Vắng 'Hiệp sĩ' nhưng đầy 'Khát vọng Dế Mèn'
(Thethaovanhoa.vn) - Lễ trao Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 2 năm 2021 do báo Thể thao và Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) tổ chức đã diễn ra (không có khán giả trực tiếp) lúc 10h, thứ Ba, ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6/2021 tại Hà Nội. Kết quả: Không có giải cao nhất -Hiệp sĩ Dế Mèn, có 5 giải đồng hạng -Khát vọng Dế Mèn được trao trên 3 lĩnh vực: Văn học (gồm cả truyện tranh), mỹ thuật và phim.
1. Là giải thưởng nghệ thuật thường niên do báo Thể thao và Văn hóa sáng lập và tổ chức từ năm 2020, Giải Dế Mèn nhằm tìm kiếm và tôn vinh các sáng tác, trình diễn nghệ thuật - giải trí xuất sắc “của thiếu nhi” (thiếu nhi là chủ thể sáng tạo) hoặc “vì thiếu nhi” (thiếu nhi là đối tượng phục vụ). Cơ cấu giải thưởng bao gồm Giải thưởng Lớn mang tên Hiệp sĩ Dế Mèn (Cricket Knight) và một số giải Khát vọng Dế Mèn (Cricket Desire).
Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 2 -2021 có 118 tác phẩm gửi dự thi hoặc được đề cử (tính đến hạn chót nhận tác phẩm là 24h ngày 15/5/2021). Ban sơ khảo đã chọn được 16 tác phẩm tiêu biểu lọt vào vòng chung khảo, trong đó có 8 tác phẩm văn học (gồm cả truyện tranh), 2 tác phẩm mỹ thuật, 3 bộ/series phim và 3 tác phẩm âm nhạc.
Nếu như ngay trong mùa giải đầu tiên, đã có một danh hiệu Hiệp sĩ Dế Mèn được trao cho nhà văn Nguyễn Nhật Ánh với cuốn Làm bạn với bầu trời cùng một gia tài sáng tác 40 cuốn sách cho thiếu nhi và tuổi mới lớn, thì đến năm nay, chưa thấy có một Nguyễn Nhật Ánh thứ hai. Và vì thế giải thưởng quan trọng nhất này đã phải bỏ trống.
Lý giải về điều này, nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giám khảo cho biết: “Trong năm cũng có một số tác giả “cây đa cây đề” ra sách mới, nhưng rất tiếc là trong đó không có những sáng tác mới như tiêu chí của Giải đề ra, và do đó đành lỗi hẹn. Chúng tôi luôn kiên trì với tiêu chí - đó là tác giả được vinh danh “hiệp sĩ” thì bất kể đã có bề dày sáng tác trong quá khứ ra sao, vẫn phải có tác phẩm xuất sắc được sáng tác trong năm trao giải. Có như vậy sự vinh danh mới khuyến khích được các tác giả kỳ cựu đầu tư cho những sáng tác mới, nhằm nâng tầm cho nền nghệ thuật thiếu nhi của nước nhà”!
2. Một mùa giải Dế Mèn đã khép lại, dù không có giải “Hiệp sĩ”, nhưng những tác phẩm giành giải Khát vọng Dế mèn là những dấu ấn rất đậm nét trong bức tranh nghệ thuật thiếu nhi trong năm qua.
Nếu như Đi trốn chân thật, vạm vỡ, đậm chất hoài niệm thì bộ sách tranh Khác biệt mới tuyệt làm sao (gồm 4 cuốn: Chú nhỏ ôm giấc mơ tiên, Nàng rồng khè ra trà sữa, Lão ma cà rồng cuồng cà rốt, Nhóc kì lân mọc sừng búa đẽo) lại dí dỏm, hiện đại và “bắt trend” cực kỳ tài tình. Hai cuốn sách là một sự bổ sung hoàn chỉnh cho nhau trong mảng sách văn họccủa mùa giải năm nay.
Còn truyện tranh Ly & Chũn - Tết là nhất, nhất là Tết! thì lại ghi nhận một bước tiến mới củachàng trai 9X Mèo Mốc (Đặng Quang Dũng) - một “hiện tượng truyện tranh” đã có đủ độ chín, sức bền và sức bật.
- 5 giải 'Khát vọng Dế Mèn' năm nay đã làm nên một mùa giải rất chất lượng
- Bảng vàng Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn qua 2 mùa giải
- Kết quả Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 2-2021: Tôn vinh 5 'Khát vọng Dế mèn'
Nếu như năm ngoái, tại Dế Mèn có “họa sĩ nhí” Nguyễn Đới Chung Anh (10 tuổi) được vinh danh, thì năm nay cũng có một họa sĩ nhí là Xèo Chu (sinh năm 2007) với chùm tranh vẽ về thiên nhiên và cuộc sống xung quanh, thể hiện cái nhìn trong trẻo, thuần khiết đến mức “vô nhiễm” của cậu bé 13 tuổi khi đó. Nhưng nhìn vào đó ta cũng thấy được cả sự an nhiên, tự tại trong tâm hồn em giữa những ngày nghỉ dịch.
“Khi Covid-19 xảy ra, phải nghỉ học, giãn cách xã hội, nhà ai ở nhà nấy, con rất sợ dịch ập đến, nên cứ đi quanh nhà, thấy gì vẽ nấy. Nhưng cuối cùng thì hoa thu hút con nhiều nhất, vì nó nhiều loại, màu sắc đẹp, vẽ hoài không chán, càng vẽ càng thấy hoa đẹp” - Xèo Chu kể.
Năm nay, lần đầu tiên đã có một phim hoạt hình được vinh danh - phim Khúc gỗ mục. Đó làmột câu chuyện phim giản dị mà để lại ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Nó cho thấy phim hoạt hình “made in Việt Nam” không hề kém cạnh so với thế giới, kể cả về mặt kỹ thuật.
Nguyễn Mỹ