Về vụ bắt giữ CEO Telegram Pavel Durov
Sau 4 ngày bị bắt và thẩm vấn, nhà sáng lập, Giám đốc điều hành (CEO) Telegram Pavel Durov đã được tại ngoại vào tối ngày 28/8/2024. CEO Telegram Pavel Durov bị buộc tội tại Pháp với các cáo buộc liên quan đến tội phạm có tổ chức và từ chối hợp tác với cơ quan chức năng. Ông được cho tại ngoại với điều kiện nộp 5 triệu euro bảo lãnh, nhưng bị cấm xuất cảnh khỏi Pháp.
CEO Pavel Durov đối mặt nhiều cáo buộc
Ông Duvrov, 39 tuổi, hiện có quốc tịch Nga, Pháp, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Saint Kitts & Nevis.
Năm 2013, tỷ phú công nghệ này đã sáng lập Telegram. Ứng dụng nhắn tin này đã phát triển theo cấp số nhân, khi hiện có trên 900 triệu người dùng. Tạp chí Forbes ước tính giá trị tài sản của ông Durov hiện là 15,5 tỷ USD. Ứng dụng do ông sáng lập có ảnh hưởng ở Nga, các nước thuộc Liên Xô trước đây.
Ông đến định cư ở Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) vào năm 2024.
Ngày 24/8/2024, tỷ phú Durov đã bị bắt ngay khi hạ cánh xuống sân bay tại Pháp để phục vụ một cuộc điều tra sơ bộ của cảnh sát tập trung vào cáo buộc Telegram thiếu các biện pháp kiểm duyệt.
Ngày 27/8, Công tố viên thủ đô Paris của Pháp, bà Laure Beccuau, thông báo CEO Telegram bị bắt để điều tra về 12 cáo buộc hình sự, liên quan đến việc thiếu sự kiểm duyệt nội dung trên ứng dụng này. Bà cho biết vụ bắt giữ diễn ra trong khuôn khổ một cuộc điều tra tư pháp bắt đầu từ ngày 8/7, tiếp sau cuộc điều tra do đơn vị chống tội phạm mạng thuộc Văn phòng Công tố Paris khởi xướng.
Sau 4 ngày bị bắt và thẩm vấn, tối ngày 28/8, Công tố viên Laure Beccuau thông báo các thẩm phán điều tra tại tòa án Paris đã quyết định mở cuộc điều tra chính thức với CEO Telegram. Các thẩm phán điều tra cáo buộc CEO Telegram liên quan đến một nhóm có tổ chức, bao gồm đồng lõa trong việc quản lý một nền tảng trực tuyến để thực hiện giao dịch bất hợp pháp. Ông cũng bị cáo buộc từ chối chia sẻ thông tin theo yêu cầu của giới chức, phát tán trong một nhóm có tổ chức nội dung khiêu dâm trẻ em, buôn bán ma túy, lừa đảo và rửa tiền.
Với những cáo buộc này, nhà sáng lập Telegram Pavel Durov có thể phải đối mặt với án tù lên đến 20 năm hoặc bị dẫn độ sang Mỹ. Đây là một trong số ít trường hợp CEO của một nền tảng internet lớn bị buộc tội vì không kiểm duyệt hành vi của người dùng trên nền tảng của mình.
Ông Durov được tại ngoại sau khi nộp bảo lãnh 5 triệu euro (5,5 triệu USD). Tuy nhiên, ông bị cấm xuất cảnh khỏi Pháp và phải trình diện tại đồn cảnh sát hai lần mỗi tuần.
Những ảnh hưởng
Phản ứng trước việc CEO Telegram Pavel Durov bị bắt, Telegram khẳng định ông Durov không có gì che giấu và thường xuyên di chuyển ở châu Âu. Ứng dụng này tuân thủ luật pháp của Liên minh châu Âu, trong đó có Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số. Telegram tự cho đây là một nền tảng "trung lập", trong khi các nền tảng của Mỹ bị chỉ trích do việc sử dụng dữ liệu cá nhân của người dùng cho mục đích thương mại.
Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 26/8 trên mạng xã hội X đã phủ nhận việc bắt giữ ông Durov mang động cơ chính trị mà quyết định này nằm trong một cuộc điều tra tư pháp đang diễn ra. Ông chia sẻ việc đưa ra phán quyết về vấn đề này tùy thuộc vào các thẩm phán.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định sẵn sàng cung cấp hỗ trợ cần thiết vì ông Durov có quốc tịch Nga. Tuy nhiên, tình hình phức tạp hơn do ông Durov cũng là công dân Pháp. Ông Peskov nhấn mạnh những cáo buộc rất nghiêm trọng và cần có bằng chứng xác đáng. Nếu không, đây sẽ là nỗ lực trực tiếp nhằm hạn chế quyền tự do giao tiếp và đe dọa người đứng đầu một công ty lớn.
UAE đã đề nghị bảo hộ lãnh sự cho nhà sáng lập Telegram. Bộ Ngoại giao UAE ra thông báo nêu rõ UAE theo dõi sát sao trường hợp của công dân này. UAE đã gửi đề nghị tới Chính phủ Cộng hòa Pháp để cung cấp cho ông này các dịch vụ lãnh sự cần thiết theo hình thức khẩn cấp.
Theo các nhà phân tích, ứng dụng Telegram vốn nổi bật với mức độ bảo vệ quyền riêng tư cao. Được ra mắt vào năm 2013, Telegram đã phát triển từ một ứng dụng tin nhắn đơn thuần thành một mạng xã hội mạnh mẽ với một loạt các tính năng vượt xa so với tính năng nhắn tin văn bản cơ bản.
Số lượt tải xuống ứng dụng Telegram trên App Store thực tế đã tăng ở Pháp và Mỹ. Cổng thông tin TechCrunch trích dẫn dữ liệu từ các công ty phân tích cho biết tại Pháp, ứng dụng này đã vươn lên vị trí số 1 trong danh mục các mạng xã hội trên App Store được tải xuống và lên vị trí thứ 3 trong số tất cả các ứng dụng. Trong bảng xếp hạng các ứng dụng phổ biến nhất ở Mỹ, không bao gồm trò chơi, Telegram đã tăng từ vị trí thứ 18 lên vị trí thứ 8. Theo công ty phân tích Sensor Tower, số lượt tải ứng dụng Telegram xuống các thiết bị sử dụng hệ điều hành iOS trên toàn thế giới đã tăng 4% chỉ trong một ngày (ngày 25/8).
Hiện nay, Telegram cung cấp các kênh ẩn danh nơi mọi người có thể chia sẻ thông tin. Đây cũng là một nguồn tin tức cho người dùng. Bên cạnh đó, Telegram còn có các ứng dụng phần mềm chạy các tác vụ tự động hóa trên mạng. Ngoài ra, ứng dụng này còn có các tính năng tiền điện tử cho phép người dùng mua và bán hàng hóa và dịch vụ.
Điều làm cho Telegram khác biệt so với nhiều ứng dụng nhắn tin khác là trọng tâm vào quyền riêng tư và bảo mật. Ứng dụng này sử dụng mã hóa để bảo vệ tin nhắn của người dùng và được biết đến với lập trường chống kiểm duyệt. Điều này đã khiến Telegram trở nên phổ biến ở nhiều quốc gia.
Với tầm ảnh hưởng của ông Durov trong ngành công nghệ và mức độ phổ biến của Telegram trên toàn cầu, vụ bắt giữ ông Durov là một bất ngờ đối với nhiều người. Lý do đằng sau vụ việc này chưa sáng tỏ hoàn toàn, nhưng dư luận đang có nhiều suy đoán và lo ngại về số lượng người dùng khổng lồ của Telegram.
Khi tin tức về việc ông Durov bị cảnh sát Pháp bắt giữ những ngày qua đã gây hoang mang cho giới công nghệ và tạo hiệu ứng tài chính ngay lập tức. Đồng tiền điện tử Toncoin, vốn có liên hệ chặt chẽ với Telegram, đã giảm giá 13% sau khi có thông tin về việc bắt giữ ông Durov.
Việc bắt giữ ông Pavel Durov là một sự kiện địa chấn trong giới công nghệ, đã đặt ra nhiều câu hỏi về tương lai của Telegram. Diễn biến này cho thấy những thách thức mà các nền tảng trên toàn cầu đang phải đối mặt.
Thời gian tới, các thủ tục pháp lý liên quan đến vụ việc trên sẽ là tâm điểm chú ý, nhất là các cáo buộc đối với ông Durov và phản ứng của ông. Trong bối cảnh này, các hoạt động hàng ngày của Telegram có thể gặp gián đoạn, và công ty này có thể cần nhân sự lãnh đạo tạm thời. Những lo ngại về quyền riêng tư của người dùng cũng có thể tăng lên, buộc Telegram phải giải quyết những vấn đề này để duy trì niềm tin của người dùng.