VIDEO: 'Chưa giàu đã già' - nỗi lo chẳng của riêng ai
(Thethaovanhoa.vn) - Việt Nam là một trong những nước có tốc độ già hóa nhanh nhất. Tuy nhiên, ngược với trình tự nhiều nước: già khi đã giàu còn Việt Nam lại đang đứng trước thách thức: chưa giàu đã già.
Nắng cũng như mưa, ngày nào,
ông Lê Minh Thảo cũng cần mẫn bên góc phố này, làm công việc sửa xe đạp
để kiếm được trên dưới 50.000đ. 65 tuổi nhưng ông vẫn phải rời bỏ quê hương,
lên thành phố kiếm việc để trang trải những chi phí trong gia đình.
Ông chia sẻ: "Nhiều lúc tôi cũng muốn nghỉ lắm nhưng nghỉ rồi không có tiền tiêu xài cá nhân, sinh hoạt hằng ngày nên đành phải làm thôi".
Ngày ngày, vẫn có thêm những người như ông Thảo ghi tên vào danh sách lao động cao tuổi nơi đô thị. Không bảo hiểm xã hội, không tài sản tích lũy, không nhận sự phụng dưỡng của con cái, họ cật lực bươn chải bất chấp những rủi ro với ô nhiễm, độc hại.
Ông Mai Xuân Phương, Vụ phó Vụ truyền thông giáo dục, Tổng cục Dân số cho biết: "Việt Nam đang phải chịu thách thức rất lớn. Thách thức lớn nhất là người cao tuổi ở Việt Nam chiếm tới trên 70%, người cao tuổi đó chủ yếu sống ở nông thôn, chủ yếu là nông dân mà chủ yếu lại làm nông nghiệp. Thách thức thứ 2 đời sống vật chất của người dân Việt Nam đặc biệt là người cao tuổi rất khó khăn".
Già hóa dân số là vấn đề không mới với thế giới nhưng là thách thức lớn cho Việt Nam. Đối với một người “già khi chưa giàu” sẽ tạo áp lực cho con cái, nhưng cả một đất nước già hóa thì áp lực này sẽ chuyển sang hệ thống an sinh xã hội. Làm thế nào để biến thách thức này thành cơ hội? Bài toán này vẫn đang được các cơ quan chính sách tìm lời giải.
Xem video tại đây:
Theo Vnews