Vì sao Tào Tháo thích chiếm thê thiếp của kẻ địch? Nguyên nhân không chỉ đơn thuần là vì mê sắc đẹp mỹ nhân
Tào Tháo đã phải trả giá đắt cho việc yêu và chiếm thê thiếp của người khác.
Thời Tam quốc chiến loạn, ngoài lòng dũng cảm và tài thao lược phi thường, nhiều bậc anh hùng ít nhiều có những sở thích khác người.
Điều khiến người đời khó tin và cũng khó hiểu nhất ở Tào Tháo chính là sở thích đặc biệt - “cuồng lấy vợ người khác”. Thậm chí nhiều người cho rằng sở thích này biến thái, khiến ông phải chịu vô số tổn thất và suýt bỏ mạng.
Theo sử sách ghi chép, Tào Tháo có ít nhất 15 thê thiếp, trong đó hết 10 người đã có gia đình (có thông tin là 13 người).
Mỗi khi Tào Tháo tấn công một nơi, ngoài việc chiếm thành và quân binh, ông còn chiếm cả thê thiếp của người khác. Ví dụ, Lưu phu nhân là vợ của Viên Thiệu; Đỗ phu nhân là vợ của Tần Nghi Lộc, một bộ tướng của Lữ Bố (Tần Nghi Lộc bị Tào Tháo "cắm sừng", nhưng vẫn cam lòng phục vụ Tào Tháo. Sau này, Trương Phi coi thường cách làm người của Tần Nghi Lộc nên đã giết chết); Doãn phu nhân là vợ của Lý Cảo - Hoàng đế khai quốc của nước Tây Lương.
Tào Tháo cũng phải trả giá đắt cho việc chiếm thê thiếp của người khác.
Vì chiếm vợ của người khác mà đại bại
Trong một lần thảo phạt với Trương Tú, Trương Tú thấy không thể đánh bại Tào Tháo nên cố ý đầu hàng. Nhưng Tào Tháo lại phải lòng Trâu phu nhân, thím của Trương Tú (vợ của người chú đã mất), ngài bá vương đã dốc sức đoạt lấy. Điều này khiến Trương Tú mất mặt, thổi bùng ngọn lửa hận thù. Trương Tú tấn công Tào Tháo vào ban đêm.
Cuộc tấn công bất ngờ này khiến quân Tào đại bại. Tào Tháo suýt bị giết, con trai cả Tào Ngang, cháu trai Tào An bị giết, tướng Điển Vi chết trận. Tào Tháo rút chạy, Đinh phu nhân cũng tức giận trở về nhà mẹ đẻ vì cái chết của con trai Tào Ngang, suốt đời không bao giờ quay lại bên cạnh Tào Tháo.
Không chỉ Tào Tháo là người “cuồng vợ người” mà cả ba đời nhà họ Tào đều như vậy.
Tranh giành vợ với con trai
Người vợ đầu tiên của Tào Phi là Chân thị nổi tiếng. Cuộc hôn nhân đầu tiên của bà là với Viên Hy, con trai của Viên Thiệu. Sau trận Quan Độ, Chân thị trở thành chiến lợi phẩm của Tào Tháo. Sau khi chiếm được Nghiệp Thành, Tào Tháo lập tức sai người đưa Chân thị đến. Nhưng Tào Phi đã đi trước một bước. Tào Tháo nói: "Ta chiến đấu trận này vì cô ấy!".
Lời nói tiết lộ Tào Tháo đã yêu Chân thị, nhưng ông không ngờ rằng con trai chiếm trước. Chân thị 23 tuổi, hơn Tào Phi 6 tuổi. Khi đó, Tào Phi đã là Ngũ quan trung lang tướng. Theo lý mà nói, Tào Phi nên ở bên cạnh bảo vệ Tào Tháo, không nên đến Viên gia phủ để tìm Chân thị. Điều này cho thấy Tào Phi cũng đã phải lòng Chân thị từ trước.
Trong “Tam quốc chí Ngụy thư hậu phi truyện”, Ngu thị - vợ của Hoàng đế Tào Duệ (cháu của Tào Tháo) đánh giá đàn ông nhà họ Tào rằng họ chỉ thích những người phụ nữ thấp kém, không hứng thú với phụ nữ tử tế, xuất thân từ gia đình gia giáo.
Tại sao Tào Tháo có "niềm đam mê" chiếm vợ của người khác?
Chủ yếu xuất phát từ 3 nguyên nhân sau:
1. Dung nhan. Một sự thật là những thê thiếp của Tào Tháo đều sở hữu nhan sắc nghiêng nước nghiêng thành. Thời niên thiếu, Tào Tháo chưa có danh vọng nên đương nhiên khó tìm mỹ nữ. Đến khi thành danh thiên hạ, ông mới bắt đầu tập trung "xây dựng hậu cung cho mình". Mặc dù là phụ nữ đã có chồng, nhưng các cô gái thời xưa kết hôn rất sớm, dung nhan mặn mà, khiến lòng người say đắm. Để được làm vợ của những chư hầu giàu có, bản thân họ cũng phải có khí chất và xuất thân không tầm thường. Do đó, Tào Tháo yêu thích vợ của người khác cũng là chuyện dễ hiểu.
2. Thay vì nói Tào Tháo thích những người phụ nữ như hoa như ngọc, chi bằng nói ông biết nhìn xa trông rộng. Sâu xa hơn, Tào Tháo quan tâm đến thân phận của những người thê thiếp mà ông đoạt về, bao gồm thế lực và cái danh của gia tộc. Những người phụ nữ này hầu hết đều là con nhà danh gia vọng tộc, thực lực hiển hách trong vùng mà Tào Tháo đánh chiếm. Phải nói, dã tâm của Tào Tháo không chỉ đơn thuần như mọi người nghĩ. Nạp thiếp cũng là cách có thêm sự trợ giúp từ nhiều gia tộc lớn.
Tào Tháo nạp thiếp Đỗ phu nhân. Con trai của bà là Tần Lang đã trở thành con kế của Tào Tháo, giữ chức vụ Thiếu kỵ tướng quân, thảo phạt tộc Tiên Ti lập thành đại công.
3. Khát khao chinh phục mãnh liệt. Vào cuối triều đại Đông Hán, thiên hạ hỗn loạn. Những trận chiến liên tục đã nuôi dưỡng khát vọng chinh phục của Tào Tháo. Chinh phục quân đội và thành, sau đó chiếm giữ người phụ nữ của kẻ thù để thỏa mãn cảm giác chinh phục vô hạn.
Nguồn: Baike, Sohu