“Vắt sức” để mưu sinh
Lao động tự do gặp nhiều rủi ro…
Nhận định trên được đưa ra tại Hội thảo “An toàn vệ sinh lao động đối với nữ lao động phổ thông” do Hội Khoa học kỹ thuật an toàn và vệ sinh lao động VN tổ chức ngày 27/11 tại Hà Nội.
Theo PGS.TS. Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường Giới vì Phát triển Cộng đồng, VN là một trong các nước có tỷ lệ nữ tham gia vào lực lượng lao động cao nhất trên thế giới (chiếm 48,6% lực lượng lao động) và tỷ lệ nữ (độ tuối 15-60) tham gia vào hoạt động kinh tế xấp xỉ bằng nam giới. Tuy nhiên, phụ nữ tập trung quá nhiều ở các công việc phổ thông với mức lương thấp, đặc biệt trong các khu vực tư nhân, nhiều người phải làm những công việc nặng nhọc và được trả lương thấp.
Các làng nghề có rất động lao động nữ cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm đối với sức khỏe của chị em. Như làng nghề đúc đồng và nấu chì truyền thống tại Đông Mai, huyện Văn Lâm, Hưng Yên. Người dân làm nghề nấu chì tái chế từ các loại phế liệu bình ắc qui hỏng bằng phương pháp thủ công, nồng độ chì trong không khí vượt quá hàng nghìn lần tiêu chuẩn cho phép. 80% dân trong làng nấu chì mắc các loại bệnh viêm phổi, loét hành tá tràng,…thậm chí ung thư, trong đó trẻ em và phụ nữ chiếm số đông.
Ngay cả nghề giúp việc gia đình (ô sin), tưởng chừng không có gì độc hại nhưng cũng có nhiều nguy cơ. Nghề ô sin, công việc rất phức tạp từ chăm nuôi người ốm, chăm sóc ở bệnh viện, chăm trẻ nhỏ, dẫn trẻ đi học, giúp nấu cơm, giúp dọn dẹp nhà cửa... Nữ lao động phổ thông ở các vùng nông thôn ra thành phố làm việc theo quan hệ thoả thuận, không theo qui định giờ giấc, không có chế độ bảo hiểm y tế… dẫn đến nhiều trường hợp bị chủ nhà ngược đãi hoặc lạm dụng cả thể xác lẫn tinh thần.
… trong doanh nghiệp cũng nhiều thua thiệt
Bà Phạm Thị Thanh Hồng, Phó Trưởng ban Nữ công, Tổng LĐLĐ VN cho biết: kết quả khảo sát của Tổng LĐLĐ VN tại 34 DN sử dụng đông LĐ nữ thì có khoảng 56,2% làm việc trong môi trường tiếng ồn, rung; 55% nóng, bụi; 24,6% có chất độc; 12,9% công việc nặng nhọc. Bên cạnh đó, nhà tắm, vệ sinh, phòng thay quần áo được quan tâm nhưng chưa đáp ứng đủ với số lượng đông lao động nữ. Trong số 1042 công nhân nữ thì chỉ có 22% trả lời có phòng thay quần áo cho nữ.
Theo bà Hồng, trước thực trạng khó khăn, việc tìm ra giải pháp cho nữ lao động phổ thông không hề đơn giản. Bà Hồng nhìn nhận, do phải mang thai và sinh con, nuôi con, sức khoẻ bị giảm sút, thời gian làm việc phải gián đoạn, ảnh hưởng tới sự thăng tiến trong nghề nghiệp của chị em. Mặt khác, do nhận thức chưa đúng đắn trong quan niệm xã hội thường cho rằng phụ nữ phải làm các công việc nội trợ, chăm sóc chồng con, bố mẹ và người già... vì vậy phụ nữ thường thiếu thời gian để học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghề nghiệp.
Các đại biểu đều cho rằng, cần đặc biệt chú trọng tới các giải pháp bảo vệ cho nữ lao động phổ thông, đặc biệt là việc mở rộng đối tượng thụ hưởng BHYT, BHXH cho đối với lao động nữ trong khu vực DN phi chính thức, hộ gia đình, phụ nữ nghèo ở nông thôn.