Vì sao hiệu suất hoạt động của nhiều quỹ mở vượt trội hơn so với VN-Index?
Trong nửa đầu năm nay, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến đợt giảm mạnh khi chỉ số VN-Index mất hơn 20% so với hồi đầu năm, trở thành một trong những chỉ số chứng khoán có hiệu suất thấp nhất thế giới. Dù cũng chịu ảnh hưởng đáng kể, song nhiều quỹ mở vẫn ghi nhận có kết quả vượt trội hơn so với thị trường.
Theo Công ty cổ phần Quản lý quỹ VinaCapital, trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động, các quỹ mở quản lý bởi VinaCapital ít nhiều chịu ảnh hưởng từ sự sụt giảm của thị trường nhưng vẫn đang liên tục dẫn đầu so với các quỹ cùng loại về kết quả hoạt động và vượt chỉ số tham chiếu.
Cụ thể, Quỹ Đầu tư cổ phiếu tiếp cận thị trường Việt Nam (VESAF) chỉ giảm ở mức 6,8%, khả quan hơn nhiều so với mức giảm hơn 20% của VN-Index trong 6 tháng đầu năm. Quỹ Đầu tư cổ phiếu Hưng Thịnh VinaWealth (VEOF) cũng chỉ giảm 6,7%; Quỹ Đầu tư cân bằng Tuệ Sáng VinaCapital (VIBF) cũng ghi nhận giảm ít hơn so với chỉ số tham chiếu. Trong khi đó, hiệu suất hoạt động của Quỹ Đầu tư Trái phiếu Bảo Thịnh VinaWealth (VFF) ghi nhận tăng 4,1% kể từ đầu năm.
Quỹ đầu tư cổ phiếu tăng trưởng Ballad Việt Nam (TBLF) của Công ty cổ phần Quản lý quỹ đầu tư SGI cũng ghi nhận mức sụt giảm 13,33% trong 6 tháng đầu năm nay, ít hơn so với mức sụt giảm hơn 20% của VN-Index.
Tại Công ty liên doanh Quản lý Quỹ Đầu tư chứng khoán Vietcombank (VCBF), các quỹ mở của VCBF cũng ghi nhận có kết quả vượt trội so với thị trường và các chỉ số tham chiếu trong giai đoạn 6 tháng đầu năm. Theo đó, Quỹ Đầu tư cổ phiếu hàng đầu (VCBF-BCF) giảm 7,5% và quỹ Đầu tư cổ phiếu tăng trưởng (VCBF-MGF) giảm 6,6%. Trong khi, Quỹ Đầu tư cân bằng chiến lược VCBF (VCBF-TBF) chỉ giảm 4,7% so với mức giảm 9,5% của lợi nhuận tham chiếu (bao gồm 50% VN-Index và 50% lợi suất trái phiếu chính phủ 10 năm).
Lý giải nguyên nhân hiệu suất hoạt động của VESAF (một trong quỹ mở của VinaCapital) tốt hơn nhiều so với thị trường trong nửa đầu năm nay, đại diện VESAF cho biết, đó là nhờ chiến lược giảm tỷ trọng cổ phiếu nhóm ngân hàng, chứng khoán và một số ngành nhạy cảm với biến động vĩ mô trong điều kiện còn nhiều yếu tố khó dự báo.
Theo bà Nguyễn Hoài Phương Giám đốc Đầu tư Quỹ VESAF, các quỹ đầu tư có một số ưu thế hơn so với nhà đầu tư cá nhân, tuy nhiên để chiến thắng thị trường cũng cần có chiến lược cụ thể. Đó là phân bổ ngành, lựa chọn cổ phiếu và quản lý rủi ro.
Trong giai đoạn 2020-2021, thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến khá thuận lợi, VESAF chỉ tập trung nhiều vào việc lựa chọn cổ phiếu và cân đối tỷ trọng giữa các cổ phiếu để tìm kiếm lợi nhuận vượt trội. Bước sang năm 2022, ngay từ đầu năm, một số nhóm cổ phiếu được định giá đắt hơn. Lúc này, việc xác định nhóm ngành dẫn dắt quyết định phần lớn hiệu suất đầu tư của danh mục.
Sau đó, thị trường lại xuất hiện những thông tin tiêu cực ảnh hưởng triển vọng vĩ mô thế giới. Nội tại Việt Nam cũng có những thay đổi tác động lên thị trường chứng khoán, nhất là trong tháng 4/2022. Vì vậy, VESAF tập trung đẩy mạnh quản trị rủi ro.
Bà Nguyễn Hoài Phương cũng cho biết, dù thị trường có nhiều rủi ro, song một số ngành vẫn tăng trưởng tích cực, như xuất khẩu, hóa chất, bán lẻ, công nghệ, logistic, bất động sản khu công nghiệp… Đây cũng là chủ đề đầu tư mà VESAF phân bổ rất nhiều trong 2 năm qua và tiếp tục tăng tỷ trọng ở một số doanh nghiệp có triển vọng tốt hơn như Vĩnh Hoàn, Hoá chất Đức Giang, Cao su Đồng Phú…
Bà Nguyễn Thị Hằng Nga - Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Đầu tư của VCBF phân tích, diễn biến thị trường trong 6 tháng đầu năm 2022 đã cho thấy việc đầu tư vào thị trường cổ phiếu không dễ dàng. Đã có tới khoảng 1/5 số cổ phiếu trên HOSE mất hơn một nửa giá trị trong thời gian này; trong đó nhiều cổ phiếu mất tới gần 3/4 giá trị.
Chính việc không chạy theo các cơ hội đầu tư ngắn hạn, mang tính cơ hội và đầu cơ mà tập trung đầu tư vào một danh mục đa dạng các cổ phiếu cơ bản với mức định giá hợp lý đã giúp các quỹ cổ phiếu của VCBF chỉ giảm ở mức tương đương với một phiên giảm sàn của một cổ phiếu trên sàn HOSE trong giai đoạn thị trường cực kỳ biến động này. Đặc biệt, đối với quỹ mới VCBF-MGF, sự kiên trì và kỷ luật cao trong giải ngân, quỹ đã thực hiện đầu tư thành công vào các công ty có triển vọng tăng trưởng cao ở mức giá hấp dẫn - bà Hằng Nga chia sẻ.
Mặc dù không nhận định xu hướng thị trường trong ngắn hạn, song đại diện VCBF chỉ ra rằng, ngoại trừ giai đoạn lãi suất và lạm phát rất cao từ giai đoạn 2010-2013, mức định giá thị trường P/E dưới 12,5 lần thường chỉ duy trì trong thời gian rất ngắn, dưới 3 quý. Thị trường chứng khoán cũng thường giảm trước giai đoạn khủng hoảng kinh tế hơn là trong khủng hoảng và thường hồi phục rất nhanh, mạnh sau đó. Vì vậy, giai đoạn này là cơ hội vàng cho các nhà đầu tư mong muốn tăng tỷ trọng đầu tư vào cổ phiếu cho mục tiêu nắm giữ dài hạn.
- Chứng khoán ngày 4/7: Lực cung tăng mạnh, Vn-Index giảm hơn 3 điểm
- Chứng khoán ngày 15/6: Khối ngoại trở lại bán ròng, VN-Index giảm hơn 16 điểm
- Mở phiên sáng 19/5, VN-Index rơi hơn 27 điểm
"VCBF sẽ tiếp tục vận hành và đầu tư theo triết lý đầu tư nắm giữ dài hạn một danh mục đa dạng các công ty có chất lượng cao và được định giá ở mức hợp lý và tin rằng phương pháp đầu tư này sẽ tiếp tục mang lại lợi nhuận vượt trội cho các nhà đầu tư của quỹ trong dài hạn nhưng vẫn giảm thiểu rủi ro trong ngắn hạn như các quỹ VCBF đã làm được trong quá khứ", đại diện VCBF cho biết.
Các chuyên gia của VinaCapital cũng cho rằng, mặc dù những biến động của thị trường chứng khoán trong ngắn hạn có thể chưa kết thúc sớm, do Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vẫn còn tăng lãi suất; cộng thêm tâm lý nhà đầu tư trong nước bị ảnh hưởng bởi những vi phạm gần đây trên thị trường chứng khoán và các quy định chặt chẽ hơn đối với lĩnh vực bất động sản.
Tuy nhiên, VinaCapital giữ nguyên quan điểm, với P/E năm 2022 là 11,8 lần, mức định giá hiện tại của thị trường chứng khoán Việt Nam là hấp dẫn cho đầu tư dài hạn. Trong thời gian tới, nhà đầu tư có thể kỳ vọng vào việc Ngân hàng Nhà nước cấp thêm hạn mức tín dụng về tăng trưởng tín dụng và tình hình lạm phát sẽ dịu bớt.
H.Chung/TTXVN