Vì sao có ngày giỗ Tổ sân khấu?
Đây là một tin vui đối với ngành sân khấu. Song không phải ai cũng biết vì sao ngày 12/8 âm lịch lại là ngày giổ Tổ truyền thống, và đó là “tổ” của loại hình sân khấu nào?
Truyền thuyết “hai ông hoàng mê hát”
Giỗ Tổ sân khấu vốn là một hoạt động mang tính lễ hội truyền thống được tổ chức vào ngày 12/8 Âm lịch hàng năm. Đây là dịp để các nghệ sĩ cùng tụ họp thể hiện lòng biết ơn thành kính đối với Tổ nghiệp, với những bậc tiền bối có nhiều đóng góp cho sự phát triển của ngành sân khấu.
Có nhiều truyền thuyết về nguồn gốc giỗ tổ sân khấu mà được nhắc đến nhiều nhất là truyền thuyết về “Hai ông hoàng mê hát”.
NSND Đinh Bằng Phi cho biết, trên bàn thờ tổ hát bội có thờ tượng hai em bé mà theo truyền thuyết là hai hoàng tử. Vì hiếm muộn nên để tạ ơn trời đất đã ban cho mình hai đứa con, nhà vua bèn lập đoàn hát biểu diễn trong cung ca ngợi công ơn trời đất để tỏ lòng thành của mình. Không ngờ hai hoàng tử lại quá ham coi hát, thường xuyên trốn trong buồng coi hát và chết luôn trong buồng hát vào ngày 12/8 Âm lịch. Người nghệ sĩ mượn hai vị hoàng tử này làm hai vị thần phù hộ cho nghề hát và ngày mất của hai vị trở thành ngày giỗ Tổ.
Từ giỗ Tổ đến Ngày Sân khấu
Ban đầu, giỗ Tổ chỉ bó hẹp ở địa hạt của nghệ thuật truyền thống như: hát bội, cải lương, dần dần đã trở thành ngày hội chung của mọi người làm việc trong lĩnh vực giải trí với sự tham gia của đông đảo những nghệ sĩ kịch nói, diễn viên điện ảnh, ca sĩ, người mẫu… Mọi năm, mỗi đơn vị thường tổ chức giỗ Tổ riêng với các hoạt động chủ yếu: thắp nhang cho Tổ nghiệp, biểu diễn cho Tổ xem và tụ họp liên hoan.
Việc “chạy sô” ăn giỗ Tổ từ sân khấu này sang sân khấu khác cũng là một nét độc đáo, thú vị và để lại nhiều kỷ niệm trong công việc của các phóng viên gắn bó với mảng sân khấu.
Với việc ngày 12/8 AL hằng năm làm Ngày Sân khấu Việt Nam, ông Lê Duy Hạnh, chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM, cho biết: “Đây sẽ là ngày của liên hoan, hội diễn tôn vinh những vở diễn, những vai diễn xuất sắc trong năm. Cũng là dịp tổng kết đánh giá một năm hoạt động sân khấu. Sân khấu cả nước sẽ phát huy tinh thần “uống nước nhớ nguồn” thăm viếng những nghệ sĩ già yếu, neo đơn …”
Chương trình mừng Ngày Sân khấu VN Chào mừng ngày Sân khấu Việt Nam (lần I), vào ngày 19/9 (12/8 Âm lịch), Hội Sân khấu TP.HCM sẽ tổ chức các hoạt động triển lãm và văn nghệ với quy mô lớn. - Triển lãm Lịch sử sân khấu Việt Nam những chặng đường vàng son sẽ diễn ra tại trụ sở Hội Sân khấu TP.HCM (5B Võ Văn Tần) với những hình ảnh tư liệu quý giá về quá trình phát triển của sân khấu Việt Nam. - Chương trình biểu diễn văn nghệ thể hiện những bước đường phát triển của sân khấu Việt Nam do NSƯT Hoa Hạ dàn dựng sẽ diễn ra tại rạp Hưng Đạo vào 19h45 cùng ngày. Chương trình gồm nhiều nội dung đặc sắc như: chiếu phim tư liệu Những người mở đường; trình diễn âm nhạc truyền thống Tiếng tơ vàng; trình diễn Phục trang và hóa trang sân khấu những vai diễn ấn tượng; biểu diễn ba trích đoạn sân khấu nổi tiếng; cùng những tiết mục chúc mừng Ngày Sân khấu Việt Nam của ca sĩ Hương Lan, Đàm Vĩnh Hưng, Đức Tuấn… Trước đó ngày 18/9, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cũng sẽ tổ chức chương trình chào mừng Ngày Sân khấu Việt Nam tại Nhà hát Lớn Hà Nội. |