Vì sao các 'ông lớn' Premier League nên học Bayern cách tiêu tiền?
(Thethaovanhoa.vn) – Hồi đầu tháng này, Bayern Munich đã khiến những người quan tâm đến họ phải bàn tán xôn xao khi bỏ ra số tiền kỷ lục để đưa về Allianz Arena một cầu thủ khá vô danh có tên Corentin Tolisso.
- Vì sao Bayern Munich chi nhiều tiền để có Tolisso?
- Sanchez sắp cập bến Man City, không phải Bayern Munich
- Bayern Munich trả lương cao ngất, Alexis Sanchez lập tức lên tiếng về tương lai
Tolisso là một tiền vệ 22 tuổi người Pháp và anh trở thành chữ ký đắt giá nhất trong lịch sử “Hùm xám” khi Lyon chấp thuận mức phí chuyển nhượng 36,5 triệu bảng.
Chính thương vụ này làm người ta ngớ người ra không chỉ bởi danh tiếng nghèo nàn của Tolisso mà còn bởi cho đến năm 2017, kỷ lục chuyển nhượng của Bayern mới là 36,5 triệu trong khi ai cũng biết, bao năm qua, đội bóng xứ Bavarian nhiều ngôi sao thế nào và mua sắm rầm rộ ra sao.
Khi bạn nhìn vào những Arjen Robben, Mats Hummels, Robert Lewandowski, Franck Ribery, Manuel Neuer và Arturo Vidal, bạn không thể không đặt câu hỏi về kỹ nghệ đàm phán chuyển nhượng của Bayern và không thể không có sự so sánh với những CLB tại Premier League.
Robben đã vô địch Premier League 2 lần với Chelsea và 1 La Liga cùng Real Madrid trước khi chuyển đến “Hùm xám” với giá 20,4 triệu bảng.
Mats Hummels, một nhà vô địch World Cup, một cầu thủ đã 2 lần lên ngôi tại Bundesliga mà chỉ tiêu tốn của Bayern 29,75 triệu bảng. Trong khi đó, Vidal đã vô địch Serie A 4 lần với Juventus và nâng cúp tại Copa America cùng Chile trước khi chuyển tới Đức bằng mức giá 31,45 triệu bảng.
Neuer, giá chuyển nhượng 30 triệu bảng khi đã là thủ thành số 1 nước Đức. Ribery, chữ ký 21,25 triệu bảng đã từng xuất hiện ở Chung kết World Cup cùng Pháp. Đó là chưa kể đến Robert Lewandowski.
Giống Hummels, ngôi sao người Ba Lan đã vô địch Bundesliga trước khi chuyển đến Bayern theo dạng chuyển nhượng tự do, một thương vụ chứng tỏ rõ ràng tầm vóc của bộ phận chuyển nhượng “Hùm xám”.
Mọi người có thể sẽ tranh cãi rằng Robben của thời điểm 25 tuổi (8 năm trước) chắc chắn sẽ có giá cao hơn nhiều nếu đặt vào hoàn cảnh bây giờ. Cũng sẽ có ý kiến cho rằng Bayern không vấp phải sự canh tranh, giằng xé về giá cả ở giải quốc nội như Premier League bởi không có CLB nào ở Đức mạnh mẽ về tài chính như họ.
Nhưng, nên nhớ rằng, TTCN là chuyện của cả làng túc cầu, Bayern còn phải cạnh tranh với nhưng đại gia khác như Real Madrid, Barcelona, Manchester United, Manchester City, Chelsea hay phần nào đó là Arsenal.
Cạnh tranh như vậy mà kể từ năm 2001, họ lọt vào 4 trận Chung kết Champions League và 2 lần giành chiến thắng với những cầu thủ có giá trị thấp hơn Tolisso.
Ấn tượng hơn, đặc biệt khi chúng ta so sánh với tổng số tiền mà các CLB Anh đã tiêu trên TTCN nhưng hiệu quả thì quả một trời một vực.
Fernando Torres tới Chelsea, Andy Carroll tới Liverpool và Angel di Maria tới Man United chắc chắn sẽ luôn ám ảnh những người theo dõi Premier League. Thời gian sẽ còn trả lời nhiều cái tên nữa như số tiền gần 50 triệu bảng mà Man City mua về John Stones và Raheem Sterling hay 51 triệu bảng của Man United cho Anthony Martial.
Tại Premier League, không có nhiều bản hợp đồng chất-từng-xu như Luis Suarez đến Liverpool với giá 23 triệu bảng, N’Golo Kante đến Leicester với giá 5,6 triệu. Kể cả muốn tìm một thương vụ tương tự như việc Chelsea bỏ ra 32 triệu bảng để đưa Kante về cũng đã rất khó rồi.
Nhưng, ở Bayern, những hợp đồng kiểu đó diễn ra rất thường xuyên và ổn định. Có chăng chỉ có Arsenal là mang đến cho người ta phần nào cái cảm giác mua sắm chừng mực và chỉn chu. Còn không, những đội bóng lớn khác, họ luôn muốn thể hiện sức mạnh qua đồng tiền.
Chính xác thì Bayern đã mang đến cho Premier League một bài học về cách tiêu tiền. Không phải bạn có nhiều tiền là bạn có thể mua được thành công. Nhiều khi, vung tiền phung phí lại mang vạ vào thân.
Hữu Nam
Theo Mirror