Về quê trồng loại "rau Hoàng đế", nhiều người kiếm hàng trăm triệu/năm: Từng rất khan hiếm trên thị trường, giá trị cực cao
Đây còn được ví là “cây nhà giàu” vì ngày trước, chúng chủ yếu được nhập từ nước ngoài nên có giá thành rất cao, không thể đến tay nhiều người tiêu dùng. Gần đây, nhiều người rời phố về làng, mang theo tri thức mới để trồng thử nghiệm loại cây này tại Việt Nam thì thu hoạch lợi nhuận rất khả quan.
Loại cây "vua" đã giúp nhiều người kiếm được lợi nhuận này chính là măng tây. Đây là loại thực phẩm vừa dinh dưỡng, vừa ngon miệng nên được rất nhiều người ưa chuộng.
Măng tây có nguồn gốc từ các nước châu Âu như Tây Ban Nha, Ireland, Anh, Đức… Và hiện nay được nhập về trồng khá nhiều ở Việt Nam. Khá phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu của nhiều tỉnh ở nước ta lại mang lại giá trị kinh tế cao nên măng tây ngày càng được nhiều bà con nông dân ưa trồng.
Không chỉ ở các vùng Đông Anh (Hà Nội), Đức Trọng (Lâm Đồng) mà hiện nay bản đồ diện tích trồng măng tây ở Việt Nam đã được mở rộng ra trên nhiều tỉnh thành trong cả nước như Bình Phước, TP. Hồ Chí Minh, Long An, Đồng Nai, Phú Yên, Quảng Nam, Ninh Thuận…
Đây là loại cây thân thảo, trồng 1 lần nhưng có thể cho thu hoạch nhiều vụ trong năm và liên tục trong nhiều năm. Mỗi năm, cây măng tây có thể cho thu hoạch từ 3 đến 4 lứa, mỗi lứa 2-3 tháng. Cây măng tây có thể sống tới 20-25 năm và thời điểm cho thu hoạch tốt nhất là trong khoảng 9-10 năm đầu.
Hiện nay, tại Tuyên Quang, trung bình giá măng tây bán trên thị trường đạt 50.000 - 60.000 đồng/kg, có thời điểm 100.000 đồng/kg. Khi đưa vào các siêu thị, giá thành có thể tiếp tục tăng lên sau khi bao gồm thêm các chi phí đầu vào và vận chuyển khác. Nếu là loại măng tây tươi hữu cơ, giá bán cuối cùng có thể cao hơn nữa.
Anh H.C (Nam Định) cũng từng sở hữu công việc có thu nhập lên tới hàng nghìn USD/tháng tại Hà Nội. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu về quy trình trồng măng tây, anh đã nhìn ra tiềm năng làm giàu từ loại cây này, quyết tâm về quê làm nông dân.
"Cái chính là tìm được vùng đất đai có điều kiện tốt, giàu dinh dưỡng, thời tiết phù hợp để phát triển măng tây quy mô lớn", anh cho biết.
Đầu tư suốt 4 năm, anh đã sở hữu hơn 2.000m2 diện tích trồng măng tây. Trung bình mỗi ngày, anh thu hoạch được khoảng 30-35 kg. Tùy thuộc vào chất lượng và chủng loại, mỗi kg măng tây thương phẩm hiện có giá dao động từ 50.000 - 70.000 đồng/kg.
Như vậy, tối thiểu anh có thể thu về khoảng 45 triệu đồng/tháng, tương đương 540 triệu đồng/năm.
So với các loại cây khác, măng tây đem lại giá trị kinh tế cao hơn gấp nhiều lần. Thời gian tới, anh H.C còn dự tính tiếp tục mở rộng vườn măng tây của mình.
Chị M.T.N, ở Tuyên Quang, sở hữu vài sào trồng măng tây cũng cho biết, so với trồng ngô, lúa thì trồng măng tây hiệu quả kinh tế cao hơn gấp 5 đến 7 lần, có vườn cao hơn gấp 10 lần.
Cây măng tây có thể cao 100-150 cm.
Có 3 giống măng tây chính: măng tây xanh, măng tây trắng và măng tây tím. Ở Việt Nam, người dân thường trồng măng tây xanh.
Thân cây măng tây có 2 loại: thân ngầm (thân rễ) và thân khí sinh. Thân rễ mọc ngầm trong đất. Thân rễ dày, mang nhiều rễ dài, đường kính 5-6 mm, màu nâu sáng, xốp. Thân khí sinh là các thân đứng, mọc trong không khí; trên thân có những vết sẹo của những nhánh đã rụng.
Măng tây thích hợp với vùng khí hậu nhiệt đới. Nhiệt độ phát triển tốt nhất đối với cây này là khoảng 24-27 độ C. Loại cây này ưa sáng; độ ẩm không khí thích hợp từ 60%-70%, độ ẩm đất 70%-75%; yêu cầu lượng mưa thấp dưới 1.000 mm/năm; đất tơi xốp, giàu dinh dưỡng, nhiều mùn, độ pH từ 6,0-7,5 và thoát nước tốt.
Măng tây có giá trị dinh dưỡng và giá trị kinh tế cao (Ảnh minh họa)
Măng tây có giá trị dinh dưỡng và giá trị kinh tế cao. Bên cạnh việc sử dụng làm rau, măng tây còn được y học dùng làm vị thuốc chữa được nhiều chứng bệnh như mất ngủ, tăng cường hệ miễn dịch, chống lão hóa, tốt cho đường ruột.
Loại cây này cũng cung cấp flavonoid, chất xơ, protein và axit folic (rất hữu ích trong việc gặt hái những lợi ích của vitamin B12 và trong việc tạo ra các tế bào hồng cầu mới). Đồng thời, nó cũng chứa rất nhiều khoáng chất - canxi cải thiện sức khỏe xương, sắt giúp bổ máu, kali giúp giảm cao huyết áp và nhiều loại chất bổ ích khác như kẽm, magie, đồng, selen…
(Tổng hợp / Ảnh: Internet)