Văn học trẻ & nguy cơ 'ngôn tình hóa' (Bài 1): Người đọc dễ dãi có thể làm hư người viết
Trong năm 2014, hiện tượng “văn học trẻ Việt Nam” đã được ghi nhận. Đó là các tác giả trẻ, tuổi đời trên dưới 20, chủ yếu sống ở Hà Nội và TP.HCM. Họ có khả năng viết lách, giỏi truyền thông và kết nối với người đọc qua mạng xã hội, có sách bán chạy lên đến hàng chục nghìn bản.
Không “ảo” như ngôn tình nhưng vẫn ít nhiều tô vẽ
Văn học trẻ Việt Nam nổi lên trong năm 2014 nhưng đã xuất hiện và bắt đầu lan tỏa sức hút từ vài năm nay. Nhìn rộng ra, văn học trẻ cũng đang là trung tâm trong thị trường sách văn học tiếng Việt, xét về doanh số (dù chỉ dựa theo thống kê của các nhà sách cung cấp và những trang web bán sách trên mạng nhưng cũng tương đối chính xác), độc giả và sự chú ý của truyền thông. TP.HCM là nơi quy tụ nhiều nhà văn trẻ nổi tiếng hơn, nhưng các nhà văn trẻ Hà Nội cũng đang dần có tiếng nói.
Còn cách đây 9 năm, dòng văn học ngôn tình Trung Quốc đổ bộ vào Việt Nam tạo nên một cơn sốt đọc thực sự. Đây cũng là một hiện tượng không thể bỏ qua khi nói về thị trường sách Việt Nam thập niên vừa qua. Văn học ngôn tình Trung Quốc và văn học trẻ Việt Nam, hai dòng sách gây sốt xếp theo thứ tự thời gian, có mối liên hệ nào không?
Độc giả trước gian hàng sách văn học trẻ Việt Nam ở Hội sách Hà Nội cuối tháng 9
Vũ Thị Minh Phương, biên tập viên một trang web chuyên đăng truyện ngắn, truyện dài của các tác giả trẻ, nhận định với Thể thao & Văn hóa Cuối tuần: “Có thể nói, hàng trăm bạn trẻ hiện nay rất đam mê sáng tác. Đề tài của họ rất phong phú. Bên cạnh tình yêu đôi lứa luôn chiếm nhiều giấy mực nhất, những người trẻ cũng quan tâm đến tình cảm gia đình hoặc tình bạn. Nhưng vẫn phải nói thêm rằng số lượng tác phẩm trong 2 mảng này ít đến mức khó sánh nổi với số lượng tác phẩm về tình yêu nam nữ”.
Mặc dù vậy, biên tập viên này cho rằng văn học trẻ Việt Nam không đến nỗi xa rời thực tế như ngôn tình. Nhân vật trong ngôn tình Trung Quốc thường được hình tượng hóa nhiều hơn, thậm chí đến mức rất “ảo”, còn các nhân vật trong văn học trẻ Việt Nam chân thực hơn. Tình yêu không dừng lại ở màu hồng lãng mạn mà còn có nhiều mâu thuẫn về mối quan hệ xã hội, sự xuất hiện của người thứ ba, sự thay đổi...
Nhưng không loại trừ một số người viết trẻ bị ảnh hưởng khá nhiều từ các mô típ, hình tượng nhân vật trong ngôn tình hoặc lạm dụng triết lý tình cảm sáo rỗng.
“Là người quản trị trang web chuyên đăng tác phẩm văn học trẻ, tôi thấy có những độc giả đọc hời hợt dễ dãi. Họ đọc truyện chỉ để tìm vài câu triết lý nghe hay hay để chia sẻ trên Facebook. Trên trang web, nhiều khi một tác phẩm được nhiều người thích và chia sẻ chỉ vì có tiêu đề hay hoặc câu trích dẫn hay” - Minh Phương nhận định.
“Rất ít độc giả quan tâm đến nghệ thuật viết, văn phong của tác giả, họ chỉ cần biết cốt truyện thôi và có khi cũng không đọc hết nội dung. Nếu độc giả đã như vậy thì từ đó, người viết cũng bị hời hợt theo, chỉ chăm chăm tô vẽ nhan đề “hot” để sách bán được”.
“Tôi chưa nhận xét về truyện dài, nhưng với truyện ngắn, nhà làm sách chỉ cần nội dung nhẹ nhàng, vui vui, dễ đọc. Những tác phẩm nào gây cảm giác nặng nề thì dù hay hoặc ý nghĩa đến mấy họ cũng không nhận. Họ giải thích là do thị hiếu”.
“Ngôn tình hóa” văn học trẻ Việt Nam, có hay không?
Với câu hỏi này, Hà Thu (Trưởng nhóm YOLOBooks, dòng sách văn học trẻ Việt Nam của BachvietBooks), nhận xét: “Ảnh hưởng của ngôn tình với văn học trẻ Việt Nam là rất rõ ràng. Các bạn chủ yếu viết về tình yêu đôi lứa theo cách nhẹ nhàng, theo mô típ trai xinh, gái đẹp, tình yêu hơi ảo, xa rời thực tế”. Nhưng Hà Thu cho rằng “ngôn tình hóa” là cách nói hơi mạnh.
Lâu nay, cách đặt tên nhân vật trong văn học trẻ Việt Nam cũng giống tên Trung Quốc, chỉ đến gần đây bắt đầu mới thay đổi, Việt hóa, hướng đến thực tế hơn. Bắt đầu có những cái tên, địa danh, tình tiết, cốt truyện có chất Việt Nam. “Nhưng những tác giả trẻ có ý thức đưa chất Việt vào trang viết như Hân Như, Minh Mẫn vẫn còn rất ít” - Hà Thu cho biết.
“Nguyên nhân là các tác giả trẻ có quá ít trải nghiệm sống. Những tác giả lứa trước như Trần Thu Trang, Nguyễn Thu Thủy có trải nghiệm nhiều hơn nên tác phẩm của họ thực hơn. Bây giờ, những tác giả sinh năm 1995 có thể viết một tác phẩm rất mùi mẫn về tình yêu nhưng thừa nhận họ chưa yêu bao giờ mà chỉ viết theo trí tưởng tượng, kết hợp với cảm xúc và khả năng viết văn”.
Nhìn sự việc từ góc độ khác, Bùi Năm Châu (nhân viên truyền thông Công ty Sách Quảng Văn), cho rằng: “Vẫn có những tác giả cá tính không đọc và không bị ảnh hưởng bởi ngôn tình”.
Công ty Quảng Văn đã nhiều năm làm sách ngôn tình, chỉ bắt đầu ra sách văn học trẻ Việt Nam hơn một năm nay nhưng dòng sách này đang giành được sự chú ý của độc giả. Tại Hội sách Hà Nội tháng 9 năm nay, một trong những đầu sách bán chạy nhất của công ty này là Hãy để anh vào tầm mắt em của tác giả Chúy (Việt Nam). “Chúy là một cây bút nữ có cá tính, trải nghiệm sống, sự trưởng thành và già dặn được thể hiện trong trang viết” - Năm Châu cho biết.
Còn theo Minh Phương thì câu trả lời là: “Một phần đúng và một phần không. Nhiều tác giả trẻ Việt Nam cũng là độc giả của ngôn tình, đọc nhiều nên không thể tránh khỏi hơi hướng bị ảnh hưởng, cả về văn phong lẫn nội dung”.
Tóm lại, trong số đông người viết trẻ, có người bị ảnh hưởng bởi ngôn tình và có người vẫn có những bản sắc riêng, nhưng số có bản sắc lại ít hơn.
Một số đầu sách văn học trẻ bán chạy trong năm nay |
Hoàng Nhật (nhà văn, 25 tuổi): “Lối viết ngôn tình” đang chèn ép những lối viết khác |
Hạ Huyền
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần