'Về nhà đi con' đến hồi kết: Thay đổi nếp nghĩ nhiều ông bố, bà mẹ
(Thethaovanhoa.vn) - Phải tới ngày 12/8 tới, Về nhà đi con (đã công chiếu 72 tập) mới đi hết hành trình 85 tập phim của mình. Nhưng, với hiệu ứng mạnh mẽ vượt qua tất cả các phim trong và ngoài nước chiếu cùng thời điểm trên VTV, đây chắc chắn là bộ phim truyền hình Việt Nam hay nhất năm 2019.
>> Xem lại Full HD Về nhà đi con tập 73
https://www.vtvgiaitri.vn/video/ve-nha-di-con-tap-73-335-3875
>> Link xem trực tiếp tập 74 Về nhà đi con lúc 21h tối thứ Sáu 26/7 trên kênh VTV1
https://vtv.vn/truyen-hinh-truc-tuyen/vtv1.htm
https://vtvgo.vn/xem-truc-tuyen-kenh-vtv1-1.htm
>> Link xem lại trọn bộ phim Về nhà đi con trên VTV Giải trí
https://www.vtvgiaitri.vn/title/ve-nha-di-con
1. Về nhà đi con – Câu nói của ông Sơn với Thư – cô con gái đau khổ mà ông hết mực yêu thương đã không chỉ gây nên cơn “địa chấn” cảm xúc cho khán giả, mà còn mang thông điệp “phá bỏ rào cản và tư duy lạc hậu” của rất nhiều người bởi ảnh hưởng văn hoá sống từ thời phong kiến. Vì thế, “Về nhà đi con” chính là thông điệp hay nhất của bộ phim này!
- 'Về nhà đi con' tập 73: Vũ ghen khi Thư thân mật với Dũng, Quốc giận khi nhìn Huệ ôm Khải
- 'Về nhà đi con' tập 72: Thư và Vũ chính thức ly hôn, Khải tới chúc mừng Huệ nhân ngày trọng đại
Chỉ một câu nói đó thôi đã đủ phản ánh tình trạng bao lâu nay của quan điểm sống đa số người Việt từ thế hệ 7x trở về trước. Với quan điểm "nhịn" để có một cuộc sống tưởng như "hoà thuận, hạnh phúc", biết bao người phụ nữ đã phải tự chôn mình trong một gia đình mà không có hạnh phúc. Bởi, sai thì ráng chịu, không được phép làm lại – đó là cách nghĩ của nhiều bậc phụ huynh ảnh hưởng bởi lối suy nghĩ từ xưa.
Bởi thế, nếu con gái có bị chồng đánh đập, phụ bạc, hay đối xử tệ bạc, bố mẹ họ khi xưa sẽ khuyên: "Thôi con ạ, cố gắng nhịn để giữ gìn hạnh phúc, để con cái có cha mẹ, để bố mẹ không bị nhục nhã với xóm làng vì mang tiếng con gái bị người ta đuổi về,...". Và cũng bởi thế, biết bao cô gái đã phải đau đớn tủi nhục chịu đựng, thậm chí cứ về nhà thì bị bố mẹ đẻ "đuổi đi" với mong muốn "không cho nó dung thân thì nó sẽ phải quay về với chồng".
Đấy là tư tưởng cổ hủ và lạc hậu đã bao đời nay ăn sâu vào tiềm thức. Biết bao thế hệ đã sống với quan điểm đó, và biết bao phụ nữ cũng đã phải hi sinh cả cuộc đời mình trong tủi nhục, đớn đau mà chẳng có phút giây bình an, hạnh phúc theo đúng nghĩa của những từ này.
Thế nên, khi ông Sơn ôm con gái và nói "Về nhà đi con", thông điệp ấy như một dòng thác lũ cuốn phăng những rào cản và tập quán lạc hậu in hằn, ăn sâu trong trí não biết bao người. Giống như mọi sự ức chế bức bách lâu nay được giải toả, rất nhiều khán giả đã khóc, đã chia sẻ lên trang cá nhân những cảm xúc của mình. Bao lâu rồi, họ mới được chứng kiến một ông bố văn minh và nhân văn như ông Sơn?
Chắc chắn nhiều người phụ nữ đã khóc khi nhìn cảnh ông Sơn khắc khổ ôm con gái vỗ về. Họ họ nhìn thấy hình ảnh của mình trong vai Thư, dù có thể đã không có một người cha tâm lý và sẵn sàng bao dung, chấp nhận thị phi của người đời để đến nhà thông gia đón con gái về như trong phim.
2. Về nhà đi con như một khởi đầu của làn sóng thay đổi nếp nghĩ của rất nhiều ông bố bà mẹ, đồng thời tạo ra một làn gió mới trong tư duy của rất nhiều người. Một bộ phim có tính "chiến đấu" rất cao, nhưng lại rất giản dị, rất đời và mang lại những cảm hứng tích cực trong đời sống, đó chính thành công nhất của phim
Khi nghe ông Sơn nói với con gái: “về nhà đi con”, người viết lại nhớ đến câu “về với cha thôi con” của Mãng Ông nói với Thị Kính khi con gái bị bố mẹ chồng vu oan “giết chồng” trong vở chèo cổ nổi tiếng Quan Âm Thị Kính. Ở đây tình cảnh của Thư và Thị Kính có thể khác nhau, nhưng họ giống nhau về nỗi đau, về sự bẽ bàng của một phụ nữ với chức phận làm “vợ”. Và hai người cha, cho dù họ khác nhau về sự xuất hiện tại nhà chồng của con gái (với Mãng Ông là do ông thông gia sang tận nhà gọi, còn với ông Sơn là do ông tự sang nhà thông gia) nhưng họ cùng có một điểm chung duy nhất là tình thương yêu vô bờ bến đối với con gái của mình.
Hai câu chuyện cách nhau cả trăm năm, nhưng lại giống nhau về cách ứng xử. Nó cho thấy, bản chất sâu xa của những người làm cha làm mẹ là luôn mong muốn con cái mình được hạnh phúc thực sự. Và khi con cái có đổ vỡ, thất bại, đau đớn ngoài cuộc đời, chính bố mẹ lại dang vòng tay ra đón, để chở che và hàn gắn vết thương lòng đớn đau của con cái.
Về nhà đi con, một lần nữa khẳng định giá trị bất biến của hai tiếng “gia đình”. Chỉ có gia đình mới có thể mang lại cho con cái những sự bình yên, bảo bọc và bao dung mỗi khi con cái mệt mỏi hay thất bại trong cuộc sống. Quay về nhà là quay về nơi bình yên, để vết thương lành lại, để rồi tính tiếp con đường phía trước mặt.
Ngoài phân cảnh gây cơn “địa chấn cảm xúc” ở tập 70, Về nhà đi con còn mang đến nhiều câu chuyện, tình tiết khác và tác động sâu sắc đến suy nghĩ của người xem. Đây là bộ phim không có yếu tố câu khách trên phương diện truyền thông (mà điển hình là cái tên phim lúc đầu nghe rất... sai), nhưng cuối cùng, chính cái tên tưởng như nhạt, như không có gì ấn tượng, gây chú ý,... lại chính là thông điệp trực diện nhất đi thẳng tới trái tim khán giả.
--------------------------------------
Xuất sắc từ kịch bản
Cần khẳng định, ekip biên kịch của phim này rất xuất sắc. Họ là một nhóm các bạn trẻ, bởi thế, phim có rất nhiều màu sắc và cá tính, như một xã hội thu nhỏ. Chỉ một biên kịch sẽ rất khó tạo được sự phong phú, cá tính và kịch tính tận cùng đến thế. Họ thực sự là đại diện cho một thế hệ biên kịch trẻ đủ độ tin tưởng để có thể nâng tầm phim Việt lên một mức cao hơn.
---------------------------------------
>> Xem lại Full HD Về nhà đi con tập 73
https://www.vtvgiaitri.vn/video/ve-nha-di-con-tap-73-335-3875
>> Link xem trực tiếp tập 74 Về nhà đi con lúc 21h tối thứ Sáu 26/7 trên kênh VTV1
https://vtv.vn/truyen-hinh-truc-tuyen/vtv1.htm
https://vtvgo.vn/xem-truc-tuyen-kenh-vtv1-1.htm
>> Link xem lại trọn bộ phim Về nhà đi con trên VTV Giải trí
https://www.vtvgiaitri.vn/title/ve-nha-di-con
Ngô Bá Lục