Vì sao Bộ Y tế chưa công bố dịch sởi?
Trước nhiều ý kiến cho rằng Bộ Y tế cần công bố dịch sởi khi dịch đang diễn biến phức tạp tại một số BV như Nhi Trung ương, Bạch Mai… có những ca biến chứng viêm phổi, suy hô hấp phải thở máy, ngày 15/4, PGS.TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết lý do vì sao Bộ Y tế chưa công bố dịch sởi.
Theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu, hiện nay việc công bố dịch thực hiện theo Quyết định số 64/2010/QĐ-TTg ngày 25/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định về điều kiện công bố dịch. Sởi là dịch bệnh nhóm B nên việc công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh trên cơ sở đánh giá tình hình dịch bệnh và khả năng kiểm soát của địa phương.
Hiện nay các địa phương thấy rằng dịch vẫn trong tầm kiểm soát nên chưa công bố. Khi có 2 tỉnh trở lên đồng thời yêu cầu công bố dịch, Bộ Y tế sẽ xem xét để công bố dịch theo thẩm quyền được giao. Còn về các điều kiện khác như vấn đề biến đổi gen, thay đổi độc lực… của vi rút sởi thì các nghiên cứu của Bộ Y tế, cũng như thông báo của Tổ chức Y tế thế giới cũng chưa có gì bất thường.
Việc Bộ Y tế chưa công bố dịch sởi không có nghĩa là không triển khai các hoạt động phòng chống dịch sởi hoặc không cung cấp tình hình bệnh sởi đến người dân. Thực tế trong thời gian vừa qua, Bộ Y tế cùng với các địa phương đã tập trung cao độ, huy động các nguồn lực vào công tác phòng chống bệnh sởi.
Ngay từ đầu năm, trực tiếp Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã chỉ đạo các hoạt động phòng chống dịch bệnh trong đó có bệnh sởi, Bộ Y tế đã yêu cầu các đơn vị trong ngành y tế phối hợp với các đơn vị, địa phương rà soát đối tượng trong độ tuổi tiêm chủng, thực hiện quyết liệt chiến dịch tiêm vắc xin sởi và tiêm vét vắc xin sởi với mục tiêu đạt trên 95% số trẻ dưới 2 tuổi (đối với TP. Hồ Chí Minh là dưới 3 tuổi) chưa được tiêm vắc xin sởi hoặc tiêm chưa đủ mũi được tiêm vắc xin sởi trong dịp này; đã có 63/63 tỉnh, thành phố triển khai chiến dịch tiêm vắc xin sởi này và quyết tâm hoàn thành trong tháng 4/2014.
Các đơn vị y tế cũng đã tập trung hết sức lực làm việc liên tục trong việc điều tra, giám sát để xử lý triệt để các ổ dịch. Đến nay, một số tỉnh miền núi ở phía Bắc như Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Hà Giang, Tuyên Quang… trước đây có số mắc sởi cao tại một số xã nay đã giảm mạnh, chỉ còn ghi nhận một vài ca lẻ tẻ hoặc không còn ghi nhận ca bệnh.
Ông Trần Đắc Phu cho biết, dịch bệnh luôn có những diễn biến phức tạp, Bộ Y tế sẽ tiếp tục nghiên cứu, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh để cung cấp thông tin cho người dân và triển khai các biện pháp phòng chống dịch phù hợp, đồng thời tiếp tục đôn đốc triển khai quyết liệt chiến dịch tiêm vắc xin sởi nhằm kiểm soát hoàn toàn một cách chủ động bệnh sởi trên phạm vi toàn quốc.
Điều kiện công bố dịch bệnh truyền nhiễm
Việc công bố dịch bệnh truyền nhiễm chỉ được thực hiện khi có đủ hai điều kiện sau:
- Có số người mắc bệnh truyền nhiễm vượt quá số người mắc dự tính bình thường của cơ quan y tế tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.
- Có ít nhất một trong các yếu tố nguy cơ sau: Quy mô, tính chất của bệnh dịch vượt quá khả năng kiểm soát của cơ quan y tế tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Bệnh dịch được Bộ trưởng Bộ Y tế xác định có sự biến đổi tác nhân gây bệnh, có nguy cơ làm tăng tỷ lệ tử vong và chưa có biện pháp khống chế hiệu quả; Bệnh dịch có tỷ lệ tử vong cao mà chưa rõ tác nhân gây bệnh và chưa có biện pháp khống chế hiệu quả; Bệnh dịch xảy ra khi có thiên tai, thảm họa.
VnMedia