VAR đã giúp được những gì cho V-League?
Sự vắng mặt của tiền đạo Tuấn Hải vì chấn thương là một tổn hại lớn cho đội tuyển của HLV Philippe Troussier trước 2 trận đấu có ý nghĩa quyết định với Indonesia sắp đến.
Đó là kết quả của một pha vào bóng thô bạo có tính triệt hạ từ phía cầu thủ của Quảng Nam trong trận đấu ở vòng 13. Một ngày sau, suýt nữa Thành Long cũng đã chấn thương sau cú đạp sau của Nhâm Mạnh Dũng ở trận Thể Công Viettel – CAHN.
Thống kê của BTC cho biết sau 12 vòng đầu tiên, mới có 14 thẻ đỏ được các trọng tài rút ra, trung bình 0,17 thẻ/trận, nhưng tại vòng đấu cuối cùng của lượt đi vừa kết thúc, đã có đến 3 thẻ đỏ và đều có xu hướng bạo lực, triệt hạ rất cao. Ngoài chấn thương của Tuấn Hải, thì các trung vệ Bùi Hoàng Việt Anh, thủ môn Nguyễn Văn Việt cũng gặp chấn thương nhưng chưa đến mức phải nghỉ dưỡng.
Ấy là chúng ta chỉ mới tính ở vòng 13. Trước đó vài ngày, trong trận Hải Phòng-Thể Công Viettel, dù trọng tài rút ra đến 5 thẻ vàng nhưng vẫn chưa phản ảnh được tính chất quyết liệt đến mức bạo lực của trận đấu. Chỉ tính riêng cầu thủ trẻ Khuất Văn Khang của đội khách Thể Công Vietel thôi cũng đã 2 lần phải nhờ bác sỹ vào sân can thiệp khi bị phạm lỗi theo kiểu triệt hạ nhưng không có thẻ đỏ. Rất may Khuất Văn Khang không gặp chấn thương.
Chắc không ai quên hàng loạt trụ cột đã không thể tham gia đợt tập trung của đội tuyển Việt Nam cho Asian Cup 2023. Có thể nói chấn thương là một trong những nguyên nhân khiến chúng ta không chơi tốt trong chiến dịch ở Qatar.
Những trận đấu với Indonesia cũng nhắc đến một chi tiết: Chúng ta đã thua Indonesia ở Asian Cup như thế nào. Đó là một pha phạm lỗi vụng về trong vòng cấm và không qua mắt được VAR.
Sau trận đấu đó, dư luận nói rất nhiều về kinh nghiệm thi đấu quốc tế của cầu thủ Việt Nam, khi mà ngay cả việc đá dưới sự quan sát của VAR tại V-League cũng không làm cho họ tỉnh táo hơn trong các quyết định thi đấu của mình.
Lấy ví dụ như trường hợp phạm lỗi của Nhâm Mạnh Dũng với Thành Long trong trận đấu trên sân Hàng Đẫy. Thời điểm đó Thể Công Viettel đang dẫn 3-0 và trận đấu chỉ còn 10 phút. Cá nhân Mạnh Dũng đã có một thẻ vàng trước đó, còn tình huống bóng thì đang ở giữa sân, vậy mà tiền đạo của chủ nhà vẫn đuổi theo và đạp vào gót chân của Thành Long. Pha phạm lỗi ấy rất vô nghĩa đối với Mạnh Dũng và CLB của anh nhưng có thể dẫn đến chấn thương nghiêm trọng cho Thành Long.
Những trận đấu kể trên đều có VAR. Nghĩa là về lý thuyết, nó sẽ khiến cầu thủ sẽ cẩn trọng và tỉnh táo hơn trong thi đấu vì sự trừng phạt sẽ nặng nề hơn. Vậy nhưng, đó chỉ là lý thuyết mà chúng ta tưởng tượng ra, còn thực tế thì cầu thủ của chúng ta vẫn đang "vô tư" chơi theo bản năng. Không nghĩ đến VAR, cũng chẳng "nể nang" các đồng nghiệp đều là trụ cột ở đội tuyển.
Đó chính là một mối lo không nhỏ trước 2 trận đấu với Indonesia, một đội thủ có khả năng chơi bóng quyết liệt đến mức… nhà nghề. Bóng đá Indonesia khá bạo lực, nên ở một góc độ nào đó, họ sẽ có những mánh khóe để vừa gây tổn thương cho đối phương mà vẫn thoát được án phạt của trọng tài.
Trở lại với những chấn thương do lối chơi phạm lỗi có phần thô thiển của sân cỏ V-League, thì khó yêu cầu của tiến bộ ngay lập tức từ ý thức của cầu thủ. Có lẽ VAR cũng như trọng tài Việt Nam vẫn chưa thực hiện đầy đủ quyền hạn của mình để ngăn chặn bạo lực. Ví dụ như theo thống kê tại giải Ngoại hạng Anh, thì từ khi áp dụng VAR, số thẻ đỏ mỗi mùa được các trọng tài rút ra tăng lên khoảng 17-23%, nhưng những ca chấn thương "không ai dám nhìn" lại không xuất hiện nữa.
Bóng đá là môn đối kháng, chấn thương có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào thế nên việc răn đe, ngăn ngừa quan trọng hơn việc trừng phạt. Đây chính là ý nghĩa tích cực của VAR cũng như sự nghiêm minh, quyết liệt của các trọng tài. Rõ ràng, 2 con số về thẻ đỏ của 12 vòng trước và chỉ tính riêng vòng 13 cũng cho thấy nếu mọi thứ không được ngăn chặn sớm, áp dụng một cách liên tục thì hậu quả của nó sẽ tai hại.