Vì sao tuyển nữ Việt Nam thất bại ở AFF Cup 2022?
Để thua ngược Myanmar 3-4 ở trận tranh HCĐ, tuyển nữ Việt Nam chia tay AFF Cup trong nỗi buồn thất bại.
Nếu chúng ta nhìn thoáng qua thì ai cũng thấy việc các học trò ông Mai Đức Chung phải đá tới 6 trận trong 11 ngày trong điều kiện thời tiết nắng nóng là nguyên nhân quan trọng dẫn tới thất bại nặng nề này.
Mật độ thi đấu dày đặc như vậy ngay cả với cầu thủ nam cũng là vấn đề lớn chứ không nói với các cầu thủ nữ. Quãng nghỉ quá ngắn giữa các trận đấu không đủ giúp cầu thủ chúng ta hồi phục thể lực là sự thật.
Chẳng hạn sau khi thắng Myanmar 4-0 ở vòng bảng (Việt Nam cũng phải tốn sức mới thắng đậm như vậy) thì tuyển Việt Nam chỉ có đúng 1 ngày nghỉ là đã phải đá với Philippines trong khi Philippines vốn có rất nhiều cầu thủ nhập tịch to khỏe, cao lớn hơn hẳn chúng ta, lại được nghỉ 2 ngày.
Nhưng lịch đấu dày đặc chỉ là nguyên nhân “bề nổi”. Nguyên nhân sâu sa hơn nằm ở trận thua Philippines. Chuyện chúng ta nghỉ ít hơn họ chỉ là một phần nguyên nhân.
Vấn đề chính ở đây là trong khi tuyển nữ Việt Nam dù liên tục gặt hái thành công những năm qua (vô địch AFF Cup 2019, giành 2 HCV SEA Games liên tiếp hay giành quyền dự World Cup nữ 2023…) nhưng thực tế nhân sự của chúng ta cơ bản có rất ít thay đổi, có rất ít nhân tố mới được bổ sung vào đội ngũ mà vẫn dựa trên nòng cốt cũ thì Philippines làm mới rất nhiều bằng những cầu thủ nhập tịch.
Trong khoảng 1 năm qua, Philippines nhập tịch hơn chục cầu thủ đến từ các nền bóng đá phát triển ở Châu Âu, Mỹ hay Canada. Trong số những cái tên này đáng chú ý có những cầu thủ không chỉ có thể hình, thể lực cực tốt mà còn có “số má” về chuyên môn như cựu tuyển thủ nữ Canada Jaclyn Sawicki hay cựu tuyển thủ U23 Mỹ Sarina Bolden.
Sự xuất hiện của dàn cầu thủ nhập tịch ồ ạt đã biến Philippines thành quyền lực bóng đá nữ hàng đầu Đông Nam Á, thách thức cả Thái Lan lẫn Việt Nam.
Lời cảnh báo thực tế đã được đưa ra từ cúp Châu Á 2022 khi tuyển nữ Philippines xuất sắc giành vé vào thẳng VCK World Cup 2023 trong khi chúng ta dù sao đó cũng giành quyền đến Úc nhưng thực tế là phải qua “cửa phụ” play-off.
Ở SEA Games 31, Việt Nam tuy thắng Philippines 2-1 nhưng khi ấy chúng ta cũng không hề trên cơ đối thủ và Philippines khi ấy cũng chưa mạnh như ở AFF Cup này.
Trong 4 bàn thua Việt Nam phải nhận ở trận gặp Philippines tại bán kết AFF Cup năm nay thì có 3 bàn đến từ các tình huống bóng bổng. Không ngạc nhiên khi Philippines áp đảo chúng ta trong các tình huống không chiến nhờ dàn cầu thủ nhập tịch có thể hình, thể lực vượt trội so với chúng ta (chỉ có số ít cầu thủ cao hơn 1,60m nhưng cũng chưa tới 1,7m).
Khi đối thủ làm mới chóng mặt (bổ sung liên tục các Phi Kiều) còn chúng ta thì không (các cầu thủ vốn thấp nhỏ và chưa có cầu thủ nhập tịch) thì chuyện Việt Nam thất bại trước Philippines chỉ là vấn đề thời gian.
Thất bại ấy cũng quyết định luôn tới kết cục trận tranh HCĐ với Myanmar. Làm sao chúng ta lại thua ngược 3-4 trước đối thủ mà vòng bảng chúng ta còn đè bẹp 4-0? Câu trả lời đơn giản là tuyển Việt Nam đương nhiên không thua về chất lượng kỹ thuật, về đẳng cấp, về lối chơi tập thể (phải là ngược lại) mà thua về tinh thần, về quyết tâm, về khát khao chiến thắng.
Dễ hiểu tại sao lại như vậy. Mấy năm qua chúng ta đã giành được mọi danh hiệu cao quý ở cấp độ khu vực, Vô địch AFF Cup, giành HCV SEA Games. Thậm chí chúng ta còn giành vé dự World Cup.
Đang từ đỉnh cao như thế mà tất cả những Huỳnh Như, Tuyết Dung, Hải Yến, Bích Thùy, Kim Thanh, Chương Thị Kiều và đồng đội lại phải tranh HCĐ AFF Cup thì họ lấy đâu động lực mà đá? Làm gì còn khát khao chiến thắng nữa? Thua Philippines là hết rồi còn gì để nhắm đến nữa đâu?
Không có gì mãi mãi. Như một ngày có bình minh thì rồi cũng sẽ có hoàng hôn, bóng đá nữ Việt Nam không thể mãi đứng trên đỉnh cao với những con người hiện tại. Khi đối thủ thay đổi, chúng ta cũng phải thay đổi (bổ sung những dòng máu mới, cả những cầu thủ nhập tịch) mới có hi vọng duy trì thành công lâu dài. Nếu không, câu chuyện thất bại như ở AFF Cup 2022 này hoàn toàn có thể lặp lại ở những giải đấu sắp tới.
HT