Vì lợi ích và khát vọng của bóng đá Việt Nam
Đó là một nội dung trong bài phát biểu của Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Văn Hùng tại Đại hội VFF khóa 9. Đây cũng là mong muốn từ các đội bóng, Liên đoàn bóng đá địa phương vào mộ máy lãnh đạo mới của VFF.
Trên thực tế, nhiệm kỳ 8 của VFF đã gặt hái được nhiều thành tích xuất sắc, nhận được sự ủng hộ và tin tưởng của cộng đồng người yêu bóng đá Việt Nam và dư luận xã hội nói chung. Nhưng chính những thành công đó đã tạo ra áp lực, trách nhiệm nặng nề đối với bộ máy lãnh đạo của Liên đoàn bóng đá Việt Nam khóa 9, đứng đầu là tân Chủ tịch Trần Quốc Tuấn.
Để hiện thực hóa mục tiêu Top 10 châu Á, sớm có mặt tại World Cup, người đứng đầu Bộ VH,TT&DL yêu cầu Liên đoàn bóng đá Việt Nam phối hợp cùng Bộ VH,TT&DL, Tổng cục TDTT và các cơ quan chức năng theo dõi và tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đưa bóng đá Việt Nam tới các thành tích cao hơn nữa, đáp ứng sự kỳ vọng to lớn của đông đảo người hâm mộ.
Lời dặn dò: VFF khóa 9 chỉ có lợi ích và khát vọng vì bóng đá Việt Nam, không có lợi ích nào khác của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã được các vị trí trong Thường trực tổ chức này thấm nhuần và chỉ có như thế, bóng đá Việt Nam mới tiếp tục tiến lên.
Đối với mục tiêu tham dự World Cup của đội tuyển bóng đá quốc gia nam, ngay từ khi nhiệm kỳ 8 còn hoạt động, Thường trực VFF đã đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao thành tích của các đội tuyển bóng đá nam, nữ quốc gia và các đội tuyển trẻ, futsal tại các giải đấu quốc tế của AFF, AFC và FIFA trong giai đoạn 2022 – 2026, đặc biệt là hướng tới mục tiêu sớm giành quyền tham dự World Cup bóng đá nam khi FIFA mở rộng số đội tham dự từ 32 lên 48 đội. Đội tuyển Việt Nam đã lần đầu tiên lọt vào vòng loại cuối cùng của một kỳ World Cup, đó là World Cup 2022 nhưng từ đó đến tấm vé chính thức dự World Cup khi quy mô số đội được mở rộng lên thành 48 vẫn còn là cả một vấn đề.
Không chỉ bóng đá Việt Nam đặt ra mục tiêu mà các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á và châu Á cũng nhận thấy cơ hội này và đề ra mục tiêu, dốc sức đầu tư cho việc thực hiện mục tiêu của riêng mình. Chính vì thế, trách nhiệm và thách thức của những người đứng đầu Liên đoàn bóng đá Việt Nam nhiệm kỳ 9 là cực kỳ to lớn. Trong nhiệm kỳ này, bóng đá Việt Nam phải tập trung vào việc xây dựng các mục tiêu chiến lược, phát triển bóng đá Việt Nam, bắt đầu từ việc thống nhất các mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình công tác cho nhiệm kỳ 2022 – 2026 và định hướng các mục tiêu phát triển bóng đá Việt Nam cho giai đoạn tiếp theo.
Phấn đấu bóng đá nước ta phát triển đến năm 2030 đứng trong nhóm 10 quốc gia có nền bóng đá phát triển hàng đầu ở châu Á và sớm có mặt tại VCK World Cup. Điều này cũng phù hợp với thực lực và tiềm năng của bóng đá Việt Nam vì nói như Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á Khiev Sameth tại Đại hội VFF 9, ông không ngạc nhiên nếu đội tuyển Việt Nam giành vé dự VCK World Cup 2026 hay 2030.
Kỳ vọng và thách thức luôn song hành cùng bóng đá Việt Nam trong đó có những người ở cấp điều hành, quản lý và nếu làm việc vì lợi ích chung, ắt hẳn chúng ta sẽ thành công.
Lâm Chi