Vì sao Mỹ bố trí 400 tên lửa xung quanh Nga?
(Thethaovanhoa.vn) - Trong khi phương Tây chỉ trích Moskva mở một cuộc chạy đua vũ trang mới thì Mỹ lại âm thầm vây quanh biên giới Nga hàng trăm tên lửa.
- Mỹ lập đơn vị vận hành hệ thống tên lửa tầm cao THAAD tại Hàn Quốc để làm gì?
- Tổng thống Nga Putin sẵn sàng bán hệ thống tên lửa S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ
- Lockheed Martin giành hợp đồng nâng cấp hệ thống tên lửa Patriot
Kênh truyền hình RT trích lời một quan chức quốc phòng Nga đưa tin hiện có khoảng 400 tên lửa đánh chặn ở cửa ngõ quốc gia. Động thái này nằm trong kế hoạch tăng cường quân sự của Mỹ trên toàn cầu.
“Một nỗ lực quy mô lớn đang diễn ra nhằm vây quanh Nga với lá chắn tên lửa. Các cơ sở phòng thủ tên lửa đã được thiết lập sẵn sàng tại California và Alaska”, Alexander Fomin – Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Russia 24 TV ngày 2/3.
Trên thực tế Washington từ lâu đã mở rộng lá chắn tên lửa tới châu Âu. Năm 2016, một cơ sở phòng thủ tên lửa với chi phí xây dựng lên tới 800 triệu USD đi vào hoạt động tại Romania.
Năm ngoái, Mỹ lần đầu tiên triển khai tên lửa phòng không tầm xa Patriot tới các quốc gia vùng Baltics với mục đích tham gia các cuộc tập trận của NATO tại Lithuania.
Tháng 7, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence ám chỉ Mỹ đang cân nhắc triển khai hệ thống Patriot tới Estonia. Ba Lan cũng vừa ký một thỏa thuận vũ khí trị giá 10,5 tỷ USD với Washington mua 208 tên lửa Patriot PAC-3 cùng với 16 bệ phóng và 4 hệ thống radar.
“Các điểm triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tại Nhật Bản và Hàn Quốc của Mỹ cũng sẽ tham gia vòng vây chống Nga”, Thứ trưởng Fomin nhấn mạnh, “tổng cộng sẽ có khoảng 400 tên lửa đánh chặn được triển khai, đặc biệt nhằm thu hẹp sức mạnh hạt nhân tiềm tàng của Nga".
Cụ thể, Tokyo đã chấp thuận việc triển khai hệ thống Aegis Ashore trên lãnh thổ nước mình để “tự vệ trước các cuộc tấn công bất ngờ” trong khi Seoul lắp đặt xong hệ thống Phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD).
Cũng theo ông Fomin, Moskva nhiều lần kêu gọi Washington thảo luận về những mối quan tâm chung, song lại nhận được phản ứng hờ hững từ những người đồng cấp Mỹ. Nga đã mời Mỹ triển khai các cuộc đối thoại chính trị trong nhiều năm qua song lời mời bị “phớt lờ”.
Trước đó, trong bài Thông điệp Liên bang cuối cùng trong nhiệm kỳ, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã giới thiệu kho vũ khí hạt nhân mới của Nga, trong đó có tên lửa đạn đạo liên lục địa hạt nhân Sarmat.
Phản ứng trước Thông điệp Liên bang của ông Putin, truyền thông Mỹ chỉ trích Nga đang châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang mới. Tổng thống Putin ngay lập tức bác bỏ cáo buộc, khẳng định Nga buộc lòng phải phát triển vũ khí hạt nhân như một lời đáp trả trước động thái phương Tây mở rộng sự hiện diện quân sự trên toàn cầu, bao gồm cả khu vực gần biên giới nước Nga.
Hồng Hạnh/Báo Tin tức