Tông cho hai đoạn đường trên địa bàn quận Cầu Giấy. Đề xuất này dựa trên sự thống nhất của Hội đồng tư vấn đặt tên, đổi tên đường phố, công trình công cộng trên địa bàn thành phố và sự đồng thuận của các cơ quan chức năng có liên quan. Hội đồng tư vấn có sự tham gia của đầy đủ các cơ quan từ: Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Hội đồng Di sản quốc gia Việt Nam, Viện Sử học, Viện Khoa học lịch sử quân sự, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch… trải qua hơn 10 phiên họp bàn ở nhiều cấp độ khác nhau.
Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội cho biết: “Ngoài sự thống nhất của Hội đồng tư vấn, việc đề xuất đặt tên phố Mạc Thái Tổ, Mạc Thái Tông còn dựa trên cơ sở: Thỏa thuận của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch về việc đặt tên đường phố trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2015 trong đó có tên đường Mạc Thái Tổ, Mạc Thái Tông; Hội Sử học thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam có văn bản phúc đáp nhất trí với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội về việc xin ý kiến về thân thế và sự nghiệp của Mạc Thái Tổ, Mạc Thái Tông để đặt tên đường phố; sự đồng thuận của nhân dân khu vực dự định đặt tên đường phố”.
Thực tế, tên hai vị vua Mạc Thái Tổ, Mạc Thái Tông đã được đặt tên đường phố ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Cụ thể, Mạc Đăng Dung được đặt tên đường ở 9 tỉnh, thành phố như: Đường ở thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi; đường ở thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang; đường ở thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, đường ở quận Dương Kinh, thành phố Hải Phòng; đường ở huyện An Phú, Thành phố Hồ Chí Minh… Mạc Đăng Doanh được đặt tên đường cho đường ở quận Dương Kinh, thành phố Hải Phòng và đường ở thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Tuy nhiên, khi Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội đề xuất UBND thành phố Hà Nội đặt tên phố Mạc Thái Tổ, Mạc Thái Tông trong năm 2015 thì tiếp tục có ý kiến nên lùi lại để tiếp tục nghiên cứu thêm.
Tiếp tục lấy ý kiến người dân để củng cố thêm tính khách quan
Lật lại lịch sử cho thấy, do những hạn chế lịch sử, triều Mạc bị các sử quan phong kiến xếp vào hàng “ngụy triều”. Do cái nhìn sai lệch chủ quan của các sử gia phong kiến, suốt một thời gian dài, việc ghi chép, nghiên cứu cũng như đánh giá, nhìn nhận về Vương triều Mạc, thời đại Mạc không đầy đủ, thiếu chân thực.
Tuy vậy, trong hàng chục năm qua, nhiều cuộc hội thảo, nghiên cứu về triều Mạc liên tục diễn ra để có cái nhìn toàn diện, khách quan về Vương triều Mạc. Hầu hết, các nhà nghiên cứu sử học đều cho rằng, nhà Mạc không phải là “ngụy triều”, Mạc Thái Tổ và Mạc Thái Tông có những đóng góp nhất định cho sự phát triển trong lịch sử.
Trong một cuộc hội thảo về Vương triều Mạc tại Hải Phòng, giáo sư, nhà giáo nhân dân Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng: “Nên xóa bỏ thành kiến và định kiến về nhà Mạc, nên đối xử với nhà Mạc một cách công bằng như các triều đại khác. Hãy trả lại cho nhà Mạc những đóng góp khách quan… Sau khi ra đời và tồn tại, nhà Mạc đã có những đóng góp nhất định về mặt văn hóa, tư tưởng và một phần nào đó về mặt kinh tế”.
Còn Giáo sư sử học Văn Tạo, Nguyên Viện trưởng Viện Sử học cũng từng khẳng định: “Với 65 năm tồn tại và phát triển, nhà Mạc đã có cống hiến nhất định vào lịch sử dân tộc. Công lao sự nghiệp của Mạc Đăng Dung đối với nhà Mạc là lớn lao và sự nghiệp dựng nước của nhà Mạc đã được sử sách ghi nhận. Hậu thế chúng ta cần trân trọng và phát huy”.
Tại Công văn số 66/VSH-QLKH của Viện Sử học gửi Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội ngày 29/5/2015 cũng khẳng định: “Nhà Mạc là một trang lịch sử quan trọng trong tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc. Những đóng góp của nhà Mạc mà tiêu biểu là hai vị vua đầu triều Mạc: Mạc Thái Tổ và Mạc Thái Tông đã được giới khoa học ghi nhận cũng như sự quan tâm của các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước”. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu khoa học từ các nguồn thư tịch cổ và các ý kiến nhận định, đánh giá nêu trên, Viện Sử học hoàn toàn nhất trí việc đặt tên đường Mạc Thái Tổ, Mạc Thái Tông cho hai tuyến phố mới ở Hà Nội năm 2015.
Tuy vậy, để tiếp tục củng cố thêm tính khách quan khi đặt tên đường phố Mạc Thái Tổ, Mạc Thái Tông, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội đề xuất UBND thành phố Hà Nội đăng công khai dự thảo nghị quyết về việc đặt tên và điều chỉnh độ dài một số đường, phố trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2015, trong đó có hai đường phố đặt tên Mạc Thái Tổ và Mạc Thái Tông trên Cổng giao tiếp điện tử thành phố Hà Nội. Hiện dự thảo nghị quyết bắt đầu được đăng tải. Ý kiến nhân dân là một trong những cơ sở để UBND thành phố Hà Nội đề xuất trong kỳ họp thứ 13, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa XIV diễn ra vào tháng 7 tới.
Đinh Thị Thuận - TTXVN