Vì sao chỉ dặm phấn vài giây trên sân khấu Rihanna đã đem lại 132 tỷ đồng?
Chiến lược truyền thông nhờ người nổi tiếng giúp các nhãn hàng tăng trưởng doanh thu một cách bền vững.
Rihanna đã được nhắc đến rất nhiều trên MXH vài ngày gần đây với màn xuất hiện ấn tượng trong Super Bowl. Bên cạnh đó, màn dặm phấn ngay trên sân khấu cũng đã tạo ra mức ảnh hưởng khổng lồ đến thương hiệu Fenty Beauty của riêng cô. Theo Launchmetrics, chỉ sau vài giây dặm phấn, Rihanna đã đem về 5,6 triệu đô la (132 tỷ đồng) giá trị truyền thông cho Fenty Beauty. Đồng thời, màn trình diễn này cũng giúp thu về 2,6 triệu đô la (61 tỷ đồng) doanh thu cho thương hiệu Savage x Fenty. Lượt đề cập đến từ khóa "Fenty" đã tăng đến 717% trên Twitter và TikTok.
Có thể thấy mức ảnh hưởng to lớn từ người nổi tiếng đến thói quen chi tiêu của người tiêu dùng. Với tầm quan trọng ngày càng tăng của phương tiện truyền thông xã hội trong hành trình mua hàng, các công ty đang phát triển và đẩy mạnh độ nhận diện thương hiệu.
Tâm lý đằng sau hành vi mua sản phẩm do người nổi tiếng quảng bá
Người tiêu dùng có khả năng ghi nhớ cao đối với các sản phẩm được người nổi tiếng giới thiệu, bất kể họ có hâm mộ ca sĩ hay diễn viên đó hay không. Bộ não con người nhận diện những người nổi tiếng như cách nhận ra bạn bè và người thân của chúng ta. Đặc biệt, người tiêu dùng sẽ đánh giá cao hơn các sản phẩm được thần tượng của mình giới thiệu, như thể họ đang nhận được lời khuyên từ 1 người bạn thân thiết.
Với việc những người nổi tiếng quảng bá sản phẩm, các thương hiệu có thể nâng cao nhận thức, sự tin tưởng và mức độ quen thuộc, đây là những yếu tố quan trọng trong quá trình ra quyết định mua hàng. Bên cạnh đó, trong tiềm thức, mọi người tin rằng việc mua một sản phẩm được quảng bá bởi thần tượng của mình sẽ giúp họ nổi bật và trở thành người mà bản thân ngưỡng mộ. Họ sẽ liên kết sự thành công, sắc đẹp, kỹ năng thể thao,... của những người nổi tiếng với một sản phẩm cụ thể.
Các thương hiệu đang tận dụng điều đó bằng cách sử dụng ngày càng nhiều các cộng đồng truyền thông xã hội của những người nổi tiếng. Phương tiện truyền thông xã hội là một cách để người tiêu dùng, đặc biệt là những người thuộc nhóm nhân khẩu học trẻ tuổi, tương tác và xây dựng kết nối mật thiết với những người nổi tiếng mà họ theo dõi. Từ đó, các thương hiệu có thể quảng bá sản phẩm của mình thông qua MXH của người nổi tiếng. Chẳng hạn như Kim Kardashian hay Justin Bieber, có thể được trả 20.000 đô la cho một bài đăng trên MXH dài 140 ký tự.
Sự chứng thực của người nổi tiếng thường được coi là chiếc lược truyền thông hiệu quả cho các thương hiệu để nâng cao nhận thức, xây dựng uy tín và quảng bá sản phẩm. Khoảng 14-19% quảng cáo được phát sóng ở Mỹ có sự góp mặt của những người nổi tiếng. Chỉ riêng Nike được cho là đã chi 475 triệu đô la hàng năm để vận động viên quảng bá thương hiệu của họ. Marketwatch báo cáo rằng một thông báo đơn giản từ một thương hiệu ký hợp đồng với người nổi tiếng hoặc vận động viên có thể khiến giá cổ phiếu tăng nhẹ và tăng doanh thu trung bình 4%.
Mặc dù sự chứng thực của người nổi tiếng chắc chắn giúp thu hút người tiêu dùng, nhưng ảnh hưởng trực tiếp của nó đối với quyết định mua hàng là không rõ ràng. Trong cuốn sách Ý tưởng đương đại và nghiên cứu về tiếp thị, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng 85% số người được khảo sát nói rằng người nổi tiếng đã nâng cao niềm tin và sự ưa thích của họ đối với sản phẩm. Nhưng chỉ 15% chia sẻ rằng người nổi tiếng có tác động đến quyết định mua hàng của họ.
Chất lượng sản phẩm vẫn là yếu tố tiên quyết
Khi người tiêu dùng ngày càng tiếp cận thông tin nhanh hơn, niềm tin mù quáng vào sự chứng thực của người nổi tiếng đang bắt đầu suy yếu. Họ sẽ bị thu hút bởi một thương hiệu vì người nổi tiếng, nhưng họ sẽ nhanh chóng rời đi nếu sản phẩm không chất lượng. Chính chất lượng sản phẩm giúp giữ chân người tiêu dùng chứ không phải người nổi tiếng. Người tiêu dùng nhận thức rõ hơn về những gì họ đang mua.
Nhà xây dựng thương hiệu Charles R. Pettis III chia sẻ: “Thương hiệu là hình ảnh trực quan, cảm xúc, lý trí và văn hóa độc quyền mà bạn liên kết với một công ty hoặc sản phẩm". Những thương hiệu đánh mất tính hợp lý, giá trị cảm xúc, hình ảnh trực quan và văn hóa, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh những sản phẩm không có chất lượng, sẽ khiến họ ngày càng xa rời hình ảnh thương hiệu ban đầu.
Một thương hiệu cần cho người tiêu dùng biết lý do tại sao một sản phẩm lại có ý nghĩa đối với họ bằng tư cách cá nhân, và họ có thể giải quyết vấn đề gì với sản phẩm đó, chứ không chỉ dựa ca sĩ, diễn viên, vận động viên hay biểu tượng văn hóa đại chúng ngoài đời thực. Nếu không, sản phẩm sẽ mất giá trị theo thời gian và người tiêu dùng sẽ là những người đầu tiên quay lưng với thương hiệu.
Theo investopedia, zoovu