Vì đó là… Olympic
(Thethaovanhoa.vn) - Dù chưa thi đấu hết các nội dung, nhưng Thể thao Việt Nam coi như đã trắng tay tại Olympic Tokyo 2020. Một lần nữa, dư luận lại chia thành 2 phe: Có những sự ủng hộ, chia sẻ với các tuyển thủ đã nỗ lực hết mình, song cũng có những chỉ trích từ cá nhân đến cả nền thể thao.
1. Không khó để hiểu được sự thất vọng của người hâm mộ, khi mà thành tích quá khứ thường được coi là thước đo cho hiện tại. Thành công ở Rio 5 năm trước cũng như việc giành huy chương ở ba kỳ Thế vận hội liên tiếp, vô hình trung đã phủ một cái bóng quá lớn lên hiện tại, dù có một thực tế không thể phủ nhận: các VĐV của chúng ta không có được sự chuẩn bị tốt nhất, và phong độ thì cũng sa sút đi rất nhiều.
Chiều hôm qua, Ánh Viên về cuối cùng ở vòng loại 800m tự do, sau 9 phút 03 giây 56, và là VĐV duy nhất đạt thành tích trên 9 phút. Cần nhắc lại rằng năm 2015, Viên đã phá kỷ lục SEA Games với thành tích 8 phút 34 giây 85, tức là nhanh hơn hiện tại đến nửa phút. Tất nhiên, Ánh Viên chưa bao giờ được kỳ vọng lớn khi bước ra sân chơi thế giới, nhưng so với chính mình, cô đã sa sút rất nhiều.
Tương tự, Thạch Kim Tuấn, Hoàng Thị Duyên, và Hoàng Xuân Vinh cũng không đạt được thành tích như kỳ vọng của mình. Kim Tuấn tiếp tục bộc lộ điểm yếu tâm lý, còn việc Hoàng Thị Duyên chỉ đứng thứ 5 ở hạng 59kg nữ có một phần lỗi của ban huấn luyện. Trong khi đó, thất bại của Hoàng Xuân Vinh không nằm ngoài dự đoán, dù anh là đương kim vô địch ở nội dung mình tham dự. Xạ thủ này chỉ được tham dự nhờ suất đặc cách, chứ không phải vượt qua vòng loại.
Lãnh đạo ngành thể thao cũng lường trước được những khó khăn mà chúng ta phải đối mặt, nên đã không giao chỉ tiêu giành huy chương. Song rõ ràng, sự thất vọng là không thể tránh khỏi, nhất là khi chúng ta thua kém các đối thủ trong khu vực. Thái Lan và Philippines đều có HCV, trong khi Indonesia có 1 HCB, 2 HCĐ.
2. Người ta thường rất dễ chỉ trích một cá nhân, hay tập thể nào đó, nếu chỉ căn cứ vào kết quả thi đấu thực tế so với thống kê về thành tích tốt nhất, nhưng để tìm hiều ngọn nguồn của thất bại thì không hề đơn giản. Đơn cử như thất bại của đội cử tạ Việt Nam xuất phát từ việc phải cách li tới… 42 ngày sau khi trở về từ giải vô địch châu Á (do có ca F0 trong khu vực cách li). Trong điều kiện dinh dưỡng và tập luyện không như bình thường như thế, việc giữ phong độ là cực khó.
Và nên nhớ đây là Olympic, chứ không phải ASIAD hay SEA Games. Đây là sân chơi thể thao lớn nhất hành tinh, là thước đo chuẩn cho sức mạnh của bất kỳ nền thể thao nào. Điều đó lý giải những cường quốc thể thao như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Úc... luôn chiếm những ngôi đầu. “Nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn” chính là tinh thần của Olympic, nhưng Việt Nam nói riêng, và các nước Đông Nam Á nói chung vẫn còn tồn tại những khoảng cách lớn so với các đoàn thể thao khác ở các môn thể thao đòi hỏi, sức bền, thể lực hay tính đối kháng cao.
Trong bối cảnh ấy, việc xác định cho mình thế mạnh riêng để tranh chấp huy chương là cực kỳ quan trọng với các quốc gia thuộc “vùng trũng” như Đông Nam Á. Thể thao Việt Nam nằm trong nhóm này, nhưng ngay cả những thế mạnh ấy vẫn chưa đủ tầm.
Tuấn Cương