Vi phạm trên thị trường chứng khoán: Cần cơ chế kiểm soát khi căn bệnh mới manh nha
Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an vừa ra thông báo tìm nhà đầu tư bị thiệt hại do hành vi thao túng chứng khoán của cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết gây ra.
Trước đó, Cơ quan An ninh điều tra của Bộ này cũng đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, Lệnh tạm giam Đặng Như Quỳnh về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân". Các cơ quan chức năng cho biết, sẽ tiếp tục mở rộng điều tra các hành vi vi phạm làm ảnh hưởng đến thị trường tài chính, chứng khoán.
Nhìn nhận những động thái quyết liệt này, hãng tin Bloomberg đánh giá Việt Nam đang đẩy mạnh chiến dịch thanh lọc các thị trường tài chính, xử lý nghiêm các vi phạm nhằm củng cố vị thế là điểm đến cho dòng vốn đầu tư quốc tế.
Đây cũng là nhận định của giới đầu tư, chuyên gia trong và ngoài nước về việc Việt Nam quyết liệt làm trong sạch, minh bạch thị trường chứng khoán - kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế.
Tuy nhiên, điều đáng nói là trước khi cơ quan quản lý ra tay xử lý các vụ việc thì đã có hàng triệu nhà đầu tư bao gồm cả doanh nghiệp niêm yết bị tổn thất nặng nề.
Ngay như sự việc thao túng thị trường chứng khoán của cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Trí Việt Đỗ Đức Nam và Chủ tịch Công ty Louis Holdings Đỗ Thành Nhân, cùng các tin đồn về một số doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán sẽ bị thanh tra chuyên đề về phát hành trái phiếu; người đứng đầu một doanh nghiệp bị bắt tạm giam… đã làm ảnh hưởng tâm lý nhà đầu tư, làm "điêu đứng" các bên tham gia thị trường chứng khoán thời gian gần đây.
Chưa hết, phía sau "cơn lốc" này, rất nhiều doanh nghiệp niêm yết chân chính, có kết quả kinh doanh tốt bị "vạ lây" khi cổ phiếu bị bán tháo, giảm sốc. Thị trường chứng khoán chao đảo, hàng trăm nghìn tỷ đồng vốn hóa bị mất trong những ngày qua, và nguy hại hơn cả là những tác động tiêu cực tới tâm lý và lòng tin của nhà đầu tư.
Không phủ nhận thị trường chứng khoán luôn bị ảnh hưởng bởi yếu tố tâm lý và các luồng thông tin, nhưng sẽ không có gì phải nói khi thông tin được công bố công khai, minh bạch trên các nguồn chính thống. Câu hỏi được đặt ra là phải chăng chế tài xử lý hành vi thao túng, công bố thông tin chưa đủ sức răn đe. Rằng vai trò kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng còn yếu trước tính chất tinh vi, phức tạp trước các chiêu trò thao túng.
Tại Hội nghị phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế diễn ra chiều 22/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã đặt câu hỏi: Tại sao vẫn còn và vẫn để xảy ra các trường hợp thao túng thị trường, vi phạm quy định pháp luật về phát hành trái phiếu doanh nghiệp?
Rõ ràng, nếu như cơ quan chức năng xây dựng được cơ chế kiểm soát, ngăn chặn căn bệnh tung tin đồn, thao túng thị trường chứng khoán từ khi manh nha thì sẽ không có những thiệt hại với nhà đầu tư và việc xử lý hậu quả sẽ dễ dàng hơn.
Sau các tin đồn, các vụ việc được xử lý, đại diện Ủy ban khoán Nhà nước đã lên tiếng trấn an nhà đầu tư cần tỉnh táo với tin đồn chưa được kiểm chứng, đồng thời cho biết sẽ tăng cường các đoàn thanh kiểm tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu bất thường về giao dịch…; Bộ Tài chính cũng rất quan tâm và chỉ đạo quyết liệt Ủy ban chứng khoán Nhà nước và các đơn vị chức năng xử lý nghiêm các sai phạm để tăng cường tính minh bạch, lành mạnh, bền vững cho thị trường chứng khoán.
- Xử lý nghiêm hành vi thao túng, lũng đoạn thị trường chứng khoán
- Khởi tố, bắt tạm giam 2 bị can liên quan đến vụ án 'Thao túng thị trường chứng khoán'
- Ủy ban Chứng khoán Nhà nước yêu cầu công ty chứng khoán báo cáo dư nợ margin của các cổ phiếu họ FLC
Doanh nghiệp, nhà đầu tư, kinh doanh, đầu tư theo đúng pháp luật được quyền đòi hỏi được pháp luật bảo vệ, được quyền yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm đề cao khâu kiểm tra, giám sát để ngăn chặn ngay từ cả ý tưởng vi phạm để không còn tình trạng "mất bò mới lo làm chuồng", "thả gà ra đuổi".
Đại diện Ủy ban chứng khoán Nhà nước cho biết, cơ quan quản lý tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật về xử phạt hành chính, tăng cường năng lực phát hiện vi phạm thông qua xây dựng và trình Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định 128/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 156/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Hy vọng với sự mạnh mẽ quyết tâm của Chính phủ, với sự rốt ráo hoàn thiện quy định pháp luật của cơ quan quản lý, những hành vi vi phạm trên thị trường chứng khoán sẽ bị phát hiện, chặn đứng ngay từ khi manh nha để các nhà đầu tư tin tưởng với môi trường kinh doanh lành mạnh, chứng khoán vận động đúng chức năng dẫn vốn của nền kinh tế.
Thu Hạnh/TTXVN